Phát triển kinh tế và kinh doanh bền vững trong điều kiện toàn cầu hóa

Hội thảo quốc tế SEDBM6 đã được nghe 1 bài trình bày chính, 11 tham luận ở 3 phòng hội thảo chuyên đề, cùng hơn 60 câu hỏi và các ý kiến trao đổi trực tiếp của các nhà khoa học, chuyên gia trong nước và quốc tế nhận định, đánh giá các chính sách, giải pháp, các vấn đề đương đại, toàn cầu hóa, kinh tế thế giới và khu vực để phát triển kinh tế và kinh doanh bền vững.

Chiều 22/9, tại Hà Nội, Học viện Tài chính phối hợp với Trường Đại học Greenwich (Vương quốc Anh), Viện kinh tế (Học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh), Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới (Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) tổ chức hội thảo quốc tế lần thứ sáu: “Phát triển kinh tế và kinh doanh bền vững trong điều kiện toàn cầu hóa” (SEDBM6). Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động đến mọi lĩnh vực

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Nguyễn Trọng Cơ - Giám đốc Học viện Tài chính cho biết, hội nhập quốc tế là một quá trình phát triển tất yếu, do bản chất xã hội của lao động và quan hệ giữa con người với nhau. Ngày nay, quá trình hội nhập quốc tế đang diễn ra ngày càng nhanh hơn, mạnh hơn dưới sự tác động của nhiều nhân tố, trong đó kinh tế thị trường và cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động sâu sắc đến mọi quốc gia và lĩnh vực đời sống, xã hội là các nhân tố hàng đầu.

PGS.TS Nguyễn Trọng Cơ - Giám đốc Học viện Tài chính phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Đức Việt.

Cùng với đó, thế giới trong giai đoạn vừa qua có nhiều biến động với một loạt thách thức, khó khăn. Trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc diễn ra gay gắt, xu hướng quan hệ quốc tế thay đổi mạnh, kinh tế thế giới suy yếu… tiến trình toàn cầu hóa đang chững lại và có bước điều chỉnh đáng kể.

PGS.TS Nguyễn Trọng Cơ cho biết, hội thảo đã nhận được trên 140 bài viết của các nhà khoa học trong và ngoài nước. Ban tổ chức hội thảo đã lựa chọn ra được 114 bài viết có chất lượng, đáp ứng được các yêu cầu của hội thảo để đăng kỷ yếu. Các bài viết được lựa chọn đăng trong kỷ yếu, đã thể hiện rõ các vấn đề đặt ra phát triển kinh tế và kinh doanh bền vững trong điều kiện toàn cầu hóa.

PGS.TS Nguyễn Trọng Cơ cho rằng, đối với các quốc gia, toàn cầu hóa và khu vực hóa có tác động tích cực là tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế, xã hội; thúc đẩy mở cửa thị trường; thúc đẩy tự do hóa thương mại đầu tư dịch vụ… Tuy nhiên, mặt tiêu cực là toàn cầu hóa, khu vực hóa khiến các quốc gia có nguy cơ suy giảm độc lập, tự chủ về kinh tế, suy giảm về quyền lực quốc gia; các ngành kinh tế trong nước bị cạnh tranh khốc liệt khi mở cửa thị trường nội địa.

Với Việt Nam, việc tham gia tiến trình toàn cầu hóa, khu vực hóa tiếp tục đặt nước ta trước cơ hội phát triển và cả những thách thức kinh tế, đối ngoại, văn hóa, an ninh ngày càng gay gắt hơn. Do đó, nhận diện xu thế toàn cầu hóa có ý nghĩa quan trọng trong hoạch định chiến lược phát triển đất nước. Những năm qua, cùng với nhận thức về toàn cầu hóa, khu vực hóa, Việt Nam từng bước hội nhập quốc tế.

PGS.TS Nguyễn Mạnh Thiều - Phó Giám đốc Học viện Tài chính, trao giải thưởng bài báo xuất sắc nhất cho 2 nhà khoa học thuộc Học viện Tài chính.

Báo cáo chính trị Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định chủ trương nêu trên và nhấn mạnh yêu cầu “đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ kinh tế quốc tế, tránh lệ thuộc vào một thị trường, một đối tác”… và nhấn mạnh mô hình tăng trưởng mới cần tận dụng tốt cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, dựa trên tiến bộ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Việt Nam cũng đã xác định các mục tiêu cụ thể những dấu mốc phát triển quan trọng của đất nước trong các thập niên sắp tới với mục tiêu cao nhất đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Mô hình phát triển bền vững trở thành xu hướng mang tính toàn cầu

Theo Giám đốc Học viện Tài chính, trong mấy thập kỷ qua, kinh tế thế giới phát triển rất mạnh trên phạm vi toàn cầu. Nhiều khu vực, nhiều nước trên thế giới trước đây chậm phát triển nhưng đã đẩy mạnh tiến hành cải tổ để trở thành nền kinh tế hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, trong giai đoạn bùng nổ kinh tế này, nhiều quốc gia chỉ chú trọng phát triển kinh tế chứ chưa thực sự quan tâm đến những hậu quả nó gây ra như vấn đề môi trường, sự bất bình đẳng trong xã hội.

Để khắc phục tình trạng trên, các nhà kinh tế học, các nhà hoạch định chính sách kinh tế đã đề xuất mô hình phát triển bền vững và đến nay mô hình này đã trở thành một xu hướng mang tính toàn cầu. Mỗi quốc gia trong từng thời kỳ phát triển, với những yêu cầu thực tế khác nhau sẽ cần có những mô hình phát triển bền vững khác nhau và luôn được cập nhật bổ sung theo thời gian.

Trong xu thế chung của thế giới, Việt Nam đã xây dựng và bước đầu thực hiện mô hình phát triển bền vững, tận dụng những thời cơ thuận lợi, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức đạt được nhiều thành tựu trong quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Lãnh đạo Học viện Tài chính cùng lãnh đạo các viện, trường và các nhà khoa học, chuyên gia trong và ngoài nước chụp ảnh lưu niệm.

“Tuy nhiên, trong thực tế vẫn có nhiều vấn đề đặt ra cần sớm giải quyết như: kinh tế tăng trưởng nhanh nhưng chủ yếu là thâm dụng các yếu tố vốn có giá trị tăng thấp, trong khi các ngành công nghiệp hiện đại chưa phát triển. Khoảng cách chênh lệch giàu nghèo ngày càng tăng. Môi trường ngày càng ô nhiễm cả ở nông thôn và thành thị… Những vấn đề này ngày càng bộc lộ rõ hơn khi Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới” - PGS.TS Nguyễn Trọng Cơ cho hay.

Tại hội thảo, các nhà khoa học, chuyên gia tập trung thảo luận những vấn đề: kế toán và kiểm toán, quản trị kinh doanh, kinh tế quốc tế, phát triển và kinh doanh bền vững trong thời kỳ mới; các cách tiếp cận về cơ chế, chính sách, nguồn lực và môi trường hỗ trợ kinh doanh, nghiên cứu về tài chính, nguồn nhân lực, chuỗi cung ứng, đổi mới, khởi nghiệp, nghiên cứu và phát triển…

Qua tổng kết, đánh giá các bài nghiên cứu, hội đồng chuyên môn của hội thảo đã chọn và trao giải thưởng cho 5 bài báo xuất sắc nhất. Đây là những bài viết có phương pháp nghiên cứu khoa học và nội dung nghiên cứu có chiều sâu và gợi mở nhiều ý tưởng nghiên cứu trong tương lai.

Đức Việt

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/phat-trien-kinh-te-va-kinh-doanh-ben-vung-trong-dieu-kien-toan-cau-hoa-136349-136349.html