Phát triển rừng cao su bền vững ở Cao su Phú Riềng

Từ năm 2019, Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam đã tạo điều kiện cho các công ty thành viên xây dựng phương án quản lý rừng bền vững theo Thông tư số 28/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và đăng ký thực hiện chứng chỉ rừng VFCS/PEFC cho rừng trồng cây cao su và nhà máy chế biến mủ cao su. Là đơn vị đi đầu trong thực hiện chứng chỉ rừng bền vững, thời gian qua, Công ty TNHH MTV cao su Phú Riềng đã quyết liệt chỉ đạo triển khai thực hiện và đến nay đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần gia tăng giá trị sản phẩm, đưa thương hiệu cao su Phú Riềng vươn xa hơn trên thị trường quốc tế.

NÂNG CAO Ý THỨC, TRÁCH NHIỆM NGƯỜI LAO ĐỘNG

3 năm qua, công nhân, lao động ở Tổ khai thác 12, Nông trường Phú Riềng Đỏ ý thức rõ việc vệ sinh môi trường tại nhà tổ, khu vực tập kết mủ và cả trong lô cao su. Trên các con đường vào lô hầu như không có rác. Công nhân ở đây khi xong công việc thu hoạch mủ lại dọn dẹp, thu gom và bỏ rác đúng nơi quy định. “Nói chung, mọi công việc, mọi nơi đều sạch sẽ. Ban đầu thực hiện, chúng tôi thấy hơi vất vả nhưng giờ làm quen rồi thấy cũng bình thường” - chị Hoàng Thị Thương, công nhân Tổ khai thác 12 bộc bạch.

Công nhân Nông trường I (Công ty TNHH MTV cao su Phú Riềng) tập kết mủ sau khai thác

Không chỉ hệ sinh thái đất đảm bảo mà môi trường ở những lô cao su tại tổ 12 cũng rất trong lành, sạch sẽ, đặc biệt là không có rác. Theo ông Nguyễn Hoành Quang, Tổ trưởng Tổ khai thác 12: Lúc đầu triển khai thực hiện chứng chỉ rừng bền vững, nhiều công nhân viên - lao động trong đơn vị cảm thấy bỡ ngỡ, khó khăn nhưng hiện đã thay đổi rất nhiều. Sau 3 năm thực hiện, công nhân đã thực hành rất tốt, hưởng ứng nhiệt tình và trở thành ý thức của mỗi người trong từng khâu sản xuất.

Quản lý rừng bền vững để đạt chứng chỉ rừng bền vững, đồng thời đạt được cả 3 mục tiêu là: kinh tế, xã hội và môi trường cho thế hệ hôm nay và tương lai. Chứng chỉ rừng bền vững rất có ý nghĩa trong việc phát triển thị trường nguyên liệu gỗ hợp pháp, nguyên liệu sạch cho ngành chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu của Việt Nam. Đối với ngành cao su, đó còn là uy tín của sản phẩm khi doanh nghiệp xuất khẩu ra thế giới.

Ông Hoàng Long, Giám đốc Nông trường Phú Riềng Đỏ chia sẻ: Đạt chứng chỉ rừng bền vững đã khó nhưng để giữ vững được chứng chỉ này đòi hỏi tất cả cán bộ, công nhân viên - lao động phải nỗ lực, làm thực chất, không phô trương, hình thức. “Việc này sẽ có lợi cho người lao động và cả người dân trong khu vực. Do đó, chúng tôi sẽ duy trì bằng cách đẩy mạnh tuyên truyền để mỗi người đều có ý thức đảm bảo môi trường, nhất là việc trồng thêm cây xanh. Chúng tôi cũng sẽ trang bị máy lọc nước, hệ thống wifi tại các nhà tổ nhằm đảm bảo sức khỏe cũng như đời sống tinh thần cho người lao động” - ông Long nhấn mạnh.

UY TÍN VÀ THƯƠNG HIỆU VANG XA

Giữa năm 2019, được sự phối hợp của Viện Nghiên cứu lâm sinh thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công ty TNHH MTV cao su Phú Riềng bắt tay thực hiện các quy định để đạt chứng chỉ rừng bền vững. Theo đó, từ cơ sở vật chất nơi làm việc, vệ sinh môi trường, bảo hộ lao động, sức khỏe của công nhân trên lô cho đến các chính sách liên quan đến cộng đồng nơi đơn vị đứng chân… đều được đưa vào thực hiện theo hướng dẫn. Công tác thực hiện được đánh giá thường xuyên hằng năm. Xác định ý nghĩa của chương trình nên các đơn vị đều quyết liệt triển khai thực hiện.

Công nhân Nhà máy Chế biến Trung tâm (Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng) ý thức cao trong công tác sản xuất gắn với bảo vệ môi trường.

Tại Nhà máy chế biến Trung tâm, công tác xử lý môi trường được quán triệt đến từng người lao động trong phân loại, xử lý rác, nhất là vấn đề nước thải. Đến nay, nhờ xử lý tốt vấn đề môi trường nên khu vực xung quanh nhà máy không có mùi hôi, điều kiện ánh sáng, môi trường làm việc của công nhân - lao động cũng được chú trọng. Anh Võ Minh Nhật, Tổ trưởng phụ trách môi trường của nhà máy chia sẻ: Chỉ tiêu nước thải của đơn vị xử lý luôn đạt loại A theo quy chuẩn của Bộ Tài nguyên và Môi trường; các chất thải được quy hoạch đúng nơi xử lý. Đáng chú ý là ý thức, trách nhiệm của công nhân về môi trường đã được nâng cao.

Chứng chỉ rừng bền vững đang góp phần đưa sản phẩm của Công ty TNHH MTV cao su Phú Riềng đi xa hơn, giá bán cũng cao hơn, uy tín, thương hiệu cũng được đánh giá cao hơn. Chính vì vậy, chúng tôi sẽ ra sức thực hiện vì đời sống, sức khỏe của công nhân - lao động và vì sự phát triển bền vững của công ty.

Ông Lưu Thế Doanh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH MTV cao su Phú Riềng

Thực tế, công tác xử lý môi trường ở Nhà máy chế biến Trung tâm đã được đơn vị quan tâm từ lâu khi đưa hệ thống xử lý bằng vi sinh vào hoạt động, là mô hình được nhiều đơn vị sản xuất, chế biến mủ cao su đến học hỏi kinh nghiệm. Ông Vũ Duy Quý, Giám đốc nhà máy nhấn mạnh: Trong thời gian tới, nhà máy sẽ tiếp tục cải tiến, nâng cấp lên một bậc mới về xử lý môi trường như: thay đổi công nghệ, đặc biệt là công nghệ thân thiện với môi trường, hướng đến việc giảm tối đa tiếng ồn, khói bụi.

Công ty TNHH MTV cao su Phú Riềng đang quản lý gần 20 ngàn ha cao su với sản lượng cao su thiên nhiên trung bình hằng năm 25 ngàn tấn, đạt năng suất bình quân trên 2,2 tấn/ha và thu mua trung bình 10 ngàn tấn/năm. Sản phẩm của công ty đang được xuất khẩu đến hơn 30 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó, các thị trường xuất khẩu chủ lực là: châu Âu, Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc… Đến nay, tổng diện tích đạt chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn của công ty là trên 17 ngàn 300 ha; đồng thời 2 nhà máy chế biến mủ cao su của đơn vị cũng đạt chứng chỉ chuỗi hành trình sản phẩm theo tiêu chuẩn PEFC-CoC.

Lệ Quyên - Ngọc Thảo

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/138256/phat-trien-rung-cao-su-ben-vung-o-cao-su-phu-rieng