Phi công liên lạc 10 lần với kiểm soát viên không lưu nhưng không được: Do người trực không đeo tai nghe

Lãnh đạo Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam khẳng định, sự việc phi công liên lạc khoảng 10 lần với kiểm soát viên không lưu Cát Bi nhưng không được không ảnh hưởng đến an toàn bay.

Liên quan đến sự có phi công kết nối 10 lần với kiểm soát viên không lưu sân bay Cát Bi, Hải Phòng để thực hiện chuyến bay từ Cát Bi đi Buôn Ma Thuột, trao đổi với An ninh Thủ đô, ông Đoàn Hữu Gia, Tổng giám đốc Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) khẳng định, sự việc nói trên không đe dọa an toàn hay uy hiếp đến an ninh hàng không.

Cụ thể, ông Gia cho hay, từ 23h đêm ngày 17/3, sân bay Cát Bi đã hết kế hoạch hoạt động bay, chỉ có một chuyến bay sớm của Vietjet Air đi Buôn Ma Thuột vào lúc 6h15 sáng 18/3.

Tuy nhiên, lúc 5h30 sáng 18/3, phi công thực hiện chuyến bay đã liên hệ với kiểm soát viên không lưu để thực hiện chuyến bay đi Buôn Ma Thuột, nhưng lúc này kiểm soát viên không lưu lại bỏ ra nghe ra ngoài, ngồi không đúng vị trí nên không nghe được phi công liên lạc.

Sau đó, phi công đã liên lạc với ACC Nội Bài, ACC Nội Bài đã liên lạc với đài không lưu Cát Bi thì đã kết nối được với kiểm soát viên không lưu tại đây. Ngay sau đó, kiểm soát viên không lưu đã liên lạc với tổ bay đồng thời cho chuyến bay cất cánh an toàn, đúng giờ theo kế hoạch.

Lãnh đạo VATM khẳng định, sự cố phi công liên lạc 10 lần với kiểm soát viên không lưu không được không ảnh hưởng đến an toàn bay (ảnh minh họa)

“Ngay sau khi xảy ra sự cố, tôi đã cùng Giám đốc công ty Quản lý bay miền Bắc (trực tiếp quản lý không lưu sân bay Cát Bi-PV) kiểm tra thực tế. Qua kiểm tra cho thấy, 2 nhân viên ca trực có mặt đầy đủ, thường xuyên tại đài không lưu vào thời điểm đó’- ông Gia thông tin.

Theo ông Gia, thông thường với mỗi chuyến bay, thành viên tổ lái sẽ liên hệ với kiểm soát viên không lưu sân bay trước giờ bay dự kiến từ 115-20 phút tùy theo chứ không bắt buộc. Với chuyến bay VJ671 của Vietjet Air vào sáng sớm 18/3 phi công đã liên lạc sớm, trước chuyến bay 45 phút. Việc này cũng không vi phạm quy định.

“Tôi đã làm việc tại sân bay Cát Bi, rút kinh nghiệm với nhân viên tại đây, đồng thời đưa ra các giải pháp để làm sao không còn sự cố tương tự xảy ra, đặc biệt là tình trạng kiểm soát viên không lưu ngồi trên đài kiểm soát nhưng lại không đeo tai nghe”- ông Gia cho hay.

Với sự việc lần này, ông Gia cho biết, VATM và Công ty Quản lý bay miền Bắc chỉ nhắc nhở nhân viên là chính mà không xem xét kỷ luật.

Trả lời câu hỏi về việc, vào ngày 9/3/2017, tại sân bay Cát Bi đã xảy ra sự cố mất an toàn hàng không nghiêm trọng, đó là kiểm soát viên không lưu ngủ quên khiến 2 chuyến bay không thể liên lạc được với đài kiêm soát, nay lại xảy ra sự việc này, ông Gia cho hay, từ bài học ở sân bay Cát Bi, VATM đã tổ chức rút kinh nghiệm cho toàn độ các đài không lưu trên cả nước.

Thông tin thêm về lực lượng lao động, kiểm soát viên không lưu có đủ cung ứng cho các sân bay, ông Gia cho hay, VATM luôn lên kế hoạch bổ sung nhân lực đầy đủ để đáp ứng nhu cầu về hàng không.

Trong đó, đối với các sân bay nâng công suất hoạt động từ 12 tiếng/ngày thành 24/24h hàng ngày, VATM có kế hoạch bổ sung lao động ngay lập tức.

Cụ thể như, sân bay Điện Biên, sân bay Côn Đảo dự kiến năm 2024 mới hoạt động 24/24h, nhưng ngay từ bây giờ VATM đã chuẩn bị nhân lực đầy đủ điều kiện để khi sân bay hoàn thiện, đi vào hoạt động sẽ có đầy đủ nhân lực đi cùng đảm bảo đồng bộ.

Về phía Cục Hàng không Việt Nam cho hay, cơ quan này đã lập tổ xác minh, làm rõ việc phi công gọi nhiều cuộc nhưng không liên lạc được với Đài kiểm soát không lưu sân bay Cát Bi.

Trong quý 1/2022, VATM có tốc độ tăng trưởng tốt hơn cùng kỳ năm 2021 nhưng cũng chỉ bằng 45% so với cùng kỳ của năm 2019, năm cao điểm về điều hành bay. Dự kiến, cả năm 2022, tốc độ tăng trưởng của VATM cao hơn năm 2021 khoảng 10% và bằng khoảng 50% của năm 2019.

Ngân Tuyền

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/phi-cong-lien-lac-10-lan-voi-kiem-soat-vien-khong-luu-nhung-khong-duoc-do-nguoi-truc-khong-deo-tai-nghe-post500793.antd