'Phình' công suất khai thác khoáng sản, khó quản lý

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, hiện công suất khai thác, chế biến của một số loại khoáng sản theo quy hoạch của địa phương lớn hơn nhiều so với quy hoạch của Trung ương, dẫn đến tình trạng tranh mua, tranh bán, cạnh tranh không lành mạnh.

Trong khi đó, việc điều tra, đánh giá tài nguyên khoáng sản còn thấp nên khó có căn cứ trong xây dựng các quy hoạch thăm dò khoáng sản, gây nhiều thất thoát nguồn tài nguyên khoáng sản. Đó là thông tin đưa ra tại hội thảo của Kiểm toán Nhà nước trong phân tích, đánh giá những bất cập hiện nay trong quản lý tài nguyên diễn ra vào sáng 1/12.

Đến nay, Thủ Tướng Chính phủ đã phê duyệt 17 quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng cho hơn 40 loại khoáng sản của cả nước, nhưng theo đại diện của Tổng cục Địa chất, Khoáng sản dù phê duyệt quy hoạch nhưng việc công bố, hướng dẫn thực hiện quy hoạch gặp nhiều khó khăn do mức độ điều tra,đánh giá tài nguyên khoáng sản còn thấp, không dủ căn cứ để xây dựng các quy hoạch thăm dò khoáng sản. Trong khi đó, công suất khai thác, chế biến của một số loại khoáng sản theo quy hoạch của địa phương lớn hơn nhiều so với Trung ương, dẫn đến tình trạng tranh mua, tranh bán, cạnh tranh không lành mạnh, dẫn đến thất thoát tài nguyên.

Theo Kiểm toán Nhà nước, dù đã thực hiện nhiều chuyên đề kiểm toán về khai thác và quản lý khoáng sản nhưng chủ yếu lồng ghép trong các cuộc kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán tuân thủ nên kết quả chưa đạt được như kỳ vọng.

Ông ĐINH VĂN DŨNG, Phó Kiểm toán trưởng, Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành II: “Kiểm toán Nhà nước cần có hệ thống thông tin, thu thập được tài liệu từ các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp để từ đó phát hiện ra những vấn đề nóng cần để tiến hành cuộc kiểm toán độc lập. Có như vậy Kiểm toán Nhà nước mới có thể góp phần phát hiện những hành vi gian lận tham nhũng trong quản lý tài nguyên, khoáng sản..."

Việt Nam có tiềm năng khoáng sản lớn với trên 5.000 điểm mỏ và 60 loại khoáng sản, trong khi, tình trạng dự án khai thác khoáng sản vận hành nhưng chưa đủ điều kiện bảo vệ môi trường, công tác thanh kiểm tra chưa thường xuyên gây nên thất thoát lớn cho nhà nước. Từ những bất cập trên, Kiểm toán Nhà nước cho rằng cần đưa các chuyên đề kiểm toán môi trường vào Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2030.

Thực hiện : Hải Yến Thế Anh

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/phinh-cong-suat-khai-thac-khoang-san-kho-quan-ly