Phát triển liệu pháp virus tiêu diệt tế bào ung thư

Một thử nghiệm lâm sàng gần đây đã bắt đầu đánh giá tính an toàn và khả năng dung nạp của một liệu pháp mới liên quan đến một loại virus có thể tiêu diệt tế bào ung thư ở người.

Liệu pháp mới được gọi là vaxinia, với liều lượng thấp có thể làm giảm kích thước của một loạt ung thư trên mô hình động vật và phòng thí nghiệm.
Liệu pháp mới này có nhiều hứa hẹn do nó nhắm mục tiêu có chọn lọc các tế bào ung thư và khả năng nhắm vào một loạt các bệnh ung thư giai đoạn cuối.

Một thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 gần đây đã sử dụng một liều thuốc chống ung thư thử nghiệm được gọi là CF33-hNIS (hay vaxinia), cho những người tham gia đầu tiên của nghiên cứu.

Liệu pháp mới này liên quan đến việc sử dụng một loại virus có thể lây nhiễm và tiêu diệt tế bào ung thư mà không gây hại cho các mô khỏe mạnh.

Thử nghiệm lâm sàng này do City of Hope, một viện nghiên cứu và điều trị ung thư ở Hoa Kỳ, phối hợp với Imugene, một công ty công nghệ sinh học ở Úc thực hiện, sẽ thử nghiệm liệu pháp này ở bệnh nhân ung thư có khối u rắn tiến triển.

Các nhà khoa học vẫn đang tiếp tục nghiên cứu các phương pháp điều trị ung thư.

Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho thấy vaxinia có thể hiệu quả hơn so với thế hệ virus oncolytic (là một dạng liệu pháp miễn dịch sử dụng virus để lây nhiễm và tiêu diệt các tế bào ung thư) trước đây trong việc giảm kích thước khối u, khiến liệu pháp này trở nên đặc biệt hứa hẹn.

TS Yuman Fong, chủ nhiệm Khoa phẫu thuật tại City of Hope cho biết, tầm quan trọng đặc biệt của CF33/vaxinia là loại virus này được thiết kế để nhắm vào tất cả các loại ung thư. Đây là một trong những loại virus đầu tiên của thế hệ virus điều trị mới, mạnh hơn nhiều so với các loại virus trước đó, và nó có khả năng chọn lọc cao hơn đối với bệnh ung thư trong khi vẫn có thể phục hồi các mô bình thường.

1. Virus oncolytic là gì?

Virus oncolytic bao gồm các virus được tìm thấy trong tự nhiên hoặc được biến đổi gen để lây nhiễm và nhân lên một cách có chọn lọc trong các tế bào khối u.

Khi virus oncolytic tái tạo, chúng có thể phân hủy và tiêu diệt các tế bào khối u bị nhiễm bệnh. Khi các tế bào khối u vỡ ra, chúng giải phóng các protein hoặc kháng nguyên của khối u mà hệ thống miễn dịch nhận ra là ngoại lai. Sau đó, phản ứng miễn dịch chống lại các kháng nguyên này, dẫn đến tế bào khối u chết thêm.

Ngoài ra, hệ thống miễn dịch có khả năng nhận ra các tế bào khối u, tạo ra bộ nhớ chống lại các kháng nguyên khối u, có thể giúp ngăn ngừa ung thư tái phát.

Tế bào ung thư biểu hiện các protein và thụ thể trên bề mặt của chúng khác với các tế bào khỏe mạnh, giúp chúng trốn tránh hệ thống miễn dịch, di căn và ngăn chặn tế bào chết. Virus oncolytic sử dụng các protein và thụ thể đặc hiệu của tế bào ung thư này để nhắm mục tiêu chúng.

Tiến sĩ Fong lưu ý, các protein được nhắm mục tiêu bởi virus oncolytic thường phổ biến cho một loạt các bệnh ung thư, làm cho những virus này trở thành một công cụ linh hoạt.

2. Sử dụng vaxinia nhắm mục tiêu các tế bào khối u điều trị ung thư

CF33-hNIS hay vaxinia được phát triển bởi các nhà nghiên cứu tại City of Hope, là một phiên bản biến đổi gen của của vaccine hoặc virus đậu mùa. Các nhà nghiên cứu đã thiết kế CF33-hNIS để tăng cường khả năng tái tạo của nó trong các tế bào khối u, tạo điều kiện cho một phản ứng miễn dịch lớn chống lại các tế bào khối u của cơ thể.

Ngoài ra, khi virus đã được biến đổi cũng thể hiện một loại protein (được gọi là chất hỗ trợ natri iodua ở người- hNIS), vận chuyển các ion iodua vào tế bào. Do đó, các tế bào khối u bị nhiễm virus biểu hiện hNIS, cho phép hấp thu iốt phóng xạ.

Các kỹ thuật hình ảnh như chụp cắt lớp phát xạ positron (PET) có thể được sử dụng cùng với iốt đánh dấu phóng xạ, làm thuốc nhuộm để giúp theo dõi sự phân bố của virus trong cơ thể và hiệu quả của nó.

Hơn nữa, hNIS cũng có thể giúp nhắm mục tiêu có chọn lọc các tế bào khối u tích tụ iốt phóng xạ bằng phương pháp xạ trị.

Nhiều liệu pháp chữa ung thư tỏ ra khá hứa hẹn

3. Thiết kế thử nghiệm lâm sàng

Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng CF33-hNIS có hiệu quả chống lại tế bào ung thư trên mô hình động vật đối với bệnh ung thư vú, đại trực tràng, tuyến tụy, buồng trứng và ung thư phổi. Trong quá trình thử nghiệm lâm sàng Giai đoạn 1, các nhà nghiên cứu sẽ kiểm tra tính an toàn và khả năng dung nạp của CF33-hNIS ở bệnh nhân ung thư bằng cách tiêm virus trực tiếp vào máu hoặc khối u.

Cụ thể, cuộc thử nghiệm sẽ bao gồm khoảng 100 bệnh nhân ung thư có khối u rắn di căn hoặc tiến triển, những người trước đó đã được điều trị ít nhất hai phương pháp điều trị ung thư tiêu chuẩn.

Sau khi chứng minh thành công sự an toàn của vaxinia, các nhà nghiên cứu cũng dự định thử nghiệm điều trị các tế bào khối u bằng cách sử dụng kết hợp liệu pháp virus này với liệu pháp pembrolizumab (chất ức chế trạm kiểm soát miễn dịch) – một phương pháp điều trị ung thư khác.

Dữ liệu cho thấy, CF33-hNIS làm tăng sự biểu hiện của một protein điểm kiểm soát miễn dịch, có thể cải thiện hiệu quả của các chất ức chế điểm kiểm soát miễn dịch, chẳng hạn như pembrolizumab.

Virus oncolytic đã được chứng minh trên các mô hình động vật là có hiệu quả tương đương với liệu pháp kết hợp với nhiều liệu pháp miễn dịch khác, bao gồm thuốc ức chế điểm kiểm soát và liệu pháp CAR- T. Chúng tôi hy vọng nền tảng CF33 / vaxinia sẽ nhanh chóng chuyển sang thử nghiệm lâm sàng kết hợp với những phương pháp này và trở thành liệu pháp miễn dịch kết hợp hiệu quả trong điều trị ung thư ở người, TS Fong cho biết.

Mời độc giả xem thêm video:

Ngọc Bích

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn//phat-trien-lieu-phap-virus-tieu-diet-te-bao-ung-thu-169220605170248306.htm