Phim hoạt hình 3D về Điện Biên Phủ

(VOV) - Bộ phim “Quyết định lịch sử” do NSƯT Hà Bắc thực hiện, mừng sinh nhật thứ 100 của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Chiến thắng Điện Biên Phủ đã đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam như một trang vàng chói lọi nhất, mãi mãi khắc sâu trong tâm trí của các thế hệ Việt Nam. Nhắc đến Điện Biên Phủ chúng ta không thể không nhắc đến một vị tướng tài ba, “người anh Cả” của Quân đội Nhân dân Việt Nam, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Điện Biên Phủ là đề tài phong phú, vô tận để các đạo diễn, nhà văn, nhà thơ… khai thác. NSƯT Hà Bắc là một trong số đó. Anh vừa hoàn thành bộ phim 3D về Đại tướng Võ Nguyên Giáp với tiêu đề “Quyết định lịch sử” mừng sinh nhật lần thứ 100 của Đại tướng. ** PV: Xin chào đạo diễn Hà Bắc, anh có thể cho biết, từ ý tưởng nào mà anh làm bộ phim “Quyết định lịch sử”? Đạo diễn Hà Bắc: Xuất phát từ lòng ngưỡng mộ, yêu kính Đại tướng Võ Nguyên Giáp, yêu kính lịch sử dân tộc đã giúp chúng tôi quyết định làm bộ phim Quyết định lịch sử này. Hình tượng Tướng Giáp cùng chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu đã quá quen thuộc đối với người Việt Nam. Tuy nhiên, có một chi tiết không được nhiều người biết đến, đó là đêm 25/1/1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp một mình trong căn hầm chỉ huy. Bàn tay Đại tướng xoay đi xoay lại trên tấm bản đồ lòng chảo Điện Biên. Một ngọn đèn leo lét, bên ngoài cửa lán, ánh trăng chênh chếch báo hiệu trời chuyển dần về sáng... Đó là "đêm trắng" mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp quyết định toàn bộ cục diện chiến trường, suy nghĩ nung nấu và dám chấp nhận trách nhiệm với lịch sử dân tộc khi ra quyết định: kéo pháo ra khỏi trận địa để thay cách tác chiến từ "đánh nhanh, thắng nhanh" sang "đánh chậm nhưng chắc thắng". Việc Tướng Giáp đưa ra quyết định này là vô cùng sáng suốt nhưng cũng rất khó khăn, bởi ý nghĩ làm sao phải bảo tồn được lực lượng, không tổn hao xương máu của các chiến sỹ. Thực tế lúc đó, nếu cứ quyết định “đánh nhanh, thắng nhanh” khi quân ta chưa có đủ thực lực cũng như kinh nghiệm thì chắc chắn sẽ thất bại. Chính vì vậy, quyết định dừng thời điểm tấn công chuyển từ “đánh nhanh, thắng nhanh” thành “đánh chắc, thắng chắc” là cực kỳ táo bạo. Đây là bộ phim được làm hoàn toàn bằng kỹ xảo 3D, là bức tranh hoành tráng về trận địa, khói lửa, là mốc son chói lọi của dân tộc, xây dựng hình tượng vị tướng anh hùng của dân tộc. PV: Điều gì khiến anh phải trăn trở nhất khi thực hiện bộ phim này? Đạo diễn Hà Bắc: Xây dựng hình tượng nhân vật Tướng Giáp ở thời khắc quyết định quan trọng này cực kì khó, đặc biệt là với thể loại phim hoạt hình. Đây là lần đầu tiên tôi làm phim về người thật, sự kiện thật, lãnh tụ được mọi người quý trọng. Chúng tôi nghiên cứu từng chi tiết rất nhỏ và kỹ về Tướng Giáp như: lúc ngồi, lúc đứng và làm thế nào để giữ được cái hồn, thần thái của Tướng Giáp đâu phải dễ, phải tạo hình cẩn trọng, trau chuốt. Thần thái của ông, từ cái chau mày, nhíu mắt, sự đắn đo thể hiện ở bàn tay cầm bút nhấc lên, đặt xuống. Khi viết kịch bản, tôi đã lo không biết họa viên có đáp ứng được hay không. Bộ phim có chi tiết, điểm nhấn là tập trung vào hình tượng Tướng Giáp trong đêm suy nghĩ khi đưa ra quyết định thời điểm tấn công. Những chi tiết khác đều có thể dựa vào hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và hồi ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyển tập (giai đoạn 1953 -1954). Những lời nói của Bác Hồ, những suy nghĩ của Tướng Giáp đều có ở trong các tập sách này. ** PV: Thời lượng 20 phút có đủ để bộ phim có thể lột tả hết được các hình ảnh của Đại tướng trong những thời khắc trận chiến này không? Đạo diễn Hà Bắc: Bộ phim đã lột tả được hầu hết những thời khắc của cuộc chiến. Từ những hình ảnh, tư liệu chủ yếu được sưu tầm trong Bảo tàng Quân đội, Bảo tàng Điện Biên, chụp ảnh ở những nơi đã từng xảy ra chiến sự... chúng tôi tiến hành dựng phim. Trong phim, các trận đánh cũng như chiến thắng Điện Biên Phủ không được thể hiện chi tiết, cụ thể, chúng tôi làm lướt qua nhưng cố gắng nói lên được chiến thắng toàn bộ. Dựa trên mô hình sa bàn, chúng tôi nói qua các đợt chiến đấu để người xem chiêm nghiệm được tổng thể cuộc tấn công. Ở đây, chúng tôi dùng thủ pháp ước lệ, tức là bản đồ lồng trong bản đồ chứ không thể thật được như phim truyện, hay là kể lể chi tiết như phim thời sự, phim tài liệu. Phim khắc họa đầy đủ hình ảnh các anh hùng: Phan Đình Giót, Bế Văn Đàn… và phía địch cũng có tên Đại tá Piroth - Chỉ huy trưởng pháo binh cứ điểm Điện Biên Phủ phải tự tử, biểu hiện cho sự thất bại của quân Pháp. Phim hoạt hình không cho phép làm được quá nhiều nhân vật vì rất khó thực hiện. Vì thế, chúng tôi luôn phải dùng thủ pháp để toát lên hình tượng như: đoàn dân công, bộ đội kéo pháo, kéo pháo về đêm, kéo pháo trong mưa - những cảnh hết sức gian khổ, vất vả của cuộc kháng chiến… Đoàn làm phim hy vọng sẽ tái hiện được hình ảnh của cuộc chiến tranh hết sức khốc liệt và những chiến công thầm lặng của Tướng Giáp cộng với chiến thắng vang dội của Điện Biên Phủ. ** PV: Trong khi thực hiện bộ phim, điều trở ngại nhất đối với anh là gì? Đạo diễn Hà Bắc: Như trên tôi đã nói, xây dựng nhân vật hoạt hình vô cùng khó khăn. Từ đôi dép cao su, cái áo trấn thủ, những chi tiết băng đạn, khẩu pháo… đều được làm như thật. Khó nhất là xây dựng bối cảnh phim, cánh đồng Mường Thanh bây giờ khác xưa rất nhiều, tất cả đều phải dựa trên hình ảnh tư liệu. Nhân vật Tướng Giáp, Hồ Chủ Tịch, chúng tôi phải làm đến 3 lần nên cách diễn xuất rất khả dĩ; những cảnh tấn công, cảnh kéo pháo phải rút kinh nghiệm thêm. Không phải chỉ có bộ phim này mà bất cứ bộ phim nào ra đời chúng tôi đều có sự băn khoăn và thật sự chưa bao giờ thấy thỏa mãn được hết. Quá trình làm hoạt hình vô cùng vất vả, phải làm từng hình xong ghép lại một cảnh, nhiều cảnh xong lại làm nhiều trường đoạn, vài trường đoạn mới ghép lại thành phim, tất cả đều phải làm thủ công, máy tính cũng chỉ là công cụ hỗ trợ. ** PV: Ngoài bộ phim này, liệu anh có tiếp tục làm bộ phim khác về lịch sử hay không? Đạo diễn Hà Bắc: Với kinh nghiệm và năng lực của bản thân thì tôi có thể làm nhiều bộ phim lịch sử khác. Nhưng nếu làm một bộ phim như bộ phim về Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì cần phải có sự bảo trợ của một doanh nghiệp, hay một tổ chức nào đó. Tuy nhiên hiện nay, cơ chế của ngành điện ảnh quá rườm rà, phức tạp. Thực ra ai cũng muốn làm một bộ phim về đề tài chiến tranh cách mạng nhưng để có 1 kịch bản và đầu tư thích đáng, tạo điều kiện cho các nghệ sĩ làm việc thì tôi e rằng hơi khó. Chúng tôi vẫn có thể làm hơn thế nhưng yếu tố con người là cả một vấn đề, phải tài năng, nhiệt huyết, trí tuệ và trên hết là cái tâm. ** PV: Xin cảm ơn về cuộc trò chuyện này!.

Nguồn VOV: http://vov.vn/home/phim-hoat-hinh-3d-ve-dien-bien-phu/20118/184481.vov