Phát triển thể dục thể thao trong trường học: Vẫn còn nhiều khó khăn

Một số trường học hiện còn khó khăn chưa triển khai được bài quyền căn bản công pháp 27 động tác của võ cổ truyền trong trong trường học. Trong ảnh: Học sinh một trường tiểu học ở TP Tuy Hòa biểu diễn bài quyền căn bản công pháp 27 động tác của võ cổ truyền. Ảnh: TRUNG HIẾU

Thời gian qua, giáo dục thể chất trong trường học và các giải thể thao học đường được quan tâm nhiều hơn, tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều trường ở khối tiểu học và THCS gặp không ít khó khăn, nhất là các trường ở huyện miền núi.

Những năm trở lại đây, phong trào thể thao học đường đã được các trường học quan tâm, nhiều trường tổ chức các giải thể thao học đường, Hội khỏe Phù Đổng cấp trường để tạo sân chơi cho các học sinh tham gia, tập luyện. Nhiều trường học trên địa bàn tỉnh còn triển khai nghiêm túc việc dạy học môn Thể dục và bố trí cho học sinh học 2 tiết/tuần; đồng thời duy trì các bài tập thể dục buổi sáng, thể dục giữa giờ. Năm học 2020-2021, một số trường tiểu học, THCS và THPT duy trì cho tập luyện môn võ cổ truyền và dạy theo chương trình thể thao tự chọn.

Tuy nhiên, khó khăn hiện nay ở nhiều trường tiểu học, THCS là việc tổ chức các giải thể thao học đường; đưa võ cổ truyền vào trường học; thậm chí không duy trì được bài quyền căn bản công pháp 27 động tác của võ cổ truyền trong trường học… Cô Lê Thị Lệ, Hiệu trưởng Trường tiểu học và THCS Lê Thánh Tôn (xã Hòa Xuân Nam, TX Đông Hòa) cho biết: “Toàn trường có hơn 530 học sinh, trong đó, khối tiểu học có 14 lớp với hơn 300 học sinh và khối THCS có 8 lớp. Trường có 3 điểm, một điểm ở thôn Vũng Rô, một điểm ở thôn Hảo Sơn Nam và điểm trường chính tại thôn Hảo Sơn Bắc. Các điểm trường đều thiếu cơ sở vật chất, sân bãi tập thể dục cho học sinh; toàn trường chỉ có một giáo viên dạy thể dục cho khối THCS, còn khối tiểu học, các giáo viên chủ nhiệm phải kiêm nhiệm, nên phong trào thể thao trong trường chưa thật sự mạnh”.

Trường tiểu học Phú Mỡ (huyện Đồng Xuân) mấy năm học qua cũng chỉ có một giáo viên không chuyên trách dạy môn Thể dục; đồng thời nhà trường thiếu sân bãi nên hạn chế tổ chức các giải thể thao học đường, hay Hội khỏe Phù Đổng cấp trường. “Toàn trường có 5 điểm, trong đó điểm trường chính tại thôn Phú Giang, các điểm phụ tại các thôn: Phú Tiến, Phú Lợi, Phú Đồng, Phú Hải. Do các điểm trường rải rác ở các thôn, còn điểm trường chính chật, chỉ có khoảng 200m2 đất trống nhà trường làm bãi tập thể dục cho các em nên việc triển khai các bài tập thể dục đầu giờ, giữa giờ và bài quyền căn bản công pháp 27 động tác của võ cổ truyền rất khó khăn. Năm học 2020-2021, nhà trường được Phòng GD-ĐT phân bổ về một giáo viên dạy môn Thể dục nên sắp tới sẽ cho giáo viên này đi tập huấn để triển khai môn võ cổ truyền trong trường học, giúp học sinh phát triển toàn diện, nâng cao tầm vóc”, thầy Trình Ngọc Vinh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Phú Mỡ nói.

Theo thầy Vinh, để mở rộng sân trường có nơi dạy thể dục cho học sinh, sắp tới UBND huyện sẽ tạo điều kiện cho trường một thửa đất trống nằm liền kề với điểm trường chính để nhà trường làm sân bãi tập, dạy môn Thể dục và có điều kiện tổ chức các giải thể thao học đường, góp phần đẩy mạnh phong trào thể thao trong trường học.

Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Đồng Xuân Phạm Trung Thành cho biết, toàn huyện hiện còn 5/11 trường tiểu học và 2/7 trường THCS còn khó khăn về cơ sở vật chất để các trường tổ chức các giải thể thao học đường. Đối với giáo viên dạy môn Thể dục, hiện các trường đã được bố trí đủ giáo viên. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều giáo viên dạy môn Thể dục không có chuyên môn võ cổ truyền nên việc triển khai môn võ cổ truyền trong trường học còn nhiều khó khăn.

Theo Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Sơn Hòa Hoàng Vũ Anh, trên địa bàn huyện vẫn còn nhiều trường đang khó khăn về cơ sở vật chất, sân bãi tập cho học sinh học thể dục nên ảnh hưởng đến việc tổ chức các giải thể thao học đường, Hội khỏe Phù Đổng cấp trường để đẩy mạnh phong trào thể thao học đường trong trường học. Đặc biệt, các giáo viên dạy môn Thể dục đa phần không có chuyên môn võ cổ truyền nên việc đưa môn võ cổ truyền vào trường học vẫn chưa đại trà. “Sắp tới, nếu có lớp, Phòng GD-ĐT sẽ tạo điều kiện cho các giáo viên dạy môn Thể dục đi tập huấn thêm bài quyền căn bản công pháp 27 động tác của võ cổ truyền để các trường dạy lại cho học sinh”, ông Hoàng Vũ Anh nói.

Theo thầy Ngô Ngọc Thư, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Phú Yên, hiện một số trường vẫn còn khó khăn về cơ sở vật chất, song vẫn đảm bảo tổ chức cho học sinh học 2 tiết thể dục/tuần theo quy định. Đối với việc đưa võ cổ truyền vào trường học, dù ngành Giáo dục không bắt buộc, nhưng hiện nay hầu như các trường tiểu học trong tỉnh đều duy trì tốt thực hiện bài thể dục buổi sáng, thể dục giữa giờ và bài quyền căn bản công pháp 27 động tác của võ cổ truyền. Đối với các trường THCS và THPT thì vẫn còn gặp nhiều khó khăn nhất định do giáo viên dạy thể dục không có chuyên môn võ và chưa được tập huấn nên sắp tới Sở GD-ĐT sẽ nghiên cứu tổ chức lớp tập huấn để các trường triển khai đồng loạt.

HIẾU TRUNG

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/88/249422/phat-trien-the-duc-the-thao-trong-truong-hoc--van-con-nhieu-kho-khan.html