Phát triển Thành phố Thủ Đức - Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông thành phố giai đoạn 2020 - 2035

Sáng 16/10, trong khuôn khổ Đại hội Đại biểu Đảng bộ TPHCM khóa XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025, đồng chí Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM đã có bài phát biểu tham luận về TP Thủ Đức.

Ông Nguyễn Thanh Nhã - Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM phát biểu tham luận tại đại hội (Ảnh: TTBC)

Với vai trò là đầu tàu thúc đẩy phát triển Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, hàng năm, TPHCM đóng góp khoảng 27% tổng thu ngân sách cả nước. Sản lượng công nghiệp thành phố chiếm khoảng 30% giá trị sản lượng toàn quốc và thu hút khoảng 39,1% nguồn vốn FDI vào Việt Nam. Thành phố có một nền văn hóa khởi nghiệp mạnh mẽ với lực lượng lao động lành nghề chiếm tỷ lệ 21,2% lao động lành nghề của Việt Nam, năng suất lao động cao nhất cả nước. Thành phố mang trong mình tinh thần tiên phong cải cách mạnh mẽ, sự linh hoạt trong quản lý cũng như khả năng nuôi dưỡng, phát triển các cá nhân và doanh nghiệp start-up vượt trội so với các đô thị khác ở Việt Nam.

Tham luận của Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc TPHCM nêu rõ, những năm gần đây, thành phố đã tiến những bước dài trên con đường phát triển về thương mại, dịch vụ, công nghệ và hạ tầng đô thị. Đặc biệt tại khu vực phía Đông thành phố, hạ tầng giao thông đô thị đa phương thức có nhiều chuyển biến mạnh mẽ với sự xuất hiện hàng loạt công trình trọng điểm như đường Mai Chí Thọ và đường hầm vượt sông Sài Gòn, đường Vành đai Đông thành phố (Vành đai 2), đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên (metro số 01),…

Đồng thời, khu vực phía Đông này bước đầu hình thành những trung tâm mới về tài chính tại Thủ Thiêm - Quận 2, Khu nghiên cứu khoa học - Khu công nghệ cao tại Quận 9 và quận Thủ Đức. Đây là một trong những tiền đề để thành phố đưa ra ý tưởng xây dựng Khu phía Đông của thành phố (gồm 3 quận: Quận 2, Quận 9 và quận Thủ Đức) trở thành Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao, trở thành hạt nhân để dẫn đầu và thúc đẩy phát triển kinh tế thành phố và khu vực phía Nam trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phù hợp xu hướng phát triển kinh tế tri thức của thế giới.

Sau khi được Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chấp thuận chủ trương thẩm định phê duyệt quy hoạch Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông thành phố vào nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TPHCM, UBND TPHCM đã thành lập Ban Chỉ đạo về xây dựng Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông thành phố và Kế hoạch hành động bao gồm 7 nhóm công tác trên các lĩnh vực khác nhau nhằm xây dựng và phát triển khu vực phía Đông thành phố thành Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao, là khu vực dẫn dắt kinh tế thành phố và Vùng Thành phố Hồ Chí Minh trong các hoạt động kinh tế tri thức như đào tạo, nghiên cứu và sản xuất công nghệ cao.

Đồng thời, với kỳ vọng thực hiện các đổi mới sáng tạo trong chiến lược phát triển của thành phố, tiếp nối truyền thống năng động, dám nghĩ, dám làm của nhân dân thành phố và phát huy nguồn nhân lực lao động chất lượng cao, Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo xây dựng Đề án “Hình thành và phát triển Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông thành phố”, tiến hành song song với công tác nghiên cứu lập quy hoạch không gian đô thị.

Khu vực phía Đông thành phố bao gồm Quận 2, Quận 9 và quận Thủ Đức, với tổng diện tích tự nhiên khoảng 21.000 ha (khoảng 10% diện tích thành phố) và quy mô dân số 1.013.795 người (chiếm 12% tổng dân số thành phố). Hiện nay, khu vực này đang sở hữu nhiều thế mạnh nổi trội của thành phố như: Vị trí địa lý trung tâm miền Đông Nam Bộ với hệ thống giao thông được đầu tư phát triển đồng bộ, thuận lợi để kết nối, hợp tác phát triển kinh tế với các tỉnh lân cận như tuyến metro số 1 từ Suối Tiên (Quận 9) đến Bến Thành (Quận 1) sẽ đi vào hoạt động từ năm 2021, tuyến đường Vành đai 3 (Mỹ Phước - Tân Vạn - Nhơn Trạch), tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, Quốc lộ 1A, Quốc lộ 1K, Xa lộ Hà Nội và các tuyến giao thông đường thủy trên sông Sài Gòn - sông Đồng Nai,… Đồng thời, khu vực đặc biệt thuận lợi để phát triển ngành hậu cần logistics phân phối vận chuyển hàng hóa bằng cách kết nối luồng vận chuyển đa phương thức bao gồm hàng hải (cụm cảng Cái Lái - Phú Hữu) đường sắt, đường bộ (cảng ICD Long Bình, bến xe miền Đông mới) và đường thủy nội địa.

Hệ sinh thái khởi nghiệp đã hình thành và phát triển mạnh mẽ, có sự tham gia của nhiều trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, các quỹ đầu tư trong và ngoài nước, thuận lợi tạo ra được các sản phẩm mang hàm lượng khoa học - công nghệ cao, hình thành các chuỗi giá trị gia tăng từ khâu nghiên cứu khoa học, nghiên cứu ứng dụng, thiết kế sản phẩm, sản xuất sản phẩm phụ trợ, sản xuất sản phẩm công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp công nghệ cao, tiêu thụ sản phẩm và cung ứng dịch vụ...

Khu công nghệ cao hiện thu hút thành công nhiều tập đoàn, công ty công nghệ vào đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao như Intel, Nidec, Jabil, Sonion, Sanofi, FPT, Nipro, Datalogic, Samsung,... với hàm lượng giá trị tạo ra từ nghiên cứu và phát triển trong cơ cấu giá trị sản phẩm vượt gấp nhiều lần so với sản phẩm từ các khu công nghiệp cả nước.

Khu Đại học Quốc gia thành phố có cơ sở hạ tầng kỹ thuật nơi đây khá hiện đại, tập trung 12 trường đại học, viện nghiên cứu, cũng là nơi thu hút nhiều nguồn nhân lực chất lượng cao không chỉ trên địa bàn thành phố mà còn kết nối thuận tiện với các tỉnh Bình Dương, Bình Phước và Bà Rịa - Vũng Tàu.

Khu vực đã cơ bản hình thành Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Trung tâm thể thao và sức khỏe Rạch Chiếc tại Quận 2 với chức năng chính là trung tâm thương mại - tài chính quốc tế, dịch vụ và dân cư hiện đại.

Tham luận cũng chỉ ra những tồn tại, bất cập, khó khăn của khu vực phía Đông Thành phố như: Quy hoạch không đồng bộ, việc lập quy hoạch không gắn với điều kiện thực hiện quy hoạch dẫn đến khó khả thi. Giao thông không an toàn do trộn lẫn vận tải nặng và hành khách. Tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra, đặc biệt trong giờ cao điểm tại các khu vực đầu mối giao thông. Tỷ lệ quy hoạch sử dụng đất dành cho công trình hạ tầng giao thông và giao thông công cộng thấp, quản lý quỹ đất dành cho giao thông còn nhiều bất cập. Giao thông chủ yếu dựa trên phương tiện cá nhân, chưa phát triển hệ thống và thói quen sử dụng giao thông công cộng và đi bộ. Các dự án lớn về giao thông trong khu vực như tuyến metro số 1 Bến Thành

Suối Tiên, tuyến BRT số 1, đường Vành đai 2, đường Vành đai 3 hiện đang chậm tiến độ hoặc chưa được triển khai theo kế hoạch do những khó khăn chung liên quan đến nguồn vốn, công tác giải phóng mặt bằng. Tình trạng ngập lụt do biến đổi khí hậu ngày càng tăng. Hiện nay, có khoảng 10 vị trí ngập thường xuyên do mưa lớn hoặc triều cường trong khu vực mà nặng nhất là thuộc quận Thủ Đức.

Xác định các trung tâm đổi mới sáng tạo: Khu đô thị mới Thủ Thiêm - Trung tâm công nghệ tài chính; Khu liên hợp thể dục thể thao quốc gia Rạch Chiếc - Trung tâm thể thao và sức khỏe Rạch Chiếc. Khu công nghệ cao - Trung tâm sản xuất tự động hóa và Khu công viên khoa học. Khu Đại học Quốc gia thành phố - Trung tâm công. Khu Tam Đa, Long Phước - Trung tâm công nghệ sinh thái. Khu Trường Thọ - Đô thị tương lai. Trung tâm kết nối giao thông Vùng Đông Nam Bộ, Khu cảng quốc tế Cát Lái. Trung tâm khởi nghiệp lớn nhất Việt Nam.

Phiên làm việc sáng 16/10 của Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM khóa XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 (Ảnh: TTBC)

Nhằm tổ chức triển khai thực hiện Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông thành phố thành công, bảo đảm hiệu quả, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại khu vực, phát triển đô thị nhanh và bền vững, cải thiện chất lượng và khả năng cạnh tranh của thành phố, Tham luận của Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc TPHCM đã nêu ra các giải pháp đó là: Giải pháp về quy hoạch (bao gồm quy hoạch không gian đô thị, quy hoạch kinh tế - xã hội). Giải pháp về đầu tư và thu hút đầu tư. Giải pháp về xây dựng cơ sở hạ tầng, hạ tầng số và chuyển đổi số. Giải pháp về quản lý. Giải pháp về nghiên cứu và giáo dục. Giải pháp về xây dựng hệ sinh thái doanh nghiệp.

Việc hình thành Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông thành phố với cơ sở hạ tầng thuận lợi, nhiều ưu thế được kỳ vọng thực hiện các đổi mới sáng tạo trong chiến lược phát triển của TPHCM, kết nối chặt chẽ, hiệu quả các chức năng trung tâm nghiên cứu khoa học, đào tạo nhân lực trình độ cao, ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, dịch vụ trên nền tảng công nghệ cao, hạ tầng kỹ thuật và xã hội hiện đại theo chuẩn quốc tế và hỗ trợ tài chính, thương mại hiệu quả.

Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông thành phố sẽ mở rộng gắn kết liên ngành, tạo điều kiện cho việc đồng sáng tạo và thương mại hóa các ý tưởng mới, hỗ trợ các nền kinh tế của vùng đô thị bằng cách tạo thêm việc làm, tăng doanh thu và đầu tư trong cả lĩnh vực mới lẫn truyền thống.

Bên cạnh đó, Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông thành phố còn phát huy nguồn nhân lực lao động chất lượng cao so với mặt bằng cả nước, nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh của thành phố. Cộng đồng dân cư tại khu vực nói riêng và toàn thành phố nói chung không chỉ có khả năng tiếp cận những cơ hội về kinh tế, giáo dục và tiện ích công cộng tiên tiến mà còn được hưởng lợi từ các khoản đầu tư thông minh nhằm phát triển các khu đô thị sáng tạo.

Đồng thời, việc quy hoạch, đầu tư và hợp tác để xây dựng một khu đô thị sáng tạo không chỉ dừng lại ở phát triển kinh tế, tài chính mà còn mang đến cơ hội quy hoạch phát triển đô thị dài hạn bền vững, thích ứng cao, thúc đẩy phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội toàn diện của thành phố.

Tâm Phúc

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/doanh-nhan-doanh-nghiep/phat-trien-thanh-pho-thu-duc-khu-do-thi-sang-tao-tuong-tac-cao-phia-dong-thanh-pho-giai-doan-2020-2035-58515.html