Phát triển nghề nuôi cá giống ở Yên Lập

Với địa thế đất nông nghiệp đa phần nằm tại vùng trũng, thay vì gieo cấy, người dân xã Yên Lập (Vĩnh Tường) đã chuyển sang nuôi cá giống. Nhiều năm trở lại đây, diện tích nuôi cá của địa phương không ngừng được mở rộng, sản phẩm xuất đi nhiều nơi trên địa bàn trong và ngoài tỉnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.

Mô hình nuôi cá giống 2ha của gia đình ông Bùi Văn Hòa, thôn Phủ Yên 1, xã Yên Lập cho thu nhập mỗi năm hơn 1 tỷ đồng

Năm vừa qua, trước tác động bởi dịch Covid – 19, giá thức ăn chăn nuôi tăng, thị trường tiêu thụ nông sản có thời điểm bị đứt gãy, ảnh hưởng trực tiếp đến ngành nông nghiệp nói chung và nông dân nói riêng. Đứng trước khó khăn do tác động bởi dịch bệnh, các hộ nuôi cá giống tại xã Yên Lập vẫn có thị trường và thu nhập ổn định nhờ sản xuất theo hướng tập trung, đáp ứng được nhu cầu cả về số lượng và chất lượng của khách hàng.

Với hơn 2 ha diện tích nuôi cá giống, ông Bùi Văn Hòa, thôn Phủ Yên 1, xã Yên Lập cho biết: “Do diện tích đất nông nghiệp chủ yếu nằm tại vùng trũng, thay vì bỏ hoang do ngập úng, tôi thuê lại đất của một số hộ dân khu vực lân cận để nuôi cá giống.

Trung bình mỗi tháng, gia đình tôi xuất khoảng 3 tấn cá giống cung cấp cho thị trường trong tỉnh và một số thương lái tại các tỉnh phía Bắc; nếu không bị ảnh hưởng bởi thời tiết và dịch bệnh, sẽ thu lãi được hơn 1 tỷ đồng/năm.

Năm nay, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, lợi nhuận có giảm, song nhu cầu của thị trường đối với cá giống vẫn ổn định. Tháp Chạp vừa qua, nhiều hộ nuôi cá chép đỏ thắng lớn do giá tăng gấp đôi so với mọi năm. Ngoài các loại mè, trôi, trắm..., gia đình tôi xuất được 1,5 tấn chép đỏ, thu lãi gần 200 triệu đồng”.

Là hộ thoát nghèo nhờ nuôi cá giống, anh Trần Văn Tân, thôn Phủ Yên 2, xã Yên Lập cho biết: Trước kia gia đình làm ruộng, cứ đến mùa mưa phải bỏ 1 nửa diện tích không canh tác vì ngập úng. Nhận thấy nuôi cá giống cho hiệu quả kinh tế cao, anh học hỏi kinh nghiệm đào ao nuôi cá từ các hộ đi trước.

Với hơn 8 sào thả cá giống, mỗi tháng, gia đình anh xuất bán được hơn 3 tạ, thu nhập 1 năm cũng được gần 300 triệu đồng. Các hộ nuôi cá giống quy mô nhỏ ở đây không sợ thiếu đầu ra, bởi với vùng sản xuất cá giống tập trung, thương lái mọi nơi đều tìm đến, giá cả được quy định cụ thể, số lượng cũng có thể gom trong ngày.

Đánh giá hiệu quả phát triển kinh tế từ mô hình nuôi cá giống, ông Nguyễn Văn Tứ, Chủ tịch xã Yên Lập cho biết: “Nghề nuôi cá giống phát triển ở địa phương hơn 10 năm trở lại đây. Từ một số mô hình nhỏ lẻ ban đầu, đến nay, toàn xã có khoảng 300 hộ nuôi cá giống trên tổng diện tích 97 ha. Trung bình mỗi sào nuôi cá, người dân có thể thu nhập từ 4 - 5 triệu đồng/tháng.

Nghề nuôi cá giống là bước ngoặt phát triển kinh tế lớn của xã, từ khắc phục khó khăn trong sản xuất nông nghiệp đến chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp phù hợp với tình hình thực tế. Ngoài góp phần phát triển kinh tế, cải thiện thu nhập, đời sống cho người dân, so với chăn nuôi gia súc, gia cầm, nghề nuôi cá giống còn giúp địa phương tránh được nỗi lo ô nhiễm môi trường”.

Tuy nhiên, mặc dù lượng chất thải chăn nuôi ít, song vài năm trở lại đây, các hộ nuôi cá tại xã Yên Lập lại phải đối mặt với tình trạng khan hiếm và ô nhiễm nguồn nước. Được biết, nguồn nước nuôi trồng thủy sản của xã chủ yếu lấy từ kênh 6A, do Công ty TNHH MTV thủy lợi Liễn Sơn quản lý.

Theo phản ánh của người dân, dòng kênh trong mấy năm trở lại đây bị cản dòng chảy do hệ thống lưới chắn rác quá tải. Ngoài ra, do nằm ở vùng trũng, chất thải từ nơi khác chảy về theo kênh làm nguồn nước bị ô nhiễm, gây bệnh dịch cho cá.

Theo ông Bùi Văn Hòa, thôn Phủ Yên 1, có những năm vào mùa khô, một số hộ nuôi cá vì thiếu nguồn nước, không thể lọc nước trong ao dẫn đến thiệt hại hàng tạ cá giống.

Để nuôi trồng thủy sản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, UBND xã Yên Lập đã đề nghị Công ty TNHH MTV thủy lợi Liễn Sơn hỗ trợ nạo vét dòng kênh, xây dựng trạm bơm nước phục vụ người dân sản xuất nông nghiệp; Chi cục Thủy sản tỉnh có cơ chế hỗ trợ về giống, thức ăn chăn nuôi, áp dụng KHCN vào nuôi trồng thủy sản chất lượng cao.

Đồng thời, nâng cao ý thức của người dân về công tác bảo vệ môi trường, phát triển nuôi trồng thủy sản theo quy mô trang trại, phù hợp với quy hoạch của xã; duy trì diện tích nuôi cá và phát triển dịch vụ thủy sản đáp ứng nhu cầu của thị trường, phát huy hiệu quả vùng nuôi cá giống, góp phần cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân.

Bài, ảnh: Hoàng Sơn

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/73467/phat-trien-nghe-nuoi-ca-giong-o-yen-lap.html