Phố chợ...

Chỉ dấu của phố phường trong tâm tưởng người đi xa, bao giờ cũng thấp thoáng dáng hình vừa đứng yên lại như vừa tất bật của những ngôi chợ trong phố. Chợ - ấy là cuộc đời của người ở phố.

Chợ Tam Kỳ. Ảnh: NGUYỄN ĐIỆN NGỌC

Đô thị có ký ức là đô thị có bản sắc. Những ngã ba, ngã tư cất trong lòng nó nhiều câu chuyện dân sinh, mà cũng có thể, đó là câu chuyện một thời phố thị cần lưu tâm. Và trong mạch chuyện ký ức này, dáng hình những ngôi chợ tuổi đời bằng tuổi vùng đất, hẳn sẽ cần được quan tâm đầu tiên...

1. Những ngày này, người ta nhắc nhiều về chợ Tam Kỳ. Không phải vì cái xốn xang của khoảng thời gian tháng Chạp đầy thương nhớ mỗi bận. Mà là nỗi lo lắng vì cơn cớ dịch bệnh - những người buôn bán, chạy chợ mắc Covid-19.

Tôi vòng quanh chợ vào ngày phát hiện mấy chục ca là tiểu thương. Ki-ốt đóng cửa. Chợ ngưng hẳn những xôn xao của hôm qua. Có chăng, là chút vội vàng của những người may mắn âm tính, cố gắng vét nốt chút hàng còn lại để ngày mai lực lượng chống dịch làm việc.

“Đô thị có ký ức là đô thị có bản sắc”

Nhưng độ gần 2 ngày sau, ngay khi tết dạm ngõ bằng mùng 1 tháng Chạp, thì mọi thứ, lại gần như tất bật của thường hằng. Dù vẫn còn đó những gian hàng cửa đóng im. Nhưng sự sống ở nơi vốn dĩ đa hương đa sắc và tạp âm này, phải rộn rã như vậy.

Người ta có thể mau chóng bắt gặp người đàn bà miệt biển ngang chòng chành đôi gánh cá mà ông chồng vừa mới rã được từ mớ mắt lưới sau một đêm chong mắt trên sóng biển Tam Thanh (Tam Kỳ), Tam Tiến (Núi Thành)... Hay cả những người đàn bà nửa khuya gói ghém mớ hàng trung du, nào chuối, nào cau, đi cho kịp chuyến xe sớm về chợ Mai.

“Chợ Mai - gọi lên thôi là bao người Tam Kỳ xa xứ rưng rức. Lai lịch vùng đất đôi khi được nhớ đến từ những chốn đầy tạp âm, tạp vị như chợ đây. Tôi nhớ một ông giáo già nhà gần chợ, vẫn thi thoảng nhắc đến cái tên Xóm Củi, Xóm Mắm... đầy tự hào. Đó là quãng ký ức khi chợ Mai - chợ Tam Kỳ hiện tại vẫn là chốn tập trung sản vật từ mọi vùng của cánh phía nam xứ Quảng về đây” - những dòng viết cũ về một nơi gây nhớ thương với rất nhiều cư dân Tam Kỳ.

2. Trong cuốn “Những màu khác”, nhà văn Orhan Pamuk viết: “Có hai cách nhìn thành phố. Cách thứ nhất là của du khách, của người nước ngoài vừa mới đến nhìn các tòa nhà, tượng đài, đại lộ và đường chân trời từ bên ngoài.

Còn có cách nhìn bên trong, thành phố của những căn phòng ta ngủ, của những hành lang, rạp chiếu phim và phòng học cũ, thành phố làm từ mùi, ánh sáng và màu sắc của những ký ức mà ta thương mến nhất. Với những ai nhìn thành phố từ bên ngoài, thành phố này dường như cũng giống như thành phố khác, nhưng ký ức chung của một thành phố là linh hồn của nó và những phế tích là bằng chứng hùng hồn nhất”.

Tam Kỳ với những người trẻ đầu 8X như chúng tôi, bao giờ cũng bắt đầu bằng hình ảnh của ngôi chợ xôn xao đủ thức vị hàng hóa từ nguồn xuống biển, từ sắc màu của phố thị miền Nam cho đến những mùi hương thuốc bắc dậy lên đoạn phố của người Hoa.

Hình ảnh sống động nhất của một đô thị, với tôi, bao giờ cũng bắt đầu từ những câu chuyện bán buôn, những chuyện kể cà kê của bà của mẹ bên quang gánh, những đặc sản của xứ đất xứ người. Nên có lẽ, với đất Tam Kỳ, “di sản phố thị” không thể có những công trình kiến trúc tuổi đời hàng trăm năm như Hội An, không thể là những làng nghề giữa phố mà dấu vết vẫn hằn in, càng không là những “thị dân” tuổi tên đi liền vùng đất.

Mà có lẽ, phải là chợ Tam Kỳ. Xin để dành những lớp lang lịch sử cho người chuyên nghiên cứu. Với riêng mình, dấu vết của đời sống phố thị ngay xứ ngã 3 trên đường thiên lý Bắc - Nam này, là những câu chuyện kể của bè bạn người Tam Kỳ về một ngôi chợ mà họ tự hào. Những câu chuyện của lớp người đã trải thời gánh cái tên Tam Kỳ đi xa khỏi vùng địa lý bằng những sản vật mình làm.

Ở ngôi chợ này, lạ lùng lắm, chợ phố nhưng thức hàng là đặc trưng của ngọn nguồn quê xứ. “Ở chợ xứ tôi, có bánh Phú Nhuận, Bảo Hương và Thái Bình. Có trà Mai Hạc, có rong mứt tươi, có bao nhiêu thứ mà cứ độ mùa tháng Chạp ập tới là nỗi nhớ bánh trái ở chợ này lại ùa về” - một người bạn xa xứ quê Tam Kỳ của tôi nhắc chuyện.

Với chúng tôi, tuổi đã bắt đầu yêu chuyện hoài niệm, vẫn luôn nghĩ rằng, giữ một cái tên là sản nghiệp, đôi khi còn khó hơn tất thảy giữ lại những gia sản khác. Bởi đó không chỉ là di sản văn hóa tinh thần của người kế tục, mà còn là bản sắc của người ra đi từ vùng đất.

Tôi vẫn thường nghe những người bạn Tam Kỳ tự hào mỗi bận họ đi đến đất người - nơi đôi khi chỉ nhìn một cái tên thôi đã nghe nỗi nhớ nhưng nhức... Mỗi vùng đất chỉ thực sự thú vị qua những lời kể của kẻ đi xa và những người già. Bởi trong giọng kể của họ, phố thị hiện lên bằng ký ức, bằng hình dung, bằng ấu thơ.

Đô thị Tam Kỳ bây giờ đang có rất nhiều màu sắc khác - những thứ lấp lánh bắt mắt mà bất cứ đô thị nào cũng cần phải có. Là đô thị đang hướng đến xây dựng thông minh, đô thị xanh, đô thị văn hóa.

Nhưng “đô thị có ký ức” là điều mà có lẽ không thể chỉ bằng những quyết sách. Làm sao để định hình đô thị có ký ức? Đó là một điều rất khó, đặt ra cho những người làm quản lý, những nhà quy hoạch. Trong hành trình phát triển, khó nhất là làm sao để vươn lên thật cao nhưng vẫn giữ gốc rễ thật sâu, đó mới là sự phát triển bền vững.

XUÂN HIỀN

Nguồn Quảng Nam: https://baoquangnam.vn/xa-hoi/pho-cho-122166.html