Phim mới của Ben Affleck mang góc nhìn lạ về người bị tự kỷ

Bộ phim “The Accountant” của ngôi sao Ben Affleck và đạo diễn Gavin O'Connor mang tới cái nhìn mới mẻ và lý tưởng hóa về những người mắc chứng tự kỷ có khả năng cao trong xã hội.

Chứng tự kỷ không phải là đề tài xa lạ trong điện ảnh. Từng có nhiều tác phẩm khai thác hình tượng các nhân vật chính mắc hội chứng này, tiêu biểu như như Rain Man (1988), Snow Cake (2006), Thiên đường hải dương (2010) hay Extremely Loud & Incredibly Close (2011)…

Bệnh lý đặc trưng của những người mắc chứng tự kỷ thường khiến họ có trí tuệ kém phát triển và gặp nhiều khó khăn trong tương tác. Điều đó tạo ra phần bi kịch ở cá nhân mỗi nhân vật mà nhóm tác phẩm điện ảnh nhắm đến và khai thác.

Nhân vật chính của The Accountant là Christian Wolff (Ben Affleck) - người mắc hội chứng Asperger bẩm sinh (một dạng tự kỷ nhẹ, sở hữu khả năng cao). Ngay từ nhỏ, anh gặp phải nhiều vấn đề trong giao tiếp, tính khí thất thường. Song, bù lại, nhân vật nắm giữ khả năng vượt trội về tập trung, tư duy logic, đặc biệt là với các con số.

Bộ phim The Accountant có nhân vật chính là người mắc chứng Asperger - một dạng tự kỷ nhẹ. Christian Wolff vừa là một kế toán xuất chúng, vừa là một người có khả năng chiến đấu phi phàm. Ảnh: Warner Bros.

Khi lớn lên, Christian trở thành nhân viên kế toán công tại một thị trấn nhỏ. Tuy nhiên, đó chỉ là lớp vỏ bọc của một con người đầy bí ẩn. Công việc chính của anh là quyết toán hồ sơ chứng từ cho các khách hàng có nguồn thu tài chính bất hợp pháp.

Nắm trong tay hàng loạt bí mật về dòng tiền đen của các tổ chức tội phạm hay các doanh nghiệp làm ăn phi pháp, Christian Wolff thường xuyên trở thành mục tiêu săn lùng số một của cả kẻ xấu lẫn cơ quan chính phủ.

Lý tưởng hóa mô-típ nhân vật tự kỷ thông thường

The Accountant được thực hiện dựa trên kịch bản thuộc “Black List” - danh sách các kịch bản xuất sắc và có tiềm năng nhất đang chờ được chuyển thể thành phim, của nhà biên kịch Bill Dubuque.

Trên thực tế, hình tượng nhân vật mắc hội chứng Asperger kèm theo khả năng xuất chúng từng được miêu tả trong Extremely Loud & Incredibly Close (2011) và A Brilliant Young Mind (2014). Tuy nhiên, tài năng của các nhân vật ở những bộ phim đó mới chỉ giới hạn trong lĩnh vực khoa học tư duy, chẳng hạn như toán học hay logic học.

Lần này, đạo diễn Gavin O’Connor quyết định vượt ra mô-típ thông thường đó. Ông tìm cách lý tưởng hóa Christian Wolff bằng cách tận dụng triệt để khía cạnh tích cực khác của nhân vật: khả năng tập trung cao độ và tư duy logic vượt trội.

Nhân vật Christian Wolff được xây dựng theo hướng lý tưởng hóa khá thú vị xuyên suốt bộ phim. Ảnh: Warner Bros.

Thêm vào đó, nhờ sự giáo dục khác biệt của người cha vốn là quân nhân trong lĩnh vực tâm lý chiến, anh còn thừa hưởng nhiều kỹ năng chiến đấu tay đôi và súng ống phòng khi cần thiết.

Kết hợp với khả năng thiên phú, Christian Wolff dễ dàng học hỏi và trở thành chuyên gia trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Anh vừa là một kế toán ưu tú, vừa giống như một mật vụ lành nghề. Tất cả giúp nhân vật chính của Ben Affleck trở nên độc đáo, khác biệt.

Xây dựng tâm lý và hành động rõ ràng, độc lập

The Accountant có mạch truyện chính được phân chia thành hai phần rõ ràng. Nửa đầu phim trôi qua với tiết tấu chậm, chủ yếu giới thiệu các nhân vật và đi sâu vào xây dựng hình ảnh Christian Wolff. Lúc này, bộ phim giống như một tác phẩm tâm lý thông thường, kể về cuộc sống của một người mắc hội chứng Asperger trong xã hội hiện đại.

Đạo diễn Gavin O’Connor khá thành công trong việc miêu tả hàng loạt khó khăn của người mắc hội chứng Asperger nói riêng và chứng tự kỷ nói chung thông qua bi kịch của gia đình Christian Wolff.

Bệnh lý của anh và tính cách độc tài của người cha đã khiến bà mẹ bỏ đi khi Christian còn rất nhỏ, tạo ra vết thương lớn trong tâm hồn anh. Sau này, cha anh lại bỏ mạng bởi một tai nạn hi hữu mà anh luôn cho rằng đó là lỗi của mình.

Christian Wolff luôn sống trong cô độc, mang trong mình nỗi ám ảnh khôn nguôi về quá khứ và gia đình. Chỉ cần một vài chi tiết nhỏ miêu tả thói quen sinh hoạt hàng ngày cũng đủ giúp khán giả hiểu được phần nào áp lực tâm lý khủng khiếp mà nhân vật phải chịu đựng. Tất cả vốn luôn được anh ngụy trang bởi bề ngoài lãnh đạm, lạnh lùng.

The Accountant được chia làm hai nửa rõ rệt, với phần nửa đầu khá chậm nhằm xây dựng tính cách nhân vật. Nửa sau được đẩy nhịp độ bằng nhiều pha hành động nhanh gọn, bạo lực. Ảnh: Warner Bros.

Tuy nhiên, bộ phim nhanh chóng thay đổi khi cao trào đầu tiên xuất hiện và phát súng đầu tiên bắn ra. The Accountant bất ngờ trở thành một tác phẩm hành động kịch tích, bạo lực ở nửa sau. Không chỉ là một kế toán siêu phàm, Christian Wolff cho thấy mình còn là một mật vụ siêu đẳng với tư duy hành động nhanh gọn, hiệu quả.

Nếu so với nửa đầu, nửa sau của bộ phim không còn mang nhiều nét khác biệt, độc đáo. Kịch bản phim dần trở nên quen thuộc với những nút thắt mở đơn giản, dễ đoán.

Các âm mưu, thủ đoạn mờ ám xung quanh hoạt động tài chính của một doanh nghiệp công nghệ lớn bị nhóm nhân vật phanh phui. Ban đầu, nó tưởng như khá tinh vi, nhưng rốt cuộc được giải quyết chóng vánh bằng các pha bắt giết đơn thuần.

Tuy nhiên, đạo diễn Gavin O’Connor vẫn duy trì được sự hấp dẫn cần thiết nhờ các pha hành động chỉn chu, ấn tượng, đúng với tính cách “nói ít làm nhiều” của Christian Wolff. Người xem có thể liên tưởng anh với gã sát thủ John Wick của Keanu Reeves trong bộ phim năm 2014, nhờ sự tương đồng trong tính cách, hoàn cảnh, mục tiêu lẫn phong cách hành động.

Hệ thống nhân vật đa tuyến và đáng nhớ

Các tuyến nhân vật trong The Accountant khá đa dạng và được phân chia rõ ràng. Ngoài Christian Wolff, nội dung chính của bộ phim còn có sự góp mặt của Dana Cummings (Anna Kendrick) - nữ thư ký trẻ tuổi tại công ty công nghệ đang điều tra sổ sách.

Sắm vai Dana Cummings, Anna Kendrick gần như là nữ diễn viên duy nhất trong phim. Ảnh: Warner Bros.

Dana đóng vai trò mục tiêu tạo nên xung đột chính của bộ phim. Cô gái là người hiếm hoi có thể tiếp cận và lay động Christian Wolff, khiến anh từ bỏ nguyên tắc của bản thân để liều mạng truy sát mục tiêu đến cùng nhằm bảo vệ cô.

Bản thân nhân vật Dana Cummings không có gì đặc biệt, nhưng nhờ cô mà khán giả mới được thấy những nét tính cách ẩn sâu bên trong tâm hồn cô độc của Christian.

Ngoài ra, The Accountant còn có một tuyến truyện khác, song song với tuyến truyện chính. Đó là cuộc điều tra nhắm vào Christian Wolff của Raymond King (J. K. Simmons) và Marybeth Medina (Cynthia Addai-Robinson) - hai mật vụ thuộc Bộ Ngân khố nước Mỹ.

Nó diễn ra khá độc lập, chủ yếu giúp người xem hiểu rõ hơn về quá khứ và thân phận của nhân vật chính.

So với tuyến chính diện, nhóm nhân vật phản diện đơn giản và có ít đất diễn hơn. Nói chung, các nhân vật trong phim đều được xây dựng tốt, có tính cách đặc trưng và ấn tượng.

Ben Affleck hợp vai chính Christian Wolff đến kỳ lạ. Ảnh: Warner Bros.

Mỗi nhân vật trong phim dù chính hay phụ, xuất hiện nhiều hay ít, đều có vai trò nhất định, chứ không phải ngẫu nhiên. Tất cả đều có mối liên kết đến Christian Wolff, tạo ra một tác phẩm chặt chẽ và thống nhất về bối cảnh.

Thành công của bộ phim có công lớn của Ben Affleck. Vốn là một diễn viên thường không được giới phê bình đánh giá cao về khả năng diễn xuất, nhưng tài tử lại giành được thiện cảm lớn ở The Accountant.

Hình tượng nhân vật Christian Wolff phù hợp với Ben Affleck, từ ngoại hình, khí chất đến từng nét biểu cảm, đến nỗi đây dường như là vai diễn được “đo ni đóng giày” cho anh ngay từ ban đầu.

Sau Warrior (2011), đạo diễnGavin O’Connor tiếp tục đem đến cho khán giả một tác phẩm ấn tượng. The Accountant không chứa đựng quá nhiều pha hành động, nhưng vẫn là một bộ phim hấp dẫn nhờ đề tài mới lạ, cách xây dựng tâm lý tỉ mỉ, chỉn chu. Tác phẩm sở hữu tiết tấu chậm rãi, và đòi hỏi người xem phải thực sự chú tâm, đặc biệt là ở nửa đầu phim.

The Accountant (Mật danh: Kế toán) khởi chiếu trên toàn quốc từ 14/10.

Zing.vn đánh giá: 3,5/5

Khánh Hưng

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/phim-moi-cua-ben-affleck-mang-goc-nhin-la-ve-nguoi-bi-tu-ky-post690119.html