Phiêu diêu cùng Gác Trịnh

Ở đó không có muộn phiền, chỉ có những giai điệu gợi cảm, lãng đãng như cách cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nhìn đời. Gác Trịnh nằm trong khu tập thể số 19 đường Nguyễn Trường Tộ (TP. Huế) là nơi hò hẹn của những bản tình ca.

Không gian văn hóa “rất Trịnh”

Gác Trịnh là căn nhà mà cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng sống và sáng tác cùng những người bạn văn nghệ trong giai đoạn 1962 - 1980. Nép bên những gốc cây cổ thụ, căn gác càng hút mắt người đi đường bởi vẻ u hoài, nhuộm màu thời gian. Ghé thăm địa điểm này trong một ngày nắng nhè nhẹ, một cảm xúc khác lạ chào đón chúng tôi. Bước lên bậc cầu thang, bỗng vang tiếng guitar trầm trầm, thoáng chốc trong veo. Mỗi ngày, thói quen của nhà thơ Lê Huỳnh Lâm là ghé căn gác từ buổi sớm mai và gảy đàn. Tiếng đàn đi về xa xăm như chính đôi mắt mơ mộng văn chương của ông.

Vẫn bức tường treo mấy chục bức tranh cũ, đôi bộ bàn ghế nhẵn bóng, các bức thư nằm yên trên kệ tủ… Đó chính là động lực, nguồn năng lượng tích cực tác động đến những ai ghé thăm căn gác. Từng chi tiết trong cái không gian xưa cũ này đều chứa kỷ niệm, dấu ấn nghệ thuật hay chỉ đơn giản là niềm tự hào.

Những tên tuổi vang bóng như Ngô Kha, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Đinh Cường, Lữ Quỳnh, Bửu Ý, Khánh Ly… đã để lại bút tích, hình ảnh gần gũi bên tiếng đàn của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Họ yêu cái giếng trời ở giữa căn nhà đến nỗi, khi tiếp quản lại địa điểm này, ông Lê Huỳnh Lâm cũng bị cuốn hút theo. Đầu tháng 4 vừa qua, ngay tại không gian này đã diễn ra lễ tưởng niệm 23 năm ngày nhạc sĩ Trịnh Công Sơn qua đời. Tình cảm các văn nghệ sĩ dành cho nhau lại vang lên bằng những bài ca để đời mang đậm tinh thần Trịnh Công Sơn.

Nhà thơ Lê Huỳnh Lâm (bên trái) đàn khúc nhạc Trịnh.

Bước ra sau cuối ngôi nhà, một căn gác nhỏ nhưng chứa đựng hồn cốt văn hóa rất lớn. Đó là nơi làm việc, suy ngẫm về cuộc đời của người nhạc sĩ. Từ chiếc bàn gỗ, thông qua ô cửa sổ nhìn ra bờ sông An Cựu, dòng cảm xúc của Trịnh Công Sơn thêm phần thoáng đãng, bao la. Trên bàn, chiếc mắt kính tròn, một máy hát, cây đèn bàn cùng vài đóa hoa màu tím… được ông Lâm bày biện cẩn thận.

“Mong muốn của tôi khi thuê lại căn nhà này là giữ đúng tinh thần của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Âm nhạc của ông đơn giản, mộc mạc, gần gũi và kết nối mọi người nên hầu như mọi thế hệ đều có thể nghe và thấu hiểu được. Tuổi đôi mươi nghe được cảm xúc tình yêu, ba mươi tuổi là cảm nhận về cuộc đời, qua tuổi trung niên là sự thấu cảm về thân phận, thời gian và cái chết... Vì vậy mà cái tên Gác Trịnh được ra đời từ tinh thần đó. Nó không quá cầu kỳ, to lớn. Dẫu là không gian nhỏ nhưng mang theo giá trị xuyên thời gian”, nhà thơ Lê Huỳnh Lâm bày tỏ.

Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi/ Để một mai vươn hình hài lớn dậy/ Ôi cát bụi tuyệt vời/ Mặt trời soi một kiếp rong chơi/ Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi/ Để một mai tôi về làm cát bụi/ Ôi cát bụi mệt nhoài/ Tiếng động nào gõ nhịp không nguôi…” - âm nhạc vang lên hòa cùng vị chát nhè nhẹ của tách trà, đưa tâm hồn đi về một miền xa xôi, vô định.

Không gian Gác Trịnh gọn gàng, vừa phải, dường như đối lập với tư duy âm nhạc rộng lớn của người nhạc sĩ. Điều đó mở ra lối đi riêng có của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Nói riêng có là bởi, mỗi thời điểm nghe nhạc Trịnh, ta sẽ tìm thấy một cảm xúc mới hơn trong chính sự tò mò của mình. “Ai đã từng sống ở Huế ắt sẽ biết đến nắng và mưa ở xứ này. Nắng mưa Huế đã đi vào trong nhạc Trịnh qua những ca từ rất lãng đãng, mơ hồ. Mỗi bản tình ca của ông như ghi lại một kỷ niệm đẹp dâng lên từ trái tim trần gian nhưng thánh thiện. Tình yêu đôi lứa với Trịnh là những biểu cảm nồng ấm đang tuôn chảy trong huyết quản và được biểu hiện rất chân thật”, nhà thơ Lê Huỳnh Lâm chia sẻ.

Tiếng guitar trên ban công

Con đường Nguyễn Trường Tộ phía trước Gác Trịnh đã hàm chứa nhiều giá trị nghệ thuật của người nhạc sĩ. Có những buổi chiều, Trịnh Công Sơn thường ngồi trên lan can tầng hai của căn nhà, thả hồn cùng dòng người qua lại. Chỉ cần một cây guitar cùng chiếc bàn làm từ thân cây xù xì, thô ráp là đủ để ông say sưa sáng tác. Chính những khoảnh khắc đó mà nhiều tác phẩm vượt thời gian được ra đời.

Gác Trịnh được giữ gìn nguyên vẹn.

Những người yêu nhạc Trịnh sẽ có chung suy nghĩ rằng, các ca khúc được ông viết ở Huế nhưng rất ít khi có sự xuất hiện các địa danh xứ này. Dành nhiều thời gian lắng nghe, chiêm nghiệm nhạc Trịnh, nhà thơ Lê Huỳnh Lâm đã có những phát hiện thú vị. Việc đưa tên riêng mỗi vùng đất vào tác phẩm đã được rất nhiều tác giả thực hiện. Tuy nhiên, để làm cho điều đó trở thành nghệ thuật là cả một vấn đề, phụ thuộc vào tài năng của người nghệ sĩ.

Trong bài “Mưa hồng” có câu “Đường phượng bay mù không lối vào” gợi đến nhiều con đường ở cố đô Huế. Theo đó, người dân Huế đã gọi tên “Phượng bay” cho các con đường lãng mạn, là nơi hò hẹn của các đôi uyên ương. Khi nói đến đường “Phượng bay” ở Huế, có người nói là đường Lê Duẩn (ngày trước là đường Trịnh Minh Thế). Ngày xưa, con đường phía trước cột cờ hẹp và có nhiều cây phượng, tán cây vươn rộng như đan vào nhau. Cũng có người nói đó là con đường Nguyễn Trường Tộ, con đường này phần nhiều là cây long não.

“Thực tế, đường “Phượng bay” mà người dân Huế đặt tên chính là đường Đoàn Thị Điểm. Nếu xét về yếu tố không gian thì sẽ hợp lý vì “mù không lối vào” có thể gợi sự liên tưởng đến hình ảnh sương mù dày đặc, khiến mọi người không thể thấy đường để đi vào Thành Nội, cho dù con đường này cây phượng không nhiều”, nhà thơ Lê Huỳnh Lâm cho biết.

Hay với hình ảnh “Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ” trong bài "Diễm xưa" cũng gợi đến tháp Phước Duyên ở chùa Thiên Mụ. Khi bàn luận sâu về ca khúc, có nhiều bình luận cho rằng tháp cổ chính là tháp nhà thờ Phủ Cam. Một quan điểm khác, đó cũng có thể là cổ của một nàng thiếu nữ có ba ngấn... Ông Lâm nói: “Mỗi cách phân tích đều có lý nhất định nhưng tâm thức của hầu hết người dân xứ Huế khi nghe đến tháp cổ là nghĩ ngay đến tháp Phước Duyên ở chùa Thiên Mụ”.

Huế là vùng đất mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã sống và trưởng thành. Đây là nơi ông đã gửi gắm rất nhiều tình cảm và để lại những kỷ niệm vui buồn. Có thể nói, xứ Huế là một trong những yếu tố hình thành nên chất nhạc của Trịnh. Chị Đỗ Quỳnh Như, ngụ Thừa Thiên Huế cảm nhận: “Gác Trịnh là một nơi thích hợp để ghé thăm và tưởng nhớ cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ở Huế. Được tham quan căn gác của nhạc sĩ với nhiều kỷ vật, nhâm nhi ly cà phê và tách trà sen, đọc đôi dòng thư tình ông viết cho Dao Ánh rất thú vị. Căn gác có nhiều góc chụp hình rất thơ, đặc biệt trong những buổi chiều Huế âm u mưa bay. Đây thực sự là bảo tàng nghệ thuật trong quán cà phê”.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/phieu-dieu-cung-gac-trinh-i730076/