Phiếm đàm về nữ quyền

Ở đâu trên thế giới phụ nữ được tôn trọng nhất? Bạn hẳn nghĩ ngay đến các quốc gia châu Âu? Có quá nhiều minh chứng cho suy nghĩ này. Nhưng nói vậy cũng chưa hẳn vậy.

Ở trung tâm nước Bỉ - trái tim của châu Âu, ngay sát Cung Vua, Nhà Quốc hội và Văn phòng Thủ tướng Bỉ, có một câu lạc bộ nổi tiếng: Cercle Royal Gaulois. Câu lạc bộ này được thành lập từ năm 1848, từ đó đến nay được dành riêng cho giới thượng lưu và đặc biệt là chỉ nam giới. Nữ giới, kể cả lãnh đạo, Đại sứ các nước… cũng không được vào.

Tại Việt Nam, theo báo cáo mới nhất có liên quan của Deloitte Global (tháng 6/2017), có tên gọi “Phụ nữ trong quản trị: Một cái nhìn toàn cầu”, thống kê dựa trên 7.000 công ty thuộc 64 quốc gia, Việt Nam đứng đầu danh sách tại châu Á về tỷ lệ người điều hành doanh nghiệp là phụ nữ; với 17,6% thành viên quản trị là phụ nữ, cao hơn đáng kể so với mức trung bình của toàn thế giới (15%). Trước đó, tháng 4/2017, một báo cáo của Mastercard cũng xếp hạng Việt Nam trong top 10 nước trên thế giới cho phụ nữ khởi nghiệp, với gần 1/3 doanh nghiệp Việt Nam do phụ nữ làm chủ, đứng thứ bảy trên thế giới và đứng đầu trong khu vực Đông Nam Á. Các tác giả báo cáo của Mastercard bình luận, họ cũng khá "bất ngờ" khi một đất nước có mức thu nhập trung bình thấp lại có mặt trong danh sách này.

Nhìn vào lịch sử, có học giả nói vui rằng, Việt Nam có truyền thống tôn sùng thần linh nữ tính. Trong tín ngưỡng của người Việt ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam và của một số dân tộc thiểu số khác, việc tôn thờ nữ thần, thờ mẫu thần, thờ mẫu tam phủ tứ phủ là khá phổ biến và có nguồn gốc lịch sử, xã hội sâu xa. Cuối năm ngoái, ngày 1/12/2016, tại Phiên họp Ủy ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 11 của UNESCO diễn ra tại thành phố Addis Ababa, Cộng hòa dân chủ Liên bang Ethiopia, di sản “Cử hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” đã được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Tất nhiên, nói vậy không có nghĩa là Việt Nam đã đạt được bình đẳng giới. Đối với nhóm phụ nữ trí thức, có thu nhập cao ở thành phố, có thể vị thế của phụ nữ được cải thiện nhiều hơn, quan hệ giữa hai giới bình đẳng hơn. Nhưng khi nhìn vào từng gia đình; hoặc các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, có thể thấy phụ nữ vẫn phải chịu đựng rất nhiều bất công, thậm chí bị bạo hành về thể xác và tinh thần.

Còn rất nhiều việc phải làm.

Cẩm Hà

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/phiem-dam-ve-nu-quyen.aspx