Phiên tham vấn chính trị Việt Nam-Pháp lần đầu tiên

Ngày 11/12 tại Hà Nội, ông Đỗ Minh Hùng, Vụ trưởng Vụ châu Âu, Bộ Ngoại giao và ông Benoit Guideé, Vụ trưởng Vụ Á-Úc, Bộ châu Âu và Ngoại giao Pháp đã đồng chủ trì phiên họp đầu tiên Tham vấn chính trị Việt Nam-Pháp.

Ông Đỗ Minh Hùng và ông Benoit Guideé đồng chủ trì phiên họp đầu tiên Tham vấn chính trị Việt Nam-Pháp. (Ảnh: Phương Thảo)

Tại buổi họp, hai bên nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của tham vấn chính trị lần này trong bối cảnh Việt Nam và Pháp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm Đối tác chiến lược; bày tỏ hài lòng với các kết quả đạt được trong thời gian qua trên tất cả các lĩnh vực; thông báo cho nhau về tình hình kinh tế-xã hội và chính sách đối ngoại của mỗi nước; rà soát tình hình hợp tác song phương trên tất cả các lĩnh vực và thống nhất các biện pháp triển khai kết quả điện đàm cấp cao giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Emmanuel Macron ngày 20/10 vừa qua, nhằm đưa quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Pháp đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả.

Phía Việt Nam hoan nghênh những bước phát triển tích cực của mối quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Pháp với hoạt động trao đổi đoàn cấp cao diễn ra sôi động, kim ngạch thương mại tăng trưởng tích cực, giao lưu nhân dân được tăng cường thông qua hợp tác văn hóa, giáo dục, khoa học-kỹ thuật, hợp tác giữa các địa phương…; đánh giá cao sự hợp tác chặt chẽ, hiệu quả của Bộ Ngoại giao hai nước và nhất trí phối hợp thúc đẩy trao đổi đoàn trong năm 2024, trước mắt là đoàn Bộ trưởng Ngoại giao Catherine Colonna thăm Việt Nam.

Trên cơ sở quan hệ chính trị tốt đẹp, phía Việt Nam đề nghị hai bên khai thác tối đa tiềm năng cho hợp tác kinh tế thông qua việc triển khai đầy đủ, hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), Nghị viện Pháp sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA), Pháp ủng hộ Ủy ban châu Âu sớm gỡ bỏ thẻ vàng IUU đối với xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.

Đồng thời, hai bên mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực tiềm năng như phát triển bền vững về hạ tầng cơ sở, năng lượng tái tạo, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn nhằm sử dụng hiệu quả và bảo tồn các nguồn tài nguyên bền vững.

Tham vấn chính trị Việt Nam-Pháp là cơ chế hợp tác song phương định kỳ, thường niên. (Ảnh: Phương Thảo)

Về phần mình, phía Pháp đánh giá cao những thành tựu về phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam và vai trò của Việt Nam tại khu vực Đông Nam Á cũng như trong khuôn khổ ASEAN; khẳng định Việt Nam là đối tác ưu tiên trong Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Pháp; hoan nghênh Việt Nam đã hoàn tất Kế hoạch huy động nguồn lực (RMP) triển khai Tuyên bố chính trị thiết lập Quan hệ đối tác về chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) và cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam triển khai RMP. Vụ trưởng Benoit Guideé thông báo Quốc hội Pháp đã có lộ trình phê chuẩn EVIPA, khẳng định tiếp tục thúc đẩy việc phê chuẩn EVIPA và triển khai hiệu quả EVFTA.

Hai bên cũng thảo luận về các vấn đề quốc tế, khu vực cùng quan tâm; nhất trí tiếp tục hợp tác chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương, đặc biệt là Liên hợp quốc và trong khuôn khổ ASEAN-EU.

Về vấn đề Biển Đông, hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không, thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương, giải quyết tranh chấp tại Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển UNCLOS 1982, ủng hộ tiến trình đàm phán COC thực chất, hiệu quả giữa ASEAN và Trung Quốc.

Tham vấn chính trị Việt Nam-Pháp là cơ chế hợp tác song phương định kỳ, thường niên, được thiết lập nhân chuyến thăm chính thức Pháp của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn vào tháng 6/2023, nhằm để hai bên đẩy mạnh phối hợp chính sách, thảo luận về các biện pháp tăng cường quan hệ song phương, cũng như góp phần giải quyết các vấn đề quốc tế, khu vực cùng quan tâm.

Bảo Chi

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/phien-tham-van-chinh-tri-viet-nam-phap-lan-dau-tien-253488.html