Phó Chủ tịch Sơn La nói về 'hiện tượng' nông nghiệp của cả nước

Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện sản xuất thì Sơn La đã rất chú ý làm sao xây dựng vùng trồng thuần và những vùng sản xuất tập trung từng loại cây trồng.

Năm 2023 tiếp tục là một năm bứt phá của nông nghiệp Sơn La. Địa phương từng được coi là “hiện tượng” nông nghiệp của cả nước này hiện đang triển khai các bước đi thận trọng, bài bản để kinh tế nông nghiệp phát triển ngày càng vững chắc, nhiều thành công.

Phóng viên VOV Tây Bắc có cuộc trò truyện với ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La xung quanh các nội dung này.

Ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La

PV: Năm 20203 tiếp tục là 1 năm được mùa của nông sản Sơn La khi năng suất, sản lượng tăng cao hơn so với năm trước, như sản lượng quả và sơn tra đã tăng tới 25 %. Xin ông cho biết việc tiêu thụ các mặt hàng nông sản của tỉnh trong năm, nhất là các sản phẩm quả đã đạt các kết quả như thế nào?

Ông Nguyễn Thành Công: Năm 2023 trên cơ sở chỉ đạo sản xuất theo hướng sản xuất sạch, an toàn và quy mô sản xuất hàng hóa tăng lên, nên các sản phẩm cây trồng chủ lực của Sơn La như xoài, nhãn, chanh leo, mận và các sản phẩm đang mùa chính vụ hiện nay như dâu tây đều có năng suất tăng lên, chất lượng tăng lên từ 20 - 25%.

Tuy nhiên, từ những giải pháp đồng bộ thì tỉnh đã tiêu thụ hết các sản phẩm nông sản trong các niên vụ, với khoảng gần 500.000 tấn trái cây, khoảng 300.000 tấn cà phê và các loại nông sản khác, như trên 1 triệu tấn sắn, chè…

PV: Cụ thể là Sơn La đã làm thế nào để đạt được kết quả như vậy?

Ông Nguyễn Thành Công: Cách làm là khi ta đã có vùng sản xuất tốt rồi thì chú trọng tổ chức quảng bá giới thiệu sản phẩm. Năm vừa rồi Sơn La đã tổ chức nhiều tuần lễ trong cả nước, rồi đưa sản phẩm vào các hệ thống siêu thị và đã tham gia các hội chợ triển lãm quốc tế, ví dụ như đã tham gia hội chợ Nam Ninh - Trung Quốc. Ở đó, Sơn La là một trong các tỉnh được giải thưởng là trưng bày đẹp nhất, đại diện cho quốc gia Việt Nam.

Thứ hai là các hợp tác xã đã nhận thấy và nhận thức rõ một điều là nếu không thực hiện quy trình sản xuất sạch, thì sản phẩm sẽ không đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu và nhu cầu thị hiếu của thị trường. Do vậy đã đi sâu vào sản xuất sạch và chất lượng sản phẩm tăng lên. Sơn La hiện cũng đang thực hiện các bước xuất khẩu dâu tây, kể cả xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Đấy là những tín hiệu rất đáng mừng; là cách thức mà địa phương đã triển khai để có các thành quả trong sản xuất và tiêu thụ nông sản năm 2023

PV: Ngoài tiêu thụ sản phẩm quả tươi thì Sơn La cũng đang chú trọng việc chế biến sâu các sản phẩm quả, phấn đấu không để dư thừa, lãng phí các sản phẩm quả trồng ra. Vậy, việc xây dựng cơ sở chế biến đã và đang được địa phương quan tâm triển khai ra sao?

Nhiều hộ dân ở Sơn La đã làm giàu từ trồng cây ăn quả

Ông Nguyễn Thành Công: Xác định muốn tăng giá trị gia tăng của sản phẩm và triệt tiêu vấn đề dư thừa sản phẩm, cũng như triệt tiêu vấn đề bị ép giá khi chính vụ thì chúng ta phải có hệ thống nhà máy chế biến lớn. Minh chứng cho điều đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La đã chỉ đạo tập trung thu hút các nhà máy chế biến lớn. Ngay đầu năm 2023, tỉnh đã khánh thành Nhà máy phân bón Sông Lam; rồi khánh thành tiếp các nhà máy cà phê Sông Lam, Trung tâm chế biến rau quả DOVECO với các sản phẩm đậu tương, rau chân vịt, ngô ngọt, xoài, cho đến các sản phẩm chanh leo… Qua đó đã góp phần rất lớn giải quyết bài toán thời vụ và sản lượng cùng một lúc đưa vào chế biến. Từ những dãy hệ thống nhà máy chế biến này, Sơn La đã tiêu thụ cơ bản hết những sản phẩm nông sản trong các niên vụ.

Tới đây, Sơn La sẽ tiếp tục thu hút các nhà máy chế biến. Hiện nay tỉnh đang thu hút các nhà máy vào khu công nghiệp của Mai Sơn, như nhà máy chế biến các loại sấy hoa quả; tinh bột sắn thì tiếp tục xây dựng nhà máy bột biến tính; nhà máy đường thì tiếp tục nâng cấp để sản xuất sản phẩm đường và chuỗi liên kết sản xuất với các hộ nông dân, để thấy rằng công nghiệp chế biến sẽ góp phần giải bài toán mùa vụ; và điều quan trọng là tăng thu nhập và tạo việc làm cho người lao động và trở thành chuỗi sản xuất bền vững.

PV: Năm 2023, sản phẩm quả của Sơn La tăng cao so với năm trước. Ngoài yếu tố được mùa thì còn do diện tích cây ăn quả của tỉnh cũng tăng vì người dân trồng tự phát khá nhiều. Vấn đề này sẽ được kiểm soát như thế nào để tránh tình trạng vỡ quy hoạch, vì như thế thì sẽ gây khó khăn không nhỏ cho khâu tiêu thụ, cũng như ảnh hưởng đến chương trình phát triển kinh tế nông nghiệp của địa phương?

Ông Nguyễn Thành Công: Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện sản xuất thì Sơn La đã rất chú ý làm sao xây dựng vùng trồng thuần và những vùng sản xuất tập trung từng loại cây trồng. Và khi sản xuất tập trung thì sẽ áp dụng được quy trình sản xuất đảm bảo cho loại cây trồng đó phát triển ổn định. Thứ hai là cố gắng tạo mật độ cây trồng hợp lý trên một diện tích canh tác, chứ không thể trong một diện tích canh tác mà xoài cũng có, nhãn cũng có… thì chất lượng sản phẩm quả sẽ đi xuống.

Do vậy cái này là phải quản lý về quy trình sản xuất, vùng trồng và nhất thiết là phải đáp ứng được các tiêu chuẩn. Đồng thời là phải đưa vào chuỗi sản xuất, vì bây giờ không vào chuỗi sản xuất thì sẽ rất khó. Như năm vừa rồi, một số điểm xoài trồng không theo quy hoạch, tự phát vài trăm mét hoặc 1.000m xong bỏ đó; đến lúc quả xoài nó lép hoặc bị sâu đục thì bán chỉ được có 2 - 3 ngàn đồng/kg, không bù đắp được chi phí nên người dân kêu. Nhưng trên thực tế thì những hộ gia đình đó không vào chuỗi sản xuất của HTX. Vì vậy, tạo vùng, quản lý vùng và đưa vào giám sát là những vấn đề rất quan trọng cho cây trồng Sơn La. Để tránh trường hợp trồng năm nay, cong 2,3 hoặc 5 năm lại chặt bỏ đi, trồng cây khác thì chúng ta phải quy hoạch vùng trồng và nhất định là phải xây dựng vùng trồng tập trung.

Chế biến long nhãn

PV: Năm 2024 này và các năm tiếp theo, kế hoạch sản xuất và tiêu thụ nông sản, trong đó có sản phẩm quả được tỉnh Sơn La xác định như thế nào?

Ông Nguyễn Thành Công: Năm 2024 với 84.160 ha cây ăn quả tỉnh đến ngày 31 tháng 12 của năm 2023 thì Sơn La xác định rất rõ là nhãn, xoài, mận, thanh long, mận, thanh long, sơn tra… tức là những sản phẩm chủ lực lớn thì sẽ phải xác định từng mùa vụ và từng mùa vụ đó sẽ tương ứng với hỗ trợ cho tiêu thụ, hỗ trợ cho chế biến và xuất khẩu, tiến tới tất cả các sản phẩm xuất khẩu phải chính ngạch.

Hai là phải xác định vùng trồng cho từng nhà máy chế biến, vùng trồng cho từng khu vực xuất khẩu và vùng trồng cho việc tiêu thụ ở thị trường trong nước. Phải xác định được như thế thì chúng ta mới giải được bài toán mất mùa, hoặc người dân bị ép giá. Đây là bài toán mà Sơn La đã nhìn thấy rất rõ và đã có những chính sách, có các cách làm và có những kế hoạch hết sức cụ thể trong năm 2024, với quyết tâm là đưa chất lượng sản phẩm nông sản đi lên và nhất định không để những vùng trồng tự phát gây ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Một khâu nữa là tiếp tục đưa các sản phẩm vào chế biến sâu và tạo ra các sản phẩm OCOP. Năm nay chúng tôi rất muốn có trên 200 sản phẩm OCOP vì sản phẩm OCOP cũng làm kênh tiêu thụ rất tốt.

PV: Rất nhiều nước trên thế giới giờ đây đã biết đến thương hiệu hoa quả Sơn La, Việt Nam. Vậy việc quảng bá, xúc tiến xuất khẩu nông sản sẽ tiếp tục được tỉnh Sơn La quan tâm như thế nào trong thời gian tới?

Ông Nguyễn Thành Công: Năm 2024 thì phương thức để quảng bá, giới thiệu, xúc tiến sản phẩm nông sản sẽ có thay đổi. Sơn La đã làm ở thị trường trong nước quen rồi, bài bản rồi; đã làm nhiều lễ hội như lễ hội dâu tây, lễ hội xoài, lễ hội nhãn, tuần lễ nhãn… Năm 2023 Sơn La cũng đã sang tận Nam Ninh (Trung Quốc) để quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông sản. Năm nay chúng ta phải tiếp tục có hướng xúc tiến tiêu thụ sản phẩm nông sản ra nước ngoài. Ví dụ phải tham gia vào thị trường Thái Lan; hay phải tổ chức tại Bắc Kinh để tiếp tục quảng bá, giới thiệu ngày càng sâu rộng hơn.

Cùng với đó là sẽ tiếp tục tham gia các hội chợ lớn của quốc tế, như trước đây đã từng tham gia hội chợ Milan 196 nước; ở tại Nam Ninh (Trung Quốc) cũng vậy. Ngoài ra, sẽ tiếp tục đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến giới thiệu trên các sàn giao dịch điện tử. Có thể nói, bán hàng trên sàn thương mại điện tử gần như là tốt hơn bán hàng truyền thống. Thế nên Sơn La sẽ tiếp tục triển khai bán hàng trên sàn thương mại điện tử một cách mạnh mẽ hơn, đồng bộ hơn và nhiều giải pháp quyết liệt hơn.

PV: Xuân mới Giáp Thìn đã và đang hiện hữu. Trong năm mới 2024, ông có những mong ước và kỳ vọng như thế nào?

Ông Nguyễn Thành Công: Năm mới 2024 ngay từ đầu năm đã có tín hiệu rất đáng mừng - đó là bước vào năm mới dương lịch 2024 thì Sơn La đã có mưa. Mưa cộng với thời tiết lạnh vừa phải - đây là tín hiệu mừng ngay từ đầu vụ cho hoa xoài, cũng như tín hiệu mừng cho các cây trồng khác. Thứ 2 là cũng mong muốn được mùa, được giá để làm sao minh chứng là sản phẩm nông nghiệp Sơn La đi trên con đường nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, tăng thu nhập cho người dân và người dân sẽ ngày càng giàu hơn, xã hội sẽ càng tốt hơn.

PV: Xin cảm ơn ông đã dành thời gian trò chuyện với khán thính giả của Đài Tiếng Việt Nam. Kính chúc ông nhiều sức khỏe và chúc cho năm mới 2024 nông nghiệp Sơn La sẽ tiếp tục bứt phá, vươn tới nhiều thành công.

Thu Thùy/VOV- Tây Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/pho-chu-tich-son-la-noi-ve-hien-tuong-nong-nghiep-cua-ca-nuoc-post1076179.vov