Phí đường bộ thu qua các trạm BOT đã đạt khoảng 1 tỷ USD năm 2016

Theo lộ trình của Bộ Giao thông vận tải, đến cuối năm 2017 các trạm thu phí trên toàn quốc phải có làn thu phí tự động và hết năm 2020 sẽ bỏ thanh chắn (barie) tại các trạm thu phí.

Tại Diễn đàn Thanh toán điện tử Việt Nam 2016, ông Vũ Quang Lâm, thành viên HĐQT Tasco kiêm Tổng giám đốc VETC cho biết, Việt Nam hiện có hơn 21 nghìn km đường quốc lộ, 730 km đường cao tốc và có khoảng hơn 100 trạm thu phí với lưu lượng xe khoảng 1,2 triệu lượt/ngày đêm.

Năm 2016, chỉ riêng phí đường bộ thu qua các trạm BOT dự kiến đạt khoảng 23.000 tỷ đồng (khoảng 1 tỷ USD), phí bảo trì đường bộ khoảng 6.000 tỷ, phí gửi xe tại các tòa nhà, bãi đỗ khoảng 15.000 tỷ.

Những con số này thể hiện lượng giao dịch khổng lồ của các phương tiện giao thông trên đường quốc lộ/cao tốc, tại các trạm thu phí, trong nội đô hay các điểm đỗ/gửi xe... với sự tương tác rộng lớn tới toàn cộng đồng, từ chủ phương tiện, doanh nghiệp đến cơ quan quản lý Nhà nước.

Điều này đòi hỏi một hình thức vận hành hoạt động giao thông vận tải (GTVT) thuận tiện, đơn giản trong việc khai thác và sử dụng nhưng đồng thời minh bạch, chặt chẽ trong quản lý.

Thực tế, khi hàng loạt các dự án BOT giao thông mới bắt đầu được xây dựng, mô hình quản lý và hoạt động của các trạm thu phí công nghệ cũ (thu phí bằng tay; thu phí một dừng bằng mã vạch) đã thể hiện những nhược điểm do không đáp ứng được nhu cầu phát triển, gây ùn tắc giao thông và khó bảo đảm được tính minh bạch, nguy cơ thất thoát phí. Vì thế, giao thông thông minh (ITS) với việc ứng dụng các thành tựu mới nhất của CNTT được kỳ vọng sẽ mang lại giải pháp đưa việc vận hành, quản lý hoạt động GTVT đạt đến trình độ phát triển mới.

Theo lộ trình của Bộ GTVT, đến cuối năm 2017 các trạm thu phí trên toàn quốc phải có làn thu phí tự động và hết năm 2020 sẽ bỏ thanh chắn (barie) tại các trạm thu phí, đây chính là biện pháp đầu tiên cần được triển khai triệt để, dựa trên sự ủng hộ của các nhà đầu tư BOT.

Để thúc đẩy thanh toán điện tử trong thu phí tự động đường bộ, Chính phủ cũng đã ban hành các cơ chế, tạo hành lang pháp lý để vận hành hệ thống, như: cơ chế giám sát của cơ quan quản lý nhà nước; các quy định về sử dụng chứng từ, hóa đơn điện tử hay việc miễn giảm phí trong thời gian đầu sử dụng dịch vụ

Theo Tổng giám đốc VETC, thực tế, hình thức thanh toán điện tử với các khái niệm như “công nghệ thu phí tự động”, “tài khoản giao thông”, “thu phí qua tài khoản”… lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam nên đối với nhiều người tham gia giao thông còn bỡ ngỡ, chưa hình dung được cách thức vận hành, chưa nhìn thấy được lợi ích của dịch vụ…

“Chính vì vậy đối với dự án này, lãnh đạo Bộ GTVT cũng như nhà đầu tư luôn xác định phải đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá rộng rãi các dịch vụ này tới người dân. Thậm chí công tác truyền thông còn được coi là nhiệm vụ trọng tâm, quyết định đến thành bại của dự án bởi chỉ khi có sự đồng thuận, hưởng ứng của người tham gia giao thông thì dự án này mới đạt được những mục tiêu đề ra”, Tổng giám đốc VETC cho biết.

Linh Linh

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/thoi-su/phi-duong-bo-thu-qua-cac-tram-bot-da-dat-khoang-1-ty-usd-nam-2016-2225504.html