Phim Đào, Phở và Piano có hàng mà không có 'chợ'; Các 'chợ' lại phủ kín phim Mai

Dù tạo nên được sức hút chưa từng có với dòng phim được Nhà nước đặt hàng, nhưng phim Đào, Phở và Piano cũng gặp phải thực tế: 'Có hàng mà không có chợ'. Trong khi đó, phim Mai lại phủ sóng hầu hết các 'chợ'.

Đào, Phở và Piano, phim điện ảnh nằm trong đề án thí điểm phổ biến phim Nhà nước đặt hàng của Bộ VH-TT&DL đang tạo nên cơn “sốt” gần đây. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, phim vướng phải điểm “nghẽn” phổ biến dành cho dòng phim này, đó chính là tỉ lệ phần trăm doanh thu.

“Thua trên sân nhà”

Được sản xuất bằng ngân sách Nhà nước năm 2023 với kinh phí 20 tỷ đồng, nhưng nhà nước chỉ rót tiền sản xuất mà không có kinh phí quảng bá và phát hành nên phim Đào, Phở và Piano lặng lẽ ra rạp.

Theo Quyền Giám đốc Trung tâm Chiếu phim quốc gia Vũ Đức Tùng, sở dĩ phim Đào, Phở và Piano “bỗng nhiên” tạo nên sức hút xuất phát từ việc một Tiktoker đi xem phim và review về bộ phim, nhờ đó tạo được sức lan tỏa lớn đối với công chúng yêu điện ảnh.

“Chúng tôi thực sự bất ngờ và chắc chắn đây sẽ là một kinh nghiệm quý báu trong công tác truyền thông, thúc đẩy phát triển công nghiệp điện ảnh"- ông Vũ Đức Tùng thông tin.

Trao đổi với báo chí, Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành cũng thừa nhận, việc phổ biến phim Đào, Phở và Piano rộng rãi còn gặp một số bất cập. Phim Đào, phở và piano được nhà nước cấp hoàn toàn kinh phí sản xuất, nhưng chưa có kinh phí phát hành. Vì thế, khi chiếu phim Đào, Phở và Piano trên toàn quốc cần thêm quy định về tỉ lệ phần trăm cho nhà phát hành.

Đạo diễn Phi Tiến Sơn trên trường quay phim Đào, Phở và Piano

“Phim Đào, phở và piano là một bộ phim chất lượng, xứng đáng được khán giả quan tâm, ủng hộ. Tuy nhiên, đáng tiếc phim Đào, Phở và Piano của đạo diễn Phi Tiến Sơn chưa có điều kiện được quảng bá rầm rộ. "Cú ngoặt" của phim Đào, Phở và Piano là nhờ sự lan truyền trên mạng xã hội khiến các nhà quản lý, đơn vị phát hành và phổ biến phim bất ngờ"- ông Vi Kiến Thành cho hay.

Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát, người viết kịch bản phim Hồng Hà nữ sĩ (dự án phim điện ảnh thứ hai được Nhà nước tài trợ đặt hàng trong năm 2022) cũng đề cập đến thực tế này.

“Từ trước tới nay phim do Nhà nước đặt hàng làm xong chỉ 'đắp chiếu', năm nay được chiếu là tốt rồi, Tuy nhiên bộ chỉ có Trung tâm chiếu phim Quốc gia đảm nhận và cũng không được chia chác gì. Tiền thu được bao nhiêu sẽ nộp lại ngân sách, vì vậy thiệt thòi cho phim nhà nước vì không có tiền để PR (quảng bá)”- bà Ngát nói.

Cũng vì tiền thu được từ bán vé phải nộp trở lại ngân sách cho nên các rạp phim tư nhân cũng không mặn mà gì với phim được nhà nước đặt hàng. Bà Ngát gọi thực tế này là “thua trên sân nhà”.

“Có hàng mà không có chợ”

Nhìn nhận chung về các phim được Nhà nước đặt hàng sản xuất, biên kịch Trịnh Thanh Nhã thẳng thắn: “Lâu lắm rồi chúng ta chưa có một phim đúng nghĩa là phim hay. Phim không hay thì không nảy sinh cơ chế nào cả”.

Cơ chế mà bà Nhã đề cập chính là việc hợp tác đôi bên cùng có lợi giữa nhà sản xuất và đơn vị phát hành phim.

Trong khi phim Nhà nước đặt hàng vướng phải thực tế 'Có hàng mà không có chợ' thì phim Mai lại phủ sóng hết các suất chiếu của các 'chợ' - tức rạp phim. Ảnh: VĂN HÀ.

“Hợp tác đôi bên cùng có lợi chưa thành quy chế, chưa thành quy định mang tính thắt buộc đối với cả hai phía. Ở các lĩnh vực kinh tế khác đều có cơ chế nhà nước và nhân dân cùng làm, nhưng ở điện ảnh thì đến bây giờ chưa”- bà Nhã nói.

Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã cũng cho rằng vẫn còn có quan điểm làm phim sau đó cất kho, không cần phải công chiếu hoặc đem chiếu miễn phí khắp nơi. Đây chính là quan điểm tự “giết” chết dòng phim này.

Đặt lại vấn đề đối với phim Đào, phở và piano, nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã bày tỏ, phải đến khi phim tăng lên đến 18 suất mới tại Trung tâm chiếu phim Quốc gia thì cơ quan quản lý nhà nước mới đề nghị chiếu phim trên toàn quốc.

Nhưng để được chiếu trên toàn quốc vẫn phải trông chờ vào sự hỗ trợ của các rạp chiếu phim tư nhân.

“Đây là câu chuyện có hàng mà không có chợ, dù là chợ miễn phí, chợ từ thiện cũng không có. Làm thế nào để người dân xem phim được. Trước đây có việc phim nhà nước đưa đến chiếu ở các đơn vị quân đội, các cơ quan trường học hoặc theo đội chiếu phim lưu động đến vùng sâu vùng xa. Đó cũng là một cách để mọi người dân đều được hưởng sản phẩm văn hóa từ ngân sách nhà nước, từ tiền thuế của dân” - bà Nhã nói.

VIẾT THỊNH

Nguồn PLO: https://plo.vn/phim-dao-pho-va-piano-co-hang-ma-khong-co-cho-cac-cho-lai-phu-kin-phim-mai-post777406.html