Phe nổi dậy tại Syria đã nhận được quả đắng của Washington?

Phe đối lập đã nhận ra quả đắng của Washington, họ chờ đợi Trump với sự thiện cảm dành cho Putin sẽ tìm ra một giải pháp toàn diện cho Syria

Ông Monzer Akbik, một thành viên của ủy ban chính trị, là phát ngôn viên chính thức của Phong trào Ngày mai cho Syria và là một cựu thành viên cấp cao của Liên minh Quốc gia Syria, có bài phân tích về việc làm thế nào để tân Tổng thống Trump có thể giúp chấm dứt cuộc nội chiến Syria. Bài viết được hãng tin CNN của Mỹ đăng tải ngày 24/11.

Phong trào Ngày mai cho Syria được cựu lãnh đạo Liên minh Quốc gia Syria (SNC) Ahmed Jarba sáng lập và lãnh đạo. Quan điểm của lực lượng chính trị này là nếu muốn có tương lai tốt đẹp cho Syria thì các bên – cả chính quyền Assad lẫn phe đối lập - phải chấp nhận vị thế của mình trên bàn cờ chính trị cũng như thực tế trên chiến trường Syria hiện nay.

Tân Tổng thống Trump được kỳ vọng sẽ bắt tay Tổng thống Putin, kết thúc cuộc chiến Syria. Ảnh : Salon

Mặc dù nhận định Bashar al-Assad đã thất bại trong việc đảm bảo nền tảng vững chắc cho sự nghiệp chính trị của mình, song nhà chính trị đối lập Syria cũng thừa nhận thực trạng hiện nay là thất bại toàn diện của phe đối lập. Ông Monzer Akbik cho rằng thất bại lớn nhất của phe đối lập là thiếu đoàn kết để hình thành một liên minh chính trị và quân sự thống nhất.

Người phát ngôn viên của Phong trào Ngày mai cho Syria kêu gọi các lực lượng, phe phái đối lập đoàn kết lại để trở thành một đối trọng với chính quyền Assad cho những nước cờ tiếp theo. Theo ông Akbik thì người Syria phải tự cứu minh thay vì chờ đợi người khác, bởi phương Tây không và không thể thành công trong chiến lược mang đến sự đổi thay cho Syria.

Tại sao những người vốn được Mỹ và phương Tây chống lưng nay lại cho thấy sự quay lưng với người bạn lớn của mình như vậy?

Cả những hành động và không hành động của Washington đều khiến phe đối lập mất dần vị thế

Có thể thấy rằng, vì Tổng thống Obama việt vị với nước cờ “xử lý vũ khí hóa học Syria” của Tổng thống Putin khiến cho việc Mỹ xuất hiện tại Syria chậm trễ và không thể đường đường chính chính như Nga. Trong khi Moscow công khai thực hiện các chiến dịch không kích IS tại Syria ủng hộ Assad, thì Washington không dễ dàng ủng hộ phe đối lập như vậy được.

Washington chọn đàm phán hòa bình giữa chính quyền Assad và phe đối lập để từ đó tạo uy lực cho những nước đi của minh trong ván cờ này. Tuy nhiên, các vòng đàm phán cho hòa bình tại Syria đều thất bại, mà nguyên nhân được cho là Washington đi nước cờ này không chuẩn xác. Washington chọn thời điểm để phe đối lập ngồi vào bàn đàm phán trong thế yếu, khiến họ phải chịu thiệt và đương nhiên là đàm phán đổ vỡ.

Việc “già néo đứt dây” khiến phe đối lập bị xem là tác nhân chính làm cho đàm phán hòa bình đổ vỡ, thực tế đó khiến cho phe đối lập bị mất mát rất lớn. Lực lượng hộ phe nổi dậy trong cộng đồng người dân Syria giảm đi và sự ủng hộ không còn nhiệt huyết nữa, bởi với họ thì phe đối lập chỉ biết đến lợi ích của mình mà quên đi hòa bình cho Syria.

Cũng từ hiệu ứng tiêu cực đó mà phe đối lập vốn đã lỏng lẻo lại ngày thêm mất đoàn kết. Lực yếu thì đã không được hỗ trợ kịp thời và đủ mạnh, nay thế lại bị làm suy yếu khiến cho phe đối lập tại Syria rơi vào cảnh rệu rã, rồi có hiện tượng phân rã. Điều đó giúp cho Assad ngày càng được củng cố cả thế và lực, liên tục dồn phe đối vào thế bất lợi trên cả chinh trường lẫn chiến trường.

Trớ trêu thay người bảo trợ và chống lưng cho phe đối lập thì lại quá tính toán với thiệt hơn trong những nước đi của mình, khiến phe đối lập càng rơi vào nguy khốn. Khi Washington kiên quyết đòi gạt Assad khỏi bàn cờ chính trị Syria làm cho tình hình rơi vào bế tắc, khi Washington không xem gạt Assad là điều kiện tiên quyết thì vô hình trung khiến cho phe đối lập mất thế trước đối phương.

Khi thỏa thuận ngừng bắn tại Syria do Nga – Mỹ bảo trợ được ký kết thì Washington không có ngaynhững bước tiếp theo nhằm thực thi thỏa thuận, đến khi thỏa thuận bị phá vỡ thì Washington chỉ lên tiếng chỉ trích Moscow và chính quyền Assad. Điều đó không giúp được gì cho phe đối lập mà ngược lại chẳng khác gì dung túng cho đối phương.

Không những thế việc Washington lùa IS từ Iraq chạy qua Syria khiến cho phe đối lập rơi vào cạm bẫy, khi quân chính quyền Assad nã pháo vào IS nhưng lại rơi vào phe đối lập nhiều hơn. Điều đó khiến cho phe đối lập có thể tiêu vong vì bị chính quyền Assad nhìn nhận là cùng chiến hào với IS. Để tranh đạn pháo phe đối phải chọn giữ dân thường như lá chắn cho mình, tuy nhiên đây là giải pháp có thể khiến cho phe đối tại Syria sớm xóa tên.

Có thể thấy rằng, cả những hành động lẫn không hành động của Washington đều khiến cho phe đối lập ngày càng mất cả thế và lực, buộc họ phải có những nước đi riêng của mình, không chờ đợi ở những nước cờ của Washington nữa. Phong trào Ngày mai cho Syria đã được thành lập nhằm cứu vãn tình hình, trước khi các bên trong ván cờ Syria thực hiện những nước đi quyết định.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/phe-noi-day-tai-syria-da-nhan-duoc-qua-dang-cua-washington-3323935/