PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN ĐỨC HẢI CHỦ TRÌ CUỘC HỌP NHÓM 3 - BAN CHỈ ĐẠO TỔNG KẾT LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN 40 NĂM QUA Ở VIỆT NAM

Chiều 11/12 tại Nhà Quốc hội, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải - Phó Trưởng nhóm 3 - Ban Chỉ đạo tổng kết lý luận và thực tiễn 40 năm qua ở Việt Nam chủ trì cuộc họp nhằm góp ý hoàn thiện và thông qua báo cáo chuyên đề 5 của Ban Chỉ đạo.

Quang cảnh cuộc họp.

Dự cuộc họp có Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Phạm Văn Linh; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Lâm Văn Đoan - thành viên nhóm chuyên đề 5; Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Thị Thúy Ngần cùng các đồng chí Ủy viên Hội đồng lý luận trung ương, thành viên nhóm chuyên đề 5, các chuyên gia, nhà nghiên cứu…

Phát biểu mở đầu cuộc họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải - Chủ nhiệm chuyên đề 5 “Phát triển xã hội bền vững, mô hình tổ chức và phương thức quản lý phát triển xã hội trong điều kiện phát triển mạnh mẽ nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và đẩy mạnh hội nhập quốc tế” cho biết, sau một thời gian triển khai thực hiện theo phân công của Ban Chỉ đạo tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng XHCN trong 40 năm qua ở Việt Nam và phân công của Nhóm 3 (Văn hóa – Xã hội và Con người: Các vấn đề phát triển văn hóa, xã hội và xây dựng con người), Nhóm nghiên cứu đã hoàn thành Chuyên đề 5.

Nhóm nghiên cứu Chuyên đề 5 cũng đã kế thừa, tiếp thu các kết quả tổng kết của Đảng đoàn Quốc hội, Ban Cán sự đảng Chính phủ tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa XI một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 – 2020 để tổng hợp, xây dựng Báo cáo. Bên cạnh đó, Chuyên đề 5 cũng tiếp thu, cập nhật các quan điểm, mục tiêu, giải pháp một số văn bản mới của Đảng liên quan đến chuyên đề, nhất là Nghị quyết số 42-NQ/TW, Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu mở đầu cuộc họp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, qua nghiên cứu, các ý kiến các chuyên gia/nhà khoa học đều thống nhất rằng: Chuyên đề 5 là nội dung mới, khó, thời gian triển khai ngắn, các thành viên và các cơ quan tham gia Chuyên đề cũng chưa có nhiều kinh nghiệm về vấn đề này; quá trình tổng hợp thông tin về Chuyên đề cũng cho thấy, cũng chưa có nhiều thông tin lý luận và thực tiễn khảo cứu chuyên sâu về mô hình và đổi mới phương thức quản lý phát triển xã hội bền vững trong bối cảnh kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Về phát triển xã hội bền vững, Nhóm nghiên cứu cũng thống nhất với nhận định chung về cách tiếp cận về phát triển xã hội trong 40 năm qua cũng được điều chỉnh, từ bảo đảm và ổn định sang ổn định và phát triển; từ quản lý xã hội chuyển sang quản lý phát triển xã hội bền vững, nâng cao phúc lợi xã hội toàn dân, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh con người, an ninh xã hội. Đảng, Nhà nước ta luôn nhất quán mục tiêu phát triển xã hội lấy con người làm trung tâm qua các thời kỳ; đồng thời, tiếp tục hoàn thiện lý luận về quản lý phát triển xã hội trong đó có việc khẳng định, đầu tư cho thực hiện các mục tiêu chính sách xã hội là đầu tư cho phát triển; cần huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực nhằm hiện thực hóa các mục tiêu chính sách xã hội, trong đó nguồn lực nhà nước đóng vai trò chủ đạo, nguồn lực của xã hội là quan trọng; kết hợp nội lực với ngoại lực thông qua việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế. Chính sách xã hội phải hướng tới toàn dân, bảo đảm toàn diện, công bằng, hiện đại, bao trùm, bền vững. Điểm đặc trưng nổi bật nhất trong quản lý phát triển xã hội bền vững ở nước ta đó là thực hiện các mục tiêu phát triển xã hội bền vững thông qua các chính sách xã hội trong điều kiện nền kinh tế thị trường định hướng XHCN chính là hướng đến mục tiêu phát triển con người, vì con người, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta.

Các đại biểu dự cuộc họp.

Về mô hình tổ chức và phương thức quản lý phát triển xã hội trong điều kiện phát triển mạnh mẽ nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và đẩy mạnh hội nhập quốc tế, ý kiến các chuyên gia cho rằng, trên thế giới có nhiều mô hình khác nhau về quản lý phát triển bền vững và đi cùng với nó là mô hình về quản lý phát triển xã hội bền vững. Tuy nhiên, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội và quản lý phát triển xã hội trong điều kiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một quá trình chưa có tiền lệ.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải khẳng định, trên tinh thần vừa làm vừa rút kinh nghiệm, tổng kết thực tiễn và hình thành lý luận về mô hình quản lý phát triển xã hội bền vững đặc trưng cho Việt Nam, đó là: Mô hình tổng quát quản lý phát triển xã hội gồm 3 bộ phận và mối liên hệ giữa các bộ phận này với nhau, đó là: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ. Chính sách xã hội cần được đặt trong tổng thể việc quản lý phát triển xã hội bền vững, giải quyết hài hòa các quan hệ xã hội, kiểm soát phân tầng xã hội và xử lý kịp thời, hiệu quả các rủi ro, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

Thay mặt Ban chủ nhiệm chuyên đề, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải mong muốn nhận được nhiều ý kiến góp ý hoàn thiện chuyên đề, đồng thời cho ý kiến về triển khai các công việc của thời gian tới…

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội sẽ tiếp tục thông tin về nội dung cuộc họp.

Minh Hùng - Trọng Quỳnh

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=83071