Phát triển văn học mạng phù hợp với xu thế thời đại

Với sự ra đời và phát triển của internet trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng, hiện nay đang dần hình thành những thế hệ công dân mạng. Đi kèm theo đó là những hoạt động đa dạng, phong phú trên mạng internet về mọi lĩnh vực, trong đó có văn hóa nghệ thuật, với sự ra đời của văn học mạng. Gần đây, dòng văn học này đã đóng góp đáng kể vào việc thay đổi diện mạo cũng như phát triển và quảng bá văn học Việt Nam đến với nhiều độc giả hơn.

Các nhà xuất bản, doanh nghiệp phát hành các loại sách trên mạng internet thông qua các nền tảng, ứng dụng công nghệ hiện đại để đến với độc giả nhanh hơn. Ảnh: Nguyễn Hoàng

Có cái tốt, có cái tiêu cực

Theo Hội Nhà văn thành phố (TP) Hồ Chí Minh, văn chương trên mạng internet cũng có mặt tích cực và tiêu cực. Xét một cách toàn diện ở mặt tích cực thì văn chương trên mạng phát triển mạnh là tín hiệu vui cho sự phát triển của văn hóa đọc. Vì vậy, để phát triển văn học mạng, chúng ta cần có cách tiếp cận cởi mở, từng bước giúp đỡ các cây bút trẻ nâng cao năng lực cũng như nhận thức sáng tác, điều này đòi hỏi sự kiên nhẫn và bao dung.

Thực tế, ngày nay, văn học mạng được xem là mảnh đất đầy sức hút để nhà văn thể nghiệm những tư tưởng mới về nghệ thuật trên hành trình sáng tạo. Trước đây, những cách tân của nhà văn trong nhiều trường hợp rất khó đến được với người đọc qua cánh cửa xuất bản. Bởi cái mới, cái khác không dễ được độc giả thông thường tiếp nhận ngay; cũng vì lẽ đó, các đơn vị xuất bản không mạo hiểm nhằm tránh lỗ vốn. Tuy nhiên, trong môi trường mạng xã hội thì nhà văn thỏa sức thể nghiệm những cách tân nghệ thuật của mình, miễn là điều đó không đi ngược lại những chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

Trong khi đó, nhà văn Đỗ Minh Hiền cho biết, văn học mạng ngày nay phát triển song song với sự phát triển của mạng internet. Điều này góp phần tạo nên một không gian đối thoại, trao đổi mở trên môi trường mạng. Mạng internet phát triển và không giới hạn về không gian nên các tác phẩm cũng có tốc độ lan truyền khá nhanh đến độc giả. Điều này cũng khuyến khích nhà văn liên tục cho ra đời tác phẩm mới, thường xuyên tương tác với người đọc và tính dân chủ trong tiếp nhận tác phẩm luôn được đề cao. “Tuy nhiên, văn học mạng hay văn học truyền thống đều cần độc giả, điều quan trọng của nhà văn là muốn tồn tại phải xây dựng được lực lượng độc giả trung thành, đồng nghĩa tác giả đó phải có những tác phẩm văn học chất lượng và đáp ứng nhu cầu của độc giả” - nhà văn Minh Hiền cho biết thêm.

Theo ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh, hiện nay, chúng ta chưa có bất cứ quy định quản lý đối với tác phẩm văn học nghệ thuật trên mạng. Chúng ta vẫn phải tuân thủ theo các quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông về xuất bản, nghĩa là quy định đưa tác phẩm lên mạng, những mức độ ứng xử với tác phẩm trên mạng. Tuy nhiên, công tác quản lý hoạt động xuất bản văn học mạng vẫn còn gặp nhiều khó khăn, như thiếu nhân lực, kỹ thuật, kinh phí...

Quản lý theo đúng định hướng

Theo thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh, tiềm năng và tốc độ phát triển xuất bản phẩm điện tử tại TP Hồ Chí Minh khá nhanh, năm 2022, tốc độ tăng trưởng xuất bản phẩm điện tử của TP Hồ Chí Minh tăng 312% so với năm 2021, với 3.200 đầu sách, khoảng 4 triệu lượt người sử dụng xuất bản điện tử. Từ kết quả này cho thấy, xu hướng chuyển đổi số trong ngành xuất bản và việc thay đổi thói quen đọc sách của người dân từ sách truyền thống sang sách điện tử đang diễn ra khá nhanh.

“Sắp tới, Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh tiếp tục đồng hành nhiều hơn với các công ty xuất bản, doanh nghiệp công nghệ để ứng dụng công nghệ số trong việc xuất bản, quản lý chặt sách điện tử, văn học mạng theo đúng định hướng của Nhà nước và phù hợp với xu thế phát triển chung. Ngoài ra, Sở cũng tạo điều kiện cho các công ty công nghệ, nhà xuất bản giao lưu với nhau nhiều hơn trong các sự kiện lớn để có những hợp tác cùng phát triển mảng sách, xuất bản điện tử. Về mặt kỹ thuật, Sở cam kết hỗ trợ đánh giá an toàn thông tin, hỗ trợ kỹ thuật cho các đơn vị muốn xây dựng hệ thống sách văn học điện tử để tiếp cận nhanh hơn với độc giả" - ông Lâm Đình Thắng cho biết thêm.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, việc phát triển các xuất bản phẩm điện tử hiện còn nhiều khó khăn, nguyên nhân liên quan đến vấn đề bản quyền, nhuận bút... Chưa kể, cách tiếp cận của các nhà xuất bản với độc giả trên mạng còn hạn chế theo tư duy cũ, nghĩa là các nhà xuất bản vẫn còn tranh mua bản quyền và vẫn áp dụng số hóa theo cách truyền thống, chưa làm theo cái mới để thu hút độc giả, nhất là độc giả trẻ. Cái mới của sách điện tử hiện nay là cần phải hình thành thế hệ người viết mới, phục vụ cho độc giả đang dành nhiều thời gian vào việc dùng điện thoại đọc sách mỗi ngày. Đây cũng chính là hướng phát triển trong tương lai của ngành xuất bản phẩm điện tử.

"Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tạo ra tác động mạnh mẽ đối với tất cả các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực xuất bản. Theo đó, thị trường xuất bản phẩm điện tử ngày càng phát triển mạnh mẽ với nhiều hoạt động đa dạng. Tuy nhiên, thị trường xuất bản phẩm điện tử nhìn chung phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Để khai thác hiệu quả của công nghệ số, tăng lượng bạn đọc, ngành xuất bản cần tìm thêm nhiều độc giả, cụ thể là độc giả trong các kho khách hàng của ngành ngân hàng và viễn thông. Bởi hai nền tảng của ngành ngân hàng, viễn thông có nhiều khách hàng với nhu cầu đọc sách điện tử cao, nguồn khách hàng này cũng là những người trẻ và đang sử dụng rất nhiều app công nghệ thanh toán mới... Khi ngành xuất bản kết hợp với ngành ngân hàng, viễn thông còn giúp ngành xuất bản giảm bớt chi phí marketing và thúc đẩy việc thanh toán không dùng tiền mặt trong giới trẻ..." - ông Nguyễn Thanh Lâm cho biết.

Nguyễn Hoàng

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/phat-trien-van-hoc-mang-phu-hop-voi-xu-the-thoi-dai-post464464.html