Phó Tổng thư ký Vinastas nói mục đích vì sao đi khảo sát nước mắm

Phó Tổng thư ký Vinastas đã lí giải về mục đích khảo sát nước mắm và nguyên nhân Hội không công bố các hãng nước mắm có hàm lượng thạch tín cao.

Chiều ngày 17/10, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) công bố kết quả khảo sát nước mắm trên toàn quốc. Theo đó, có đến 101/150 mẫu được kiểm định chất lượng có hàm lượng asen (thạch tín) vượt ngưỡng cho phép. Đáng chú ý, 95,65% nước mắm độ đạm càng cao, chứa thạch tín càng nhiều.

Người tiêu dùng hoang mang về thông tin chất lượng nước mắm vừa được Vinastas công bố. Ảnh ST

Trao đổi với báo giới bên lề cuộc họp chiều 17/10, TS Trần Thị Dung, chuyên gia thủy sản cho rằng những thông tin về asen trong kết quả khảo sát trên là không đúng vì tiêu chuẩn Việt Nam không có. Hiện tại, chỉ có quy chuẩn về kim loại nặng như chì, thủy ngân chứ không có asen.

Cũng theo TS Dung, Bộ Y tế chỉ quy định asen vô cơ nhưng ở đây lại khảo sát asen tổng, rồi kết luận asen vô cơ không có. Chưa kể kết quả khảo sát còn kết luận các mẫu nước mắm có độ đạm càng cao thì có hàm lượng asen tổng vượt ngưỡng quy định càng tăng.

TS Dung cho rằng kết quả khảo sát như vậy là không công bằng đối với ngành sản xuất nước mắm, nhất là nước mắm truyền thống vốn có độ đạm cao.

Thông tin nhiều loại nước mắm được cho là không an toàn khiến người tiêu dùng rất hoang mang, nhất là khi Vinastas lại không công bố cụ thể hãng nước mắm nào có hàm lượng thạch tín vượt ngưỡng cho phép để người tiêu dùng còn biết đường lựa chọn.

Tối 18/10, trao đổi với phóng viên Chất lượng Việt Nam, ông Vương Ngọc Tuấn - Phó Tổng thư ký Vinastas nói: “Thông tin đưa ra là chính xác, mục đích để người tiêu dùng biết và cũng là tiếng nói gửi đến các doanh nghiệp để họ xem xét, nâng tầm thương hiệu Việt lên. Thông tin đó cũng để gửi tới nhà quản lý, các bộ ngành có trách nhiệm xem xét, tăng cường hoạt động kiểm tra kiểm soát”.

Ông Vương Ngọc Tuấn - Phó Tổng thư ký Vinastas. Ảnh: X. Hiệp

Về lí do vì sao không công bố tên các doanh nghiệp, thương hiệu nước mắm có hàm lượng thạch tín vượt ngưỡng cho phép, ông Vương Ngọc Tuấn giải thích là do quy định của luật pháp.

“Theo luật, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng có quyền khảo sát, công bố thông tin nhưng những thông tin liên quan đến đích danh các tổ chức cá nhân, sản phẩm thì phải được các cơ quan quản lý thanh tra, kiểm tra theo quy định và họ mới được quyền công bố”, ông Tuấn nói.

Ông Tuấn nhấn mạnh, đây chỉ là cuộc khảo sát của hội, của người tiêu dùng, mang tính chất cung cấp thông tin. Trách nhiệm đầu tiên của Hội là chuyển tải thông tin đó đến các cơ quan quản lý để được xem xét.

“Họ mới có quyền và trách nhiệm để công bố”, ông Vương Ngọc Tuấn tái khẳng định.

Vị Phó Tổng thư ký Vinastas cho biết thêm, vừa qua trên mạng xã hội lan truyền một danh sách các hãng nước mắm không đảm bảo và cho rằng danh dách này do Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng cung cấp. Ông Tuấn khẳng định Hội không hề biết danh sách đó và ai đưa lên mạng, đồng thời cho rằng thông tin trên bóp méo sự thật, ảnh hưởng đến uy tín của Hội.

“Tôi có thông điệp muốn gửi đến những người đưa tin rằng nên đưa tin một cách trung thực, không nên đưa những ý kiến có tính chất giật gân, tạo dư luận không hay”, ông Tuấn gửi gắm.

Ông Tuấn cung cấp thêm thông tin, trong khảo sát, báo cáo của Hội cũng không phân biệt mắm công nghiệp hay mắm truyền thống.

“Người ta khảo sát tất cả 150 mẫu có hàm lượng 10g đạm trở lên trên 1 lít. Theo quy định, định nghĩa về nước mắm là phải có 10g đạm trở lên mới được gọi là nước mắm. Chúng tôi mua ở các siêu thị, các điểm phân phối của các hãng, một số mẫu lấy thẳng từ các doanh nghiệp, nói chung đều có xuất xứ rõ ràng chứ chúng tôi không phân biệt mắm công nghiệp hay mắm truyền thống”, ông Tuấn quả quyết.

H. NGUYÊN

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/pho-tong-thu-ky-vinastas-noi-ro-muc-dich-vi-sao-di-khao-sat-nuoc-mam-d105992.html