Phiên bản cừu Dolly khích lệ y học tái tạo

Các con cháu của cừu Dolly, động vật nhân bản vô tính đầu tiên, đang hưởng một tuổi già khỏe mạnh, minh chứng rằng động vật nhân bản vô tính có thể sống cuộc sống bình thường, bảo đảm cho các nhà khoa học sử dụng tế bào nhân bản vô tính trong y học.

Debbie, Denise, Diana và Daisy, 4 con cừu nhân bản vô tính là bản sao gien của cừu Dolly, vừa mừng sinh nhật lần thứ 9, cùng với 9 con cừu nhân bản vô tính khác, đang sống khỏe mạnh trong một đàn độc nhất ở Nottingham, Anh. Trong báo cáo mới công bố ngày 26-7 trên tạp chí Nature Communications, nhóm nghiên cứu của Kevin Sinclair ở Đại học Nottingham, cho biết: "Nhìn chung, các kết quả cho thấy những con cừu nhân bản vô tính có sức khỏe tốt". Cừu Dolly sinh ra ở Scotland vào năm 1996 và chết sớm do chứng viêm khớp và nhiễm trùng phổi vào năm 2003 khi mới 6 năm tuổi, làm tăng mối lo ngại động vật nhân bản vô tính có thể lão hóa nhanh hơn bình thường. Tuy nhiên, bây giờ các nhà nghiên cứu đã yên tâm với báo cáo của Đại học Nottingham rằng 13 con cừu nhân bản vô tính, bao gồm 4 bản sao gien của cừu Dolly, vẫn có sức khỏe tốt khi đã ở 7-9 năm tuổi, tương đương 60-70 tuổi ở con người.

Đây là lần đầu tiên các chuyên gia tiến hành đánh giá sức khỏe chi tiết liên quan tuổi tác động vật nhân bản vô tính, xem xét các yếu tố như huyết áp, nguy cơ bệnh tiểu đường và tổn thương khớp. Không có con nào què quặt, chỉ một số có những dấu hiệu viêm khớp nhẹ và một con bị bệnh vừa phải, mà các nhà khoa học cho biết do tuổi tác. Không như Dolly, bị nhốt trong nhà vì lý do an ninh, các động vật sinh sản vô tính ngày nay sống chủ yếu ở môi trường bên ngoài, có thể đây là một yếu tố giúp chúng có sức khỏe tốt.

Kevin Sinclair với những phiên bản Dolly nhân bản vô tính.

Dolly là động vật có vú đầu tiên được nhân bản từ một tế bào sinh dưỡng trưởng thành. Quá trình nhân bản hoàn toàn không có sự liên quan của tinh trùng. Việc tạo ra cừu Dolly đã gây lo ngại về sự nguy hiểm của sinh sản vô tính người, hoặc sản xuất các bản sao di truyền của những người đang sống hoặc đã chết, nhưng các nhà khoa học chính thống đã bác bỏ điều này. Thay vào đó, họ hy vọng phát triển "liệu pháp nhân bản", trong đó nhân bản các tế bào có thể được sử dụng để tái tạo mô bị lỗi. Con cháu khỏe mạnh của cừu Dolly đã khích lệ y học tái tạo. GS. Sinclair cho biết: "Điều này cho thấy các tế bào có thể trải qua quá trình tái lập trình hoàn chỉnh và tạo sự yên tâm khi biết rằng các tế bào có thể hoàn toàn bình thường. Thách thức phía trước là tăng tỷ lệ tế bào trải qua quá trình tái lập trình hoàn chỉnh này hoặc chọn lựa tốt hơn cho điều đó".

Nhân bản vô tính đã được sử dụng trong một số thực phẩm của Hoa Kỳ, dù chưa được chấp thuận ở châu Âu. Tuy nhiên, hy vọng lớn của các nhà khoa học là sản xuất các tế bào gốc của con người có thể dùng thay thế mô bị lỗi trong các chứng bệnh nghiêm trọng như Parkinson hoặc chấn thương tủy sống. Trước đây, nghiên cứu y học tế bào gốc đã gặp nhiều khó khăn do những thách thức kỹ thuật cùng các vấn đề đạo đức. Nhưng 3 năm trước, lĩnh vực này đã tăng tốc khi các nhà sinh học cuối cùng đã tạo ra tế bào gốc của người bằng cách sử dụng quá trình như đã tạo ra cừu Dolly. Cho đến trước lúc đó, nguồn tế bào gốc của người tự nhiên nhất là phôi người còn lại từ thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), mà việc sử dụng trong nghiên cứu đã gây tranh cãi.

HẢI ANH

Nguồn SGĐT: http://www.saigondautu.com.vn/pages/20160728/phien-ban-cuu-dolly-khich-le-y-hoc-tai-tao.aspx