Phát triển sản phẩm lưu niệm để quảng bá du lịch

PTĐT - Sản phẩm lưu niệm và quà tặng du lịch là một trong những yếu tố góp phần tăng sức hấp dẫn, khuyến khích chi tiêu và quảng bá hình ảnh du lịch hiệu quả.

Chương trình ký kết giữa các doanh nghiệp du lịch thành phố Hồ Chí Minh và 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng sẽ góp phần quảng bá các sản phẩm lưu niệm đến với khách du lịch.

PTĐT - Sản phẩm lưu niệm và quà tặng du lịch là một trong những yếu tố góp phần tăng sức hấp dẫn, khuyến khích chi tiêu và quảng bá hình ảnh du lịch hiệu quả. Thực tế đã chứng minh, phát triển các sản phẩm lưu niệm phong phú, đa dạng sẽ kéo dài thời gian lưu trú của khách, từ đó mang lại hiệu quả, lợi nhuận cao. Đây là hướng mở triển vọng để các cấp, các ngành và địa phương quan tâm phát triển du lịch.Phú Thọ là đất cội nguồn với nhiều di tích, di sản văn hóa Quốc gia, các sản phẩm du lịch, nghỉ dưỡng cũng được đầu tư, phát triển về cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, dịch vụ. Đối với các sản phẩm du lịch sinh thái - danh thắng, đặc biệt phải kể đến Vườn Quốc gia Xuân Sơn có nhiều lợi thế trong việc phát triển du lịch sinh thái cộng đồng gắn với khai thác bền vững giá trị cảnh quan thiên nhiên. Đây là điều kiện hết sức thuận lợi để thu hút khách du lịch. Điều này được thể hiện ở số lượng khách trong những năm qua đến với vùng Đất Tổ ngày một tăng.

Sản phẩm nón lá Gia Thanh, huyện Phù Ninh hấp dẫn du khách quốc tế.

Trong hành trình khám phá văn hóa, cảnh quan thiên nhiên, tại các khu du lịch, một số sản phẩm đặc trưng vùng Đất Tổ cũng đã được giới thiệu đến với du khách: Phiên bản Trống đồng, các sản phẩm chè Phú Thọ, bánh chưng bánh dày, tương truyền thống, bánh chè lam Đền Hùng, bánh làng Dòng, bưởi Đoan Hùng, nón lá Gia Thanh… Đây là những sản phẩm mang nét đặc trưng của vùng Đất Tổ và sử dụng nguyên liệu tại các làng nghề địa phương, được du khách ưa chuộng. Tuy nhiên số lượng mặt hàng và lượng tiêu thụ còn thấp, quy mô còn nhỏ, chưa khai thác được nhiều sản phẩm các làng nghề, sản vật đặc trưng trên địa bàn tỉnh do các mẫu thiết kế và bao bì chưa đảm bảo. Từ thực tế đó, cuối năm 2019, Sở VH-TT&DL đã tổ chức Cuộc thi thiết kế sản phẩm lưu niệm, quà tặng du lịch tỉnh Phú Thọ với sự tham gia của 66 bộ sản phẩm (39 bộ sản phẩm lưu niệm, 27 bộ sản phẩm quà tặng). Theo đánh giá của Ban giám khảo, các sản phẩm lưu niệm, quà tặng tham gia dự thi rất phong phú với nhiều sản vật, quà tặng mang nét văn hóa đặc trưng, dấu ấn riêng của vùng Đất Tổ. Nhiều sản phẩm có mẫu mã bắt mắt, đa dạng về chủng loại, có tính thẩm mỹ cao, thân thiện với môi trường.

Các sản phẩm lưu niệm Phú thọ được giới thiệu, quảng bá tại các chương trình xúc tiến du lịch do thành phố Hồ Chí Minh tổ chức.

Cuộc thi phát huy khả năng và tinh thần sáng tạo nghệ thuật của các tổ chức, cá nhân vào việc tham gia sáng tác, thiết kế sản phẩm lưu niệm, quà tặng du lịch. Qua đó phát hiện, tôn vinh các sản phẩm thủ công mỹ nghệ làm hàng lưu niệm, quà tặng có chất lượng cao, mẫu mã đẹp phục vụ cho hoạt động du lịch, kích cầu tiêu dùng của du khách khi đến tỉnh cũng như đẩy mạnh hoạt động xúc tiến du lịch, tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch Phú Thọ đến đông đảo nhân dân và khách du lịch. Tại trường ĐH Hùng Vương đã triển khai đề tài “Nghiên cứu, thiết kế các sản phẩm lưu niệm mang đặc trưng văn hóa Hùng Vương phục vụ phát triển du lịch trên quê hương Đất Tổ”, các biểu tượng đặc trưng của văn hóa Hùng Vương được thể hiện trên các sản phẩm: Bình gốm, cốc sứ, đĩa, đồ trang sức vàng, bạc và truyện tranh… Trong quá trình triển khai dự án, công ty CP đầu tư và Du lịch Đất Việt Xanh đã sản xuất sản phẩm khăn lụa “Hơi ấm mẹ Âu Cơ” với họa tiết văn hóa Hùng Vương đã được du khách đón nhận và bước đầu đem lại hiệu quả.Thực hiện chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm-OCOP, Sở Công thương đã khai trương điểm giới thiệu, trưng bày và bán các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, nông sản, đặc sản vùng miền tại thành phố Việt Trì. Giới thiệu, quảng bá nhiều sản phẩm đặc trưng của vùng Đất Tổ như: Tương, chè, mì gạo, bánh chưng, ủ ấm Sơn Vi, nón lá Gia Thanh, tinh dầu quế Trung Sơn, bưởi Đoan Hùng...Các cấp, các ngành, địa phương đã quan tâm đến việc phát triển các sản phẩm lưu niệm mang đặc trưng vùng Đất Tổ, tuy nhiên để sản phẩm, quà tặng, sản vật đến gần hơn, được nhiều du khách tiếp nhận thì cần tiếp tục có sự đổi mới. Trong đó khuyến khích sản xuất sản phẩm lưu niệm ưu tiên dựa vào các làng nghề, sản vật và sản phẩm đặc trưng của tỉnh, sử dụng lao động địa phương. Nghiên cứu đổi mới mẫu mã bắt mắt, bao bì phong phú chủng loại đáp ứng nhu cầu du khách. Xây dựng các điểm du lịch dựa trên các làng nghề phục vụ nhu cầu du khách, tạo điều kiện để các làng nghề, cơ sở sản xuất tham gia nhiều hơn tại các hội chợ thương mại, du lịch trong và ngoài tỉnh, nhằm tăng cường liên kết mở rộng thị trường, tiêu thụ sản phẩm.

Hà An

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/du-lich-le-hoi-am-thuc/tiem-nang-du-lich/202012/phat-trien-san-pham-luu-niem-de-quang-ba-du-lich-174664