Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà dự hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Bộ Công thương

Ngày 20.12, tại Hà Nội, Bộ Công thương tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo hội nghị

Báo cáo tại hội nghị cho biết, trong năm 2023, Bộ Công thương đã chủ động tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 4 quy hoạch ngành quốc gia có ý nghĩa quan trọng như: Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia; Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia; Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia. Hoạt động sản xuất công nghiệp đã vượt qua giai đoạn khó khăn, có sự phục hồi tích cực, đóng góp vào tăng trưởng chung của nền kinh tế. Một số dự án tồn đọng kéo dài của ngành Công thương đã được khắc phục, đi vào hoạt động đạt hiệu quả bước đầu.

Cùng với đó, cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 8 liên tiếp, góp phần tích cực cho cán cân thanh toán, nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế. Thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh (quy mô thị trường thương mại điện tử khoảng 25 tỷ USD tăng 25% so với năm 2022), giữ vững vị trí top 5 thế giới về tốc độ tăng trưởng, tạo động lực phát triển kinh tế và dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp. Việc phát triển các nền tảng số trong thương mại đã thúc đẩy tiếp cận thị trường, rút ngắn khoảng cách và thời gian cho doanh nghiệp.

Ngành Công thương đã triển khai có hiệu quả nhiều giải pháp xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng để thúc đẩy thương mại nội địa. Tổng bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2023 ước tăng 9,6% vượt mục tiêu đề ra (8-9%). Nguồn cung hàng hóa tại thị trường trong nước, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm; khắc phục được khó khăn về thiếu nguyên, nhiên liệu thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống của người dân.

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại hội nghị

Tại Hội nghị, đại diện các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, Hiệp hội ngành hàng trao đổi, tham luận, đánh giá tình hình và kết quả phát triển ngành Công thương trong năm 2023; đề xuất các giải pháp trọng tâm năm 2024.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ghi nhận, biểu dương những thành tích ngành Công thương đạt được trong năm 2023, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi, tình hình quốc tế diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, tác động tiêu cực, nhiều chiều đến quá trình phục hồi, phát triển kinh tế trong nước.

Đồng thời, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương nhận diện rõ các khó khăn, thách thức, hạn chế, vướng mắc để xác định giải pháp tháo gỡ.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương sớm rà soát, ban hành Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp, trong đó, nâng cao năng lực độc lập, tự chủ, của nền sản xuất Việt Nam theo hướng chú trọng nâng cao tự chủ về nguyên liệu, công nghệ, sản xuất, tăng cường năng lực sáng tạo và thiết kế. Đồng thời, phát triển các ngành công nghiệp sử dụng nhiều công nghệ, có giá trị gia tăng cao và các ngành công nghiệp phát thải carbon thấp; khuyến khích đủ mạnh để phát triển những lĩnh vực ưu tiên của các ngành công nghiệp nền tảng; phát triển hệ sinh thái công nghiệp năng lượng, hydrogen, amoniac xanh, hệ sinh thái công nghiệp hàng hải và đường sắt tốc độ cao..

Nhấn mạnh các giải pháp bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, Phó Thủ tướng yêu cầu tập trung hoàn thành và trình ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia trong năm 2023 theo yêu cầu Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng thời tổ chức thực hiện có hiệu quả kế hoạch sau khi Thủ tướng phê duyệt; sớm ban hành Kế hoạch vận hành hệ thống điện quốc gia; khẩn trương hoàn thiện và trình Chính phủ xem xét ban hành cơ chế chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái nhà dân, công sở và khu công nghiệp; cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn.

Bộ Công thương chỉ đạo triển khai bảo đảm tiến độ đối với các dự án trọng điểm, cấp bách của ngành điện, đặc biệt các dự án đường dây 500 kV mạch 3 từ Quảng Trạch đến Phố Nối, đưa vào vận hành trong tháng 6.2024; Chuỗi dự án điện khí Lô B - Ô Môn, Nhiệt điện Quảng Trạch...

Bên cạnh đó, Bộ Công thương chỉ đạo triển khai đồng bộ, hiệu quả phát triển các ngành điện, dầu khí, than bền vững, giữ vững an ninh năng lượng quốc gia; thực hiện chuyển dịch cơ cấu năng lượng, giảm thiểu phát thải carbon gắn với phát triển năng lượng sạch, tái tạo, chủ động tận dụng, phát huy có hiệu quả hỗ trợ về khoa học, tài chính xanh thông qua các cơ chế hợp tác chuyển đổi năng lượng công bằng JETP và sáng kiến Cộng đồng phát thải ròng bằng 0 châu Á để thực hiện cam kết quốc tế của Việt Nam về trung hòa carbon vào năm 2050; thí điểm triển khai các các dự án trang trại điện gió ngoài khơi...

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhận định, năm 2024 là năm có ý nghĩa quyết định đến kết quả thực hiện các mục tiêu Kế hoạch 5 năm (2021-2025). Bên cạnh những yếu tố thuận lợi, tình hình quốc tế, khu vực và trong nước được dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Quang cảnh hội nghị

Để kịp thời khắc phục những hạn chế trong thời gian qua, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu các đơn vị tiếp tục nghiên cứu, quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan về phát triển công nghiệp, thương mại; nhất là các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.

Bộ trưởng đề nghị các đơn vị trong ngành công thương tiếp tục đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế; chủ động tham mưu khai thác các cơ hội từ quan hệ đối ngoại với các nước lớn để đón đầu làn sóng dịch chuyển đầu tư. Mặt khác, phát huy tốt hơn nữa vai trò của hệ thống cơ quan Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài trong hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp. Đồng thời, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu, thúc đẩy xuất khẩu bền vững.

Mặt khác, toàn ngành cần đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới xúc tiến thương mại, thương mại điện tử, kinh tế số; theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả, thị trường các mặt hàng thiết yếu để điều hành phù hợp, hiệu quả. Ngoài ra, tăng cường quản lý thị trường và nâng cao năng lực phòng vệ thương mại, bảo vệ sản xuất và lợi ích người tiêu dùng, phù hợp với cam kết quốc tế… tạo chuyển biến mạnh mẽ trong toàn hệ thống nhằm thực hiện thắng lợi, toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao.

Lâm Hiển

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/pho-thu-tuong-tran-hong-ha-du-hoi-nghi-trien-khai-nhiem-vu-nam-2024-cua-bo-cong-thuong-i354880/