Phía sau những pha võ thuật để đời trong điện ảnh

Lối dàn dựng võ thuật của Viên Hòa Bình hay cách chiêu mộ diễn viên đóng thế của Thành Long đã giúp dòng phim võ thuật bước lên tầm cao mới.

Chỉ đạo võ thuật là cách gọi những nghệ sĩ tự thiết kế, biên đạo động tác võ trước khi trình diễn. Theo South China Morning Post, chỉ đạo võ thuật được tiêu chuẩn hóa vào những năm 1960 - với gương mặt tiêu biểu là đạo diễn hành động Lưu Gia Lương.

Tuy nhiên, đến cuối những năm 1970, đầu 1980 đã chứng kiến sự thành lập của những đội đóng thế các pha hành động, nhóm chỉ đạo diễn xuất hành động với mục đích chuyên nghiệp hóa cho dòng phim này, từ đó giúp giảm thiểu chấn thương và tai nạn phim trường.

Trong đó, hai đội nổi tiếng nhất là Thành Gia Ban và Gia tộc Viên. Mars, một thành viên lâu năm trong đoàn của Thành Long, nói với Hong Kong Film Archive: "Chúng tôi thực sự đang cạnh tranh với nhau".

Sự khắc nghiệt của Viên Hòa Bình

Viên Hòa Bình là đạo diễn, diễn viên, nhà chỉ đạo võ thuật xuất sắc của điện ảnh Hong Kong. Ông nổi tiếng với kỹ thuật dựng dây, cách biên dựng dựa trên võ thuật phương Bắc. Đặc trưng trong phim của Viên Hòa Bình chú trọng vào lối hành động thông minh, không cổ xúy cho các pha máu me.

Theo South China Morning Post, Viên Hòa Bình đã thành danh với tư cách là đạo diễn hành động khi cơn sốt phim hài kung fu Túy quyền trở nên thịnh hành vào năm 1978.

Chỉ một năm sau, ông tiếp tục tạo dấu ấn với tác phẩm Magnificent Butcher và chứng tỏ được kỹ năng dựng các pha võ thuật đẹp mắt và điêu luyện ở trình độ bậc thầy, đặc biệt là khâu biên đạo võ cho Lý Liên Kiệt trong Once Upon a Time In China II.

Tại thị trường Hollywood, giới chuyên gia đánh giá rằng The Matrix - Ma Trận sẽ mất hay nếu thiếu phần biên đạo kung fu của Viên Hòa Bình.

Viên Hòa Bình (trái) chỉ đạo võ thuật trên phim trường Diệp Vấn ngoại truyện: Trương Thiên Chí (2018). Ành: SCMP.

Tờ HK01 cho hay đạo diễn tài năng và những người anh của ông học võ thuật từ bé, dưới sự chỉ dạy của cha ruột - nam diễn viên nổi tiếng Viên Tiểu Điền. Mở đầu là những bài lộn nhào, sau đó, họ được hướng dẫn cách chiến đấu đúng nghĩa.

“Chúng tôi còn được hiểu ngôn ngữ của điện ảnh, vị trí máy quay, tìm hiểu tính cách nhân vật và sự ăn ý giữa hai người khi chiến đấu. Điều đó không thể dạy được, chúng tôi phải tự học bằng cách tận mắt chứng kiến”, Viên Hòa Bình nói trong một cuộc phỏng vấn.

Ở quá khứ, cố tài tử Viên Tiểu Điền đã tập hợp một đội võ thuật chuyên thực hiện các pha hành động. Về sau này, Viên Hòa Bình đã tập hợp những người anh em ruột của mình lại, bao gồm có ông, Viên Tín Nghĩa, Viên Tường Nhân, Viên Nhật Sơ… thành một đội gọi là Gia tộc Viên.

Giải thích cho sự ra đời của Gia tộc Viên, Viên Hòa Bình cho rằng đã tới lúc ông hoạt động với tư cách một gia đình, chứ không phải vai trò cá nhân nữa.

“Tôi biết rất rõ kỹ năng của anh em mình. Đôi khi, tôi sẽ tập hợp họ lại để làm việc cùng nhau. Có người giỏi về chiến đấu, người giỏi biên đạo sau camera và một số lại phù hợp cho việc đóng thế các pha hành động. Vì thế tôi đã tập hợp họ lại”.

Đạo diễn họ Viên muốn tập hợp các anh em lại để làm việc hiệu quả hơn. Ảnh: SCMP.

Viên Hòa Bình mang dấu ấn riêng với những pha nhào lộn trên dây và ông không thích những màn bạo lực đẫm máu, điều đó tạo nên chất riêng trong các tác phẩm của nhà làm phim họ Viên.

“Phim kung fu của người khác chỉ là bạo lực và quyền lực, vì vậy tôi muốn làm điều gì đó khác biệt”, ông chia sẻ vào năm 2019.

Cách chọn diễn viên đóng thế ở Thành Gia Ban

Theo South China Morning Post, năm 1979, Thành Long đã thành lập Thành Gia Ban - nơi chuyên đào tạo các nghệ sĩ đóng thế, diễn viên hành động, võ sư. Siêu sao Trung Quốc nhận ra rằng đào tạo và phát triển một đội chuyên thực hiện các pha nguy hiểm sẽ mang đến hiệu quả và sáng tạo hơn.

Tổ chức của Thành Long đã bước qua năm hoạt động thứ 42. Ban đầu, đội này chỉ 5 thành viên, và có lúc tăng lên 17 người. Đội làm việc trực tiếp với Thành Long ở các tác phẩm Police StoryProject A.

Các thành viên nổi bật trong quá khứ bao gồm Mars, Lee Kin-sang và Chow Yun-king, tất cả đều trở thành những nhà chỉ đạo võ thuật thành danh theo đúng mong ước của họ.

Benny Tai, một thành viên của Thành Gia Ban, chia sẻ: "Yêu cầu của Thành Long đối với mỗi bộ phim rất cao. Anh ấy đòi hỏi rất nhiều từ diễn viên chính và mọi diễn viên đóng thế, từ tất cả người tham gia vào một cảnh đánh nhau. Chúng tôi sẽ tập từ 7 đến 8 lần trước khi ghi hình thật”.

Khi đóng phim của Thành Long, Benny Tai thường lên ý tưởng cho cảnh hành động và xếp đội hình di chuyển của cả nhóm diễn viên. Tất cả phải đảm bảo đều có kỹ năng riêng, biết được điểm mạnh và điểm yếu của đồng nghiệp, để từ đó phối hợp nhịp nhàng và hiệu quả hơn.

Các thành viên trong Thành Gia Ban được Thành Long đào tạo bài bản, khắc nghiệt. Ảnh: SCMP.

Mỗi ngày, đội đóng thế của Thành Long đều phải tập luyện để đảm bảo đủ thể lực hoàn thành các pha nguy hiểm. Các thành viên mới sẽ được huấn luyện bởi người cũ.

Mỗi người đều có một bộ kỹ năng riêng. Một thành viên chuyên về taekwondo cho biết: “Tôi không thực hiện toàn bộ các pha nguy hiểm. Có rất nhiều pha nguy hiểm khác nhau như ngã từ trên cao, lái ôtô, lái tàu cao tốc. Còn tôi chuyên về những cú ngã cao, nhảy khỏi nhà cao tầng, hoặc nhảy qua kính”.

Đóng phim hành động đồng nghĩa với đối mặt với nguy hiểm và rủi ro. Nhiều xe cấp cứu được bố trí sẵn cho những pha hành động. Bởi vậy, Thành Long cho rằng việc thành lập một đội chuyên đóng pha nguy hiểm (với mỗi người một thế mạnh) sẽ bổ trợ nhau, làm giảm thiểu khả năng xảy ra tai nạn.

“Trong 40 năm, họ đã liều mạng vì tôi. Tôi muốn chia sẻ giải Oscar thành tựu trọn đời này cho tất cả họ”, Thành Long phát biểu tại một sự kiện truyền hình nhân kỷ niệm 4 thập kỷ thành lập Thành Gia Ban.

Quốc Minh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/phia-sau-nhung-pha-vo-thuat-de-doi-trong-dien-anh-post1232308.html