Phát triển kinh tế từ mô hình trồng na VietGAPTin khácĐổi mới giáo dục từ ứng dụng công nghệ thông tinVững vàng trên trận tuyến chống 'giặc lửa'

Sau khi rời quân ngũ, ông Nguyễn Văn Dân (sinh năm 1968), thôn Đồng Ngầu, xã Cai Kinh, huyện Hữu Lũng đã năng động, sáng tạo phát triển kinh tế và có thu nhập cao từ mô hình sản xuất na theo quy trình VietGAP.

Đến tham quan vườn na VietGAP của ông Nguyễn Văn Dân vào những ngày đầu tháng 10/2021, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng với thung lũng na xanh mướt rộng 3 ha đang ra quả gối vụ. Theo lời kể của ông Dân, chúng tôi được biết, ông sinh ra và lớn lên tại Hữu Lũng, năm 1989, ông lên đường nhập ngũ, sau khi hoàn thành nhiệm vụ, năm 1992, ông xuất ngũ trở về địa phương cùng gia đình lao động sản xuất. Từ đó, ông tập trung nghiên cứu và đi nhiều nơi học hỏi các mô hình triển kinh tế. Năm 1998, ông Dân có dịp tham quan mô hình trồng na ở thôn Đồng Ngầu, xã Chi Lăng (huyện Chi Lăng), nhận thấy đây là cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với khí hậu và chất đất ở Hữu Lũng, đến năm 2000, ông đã bàn với gia đình trồng 1.000 cây na.

Ông Nguyễn Văn Dân chăm sóc na gối vụ

Ông Dân cho biết: Thời gian đầu, tôi gặp nhiều khó khăn do chưa có kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc cây. Thấy vậy, tôi đã tự tìm hiểu, theo học kỹ thuật thụ phấn, cách chăm sóc na tại thị xã Đông Triều (tỉnh Quảng Ninh). Nhờ kỹ thuật thụ phấn, cây na cho ra quả đều, ít bị sâu bệnh. Vụ bói quả đầu tiên, gia đình thu được 15 tấn, thu nhập gần 300 triệu. Có vốn, năm 2005, tôi tiếp tục mở rộng thêm 1 ha na.

Trong quá trình mở rộng phát triển mô hình trồng na để tăng thu nhập, ông Dân đã không ngừng tìm tỏi, học hỏi từ thực tế cũng như qua các trang mạng xã hội để áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đặc biệt, năm 2016, ông tham gia mô hình sản xuất na theo quy trình VietGAP trên địa bàn xã. Theo đó, ông đã được cán bộ huyện tập huấn kỹ thuật chăm sóc na VietGAP và được hỗ trợ 5 tấn phân hữu cơ.

Ông Dân cho biết thêm: Sản xuất na theo quy trình VietGAP, tôi tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình kỹ thuật từ cách chăm sóc, bón phân, tưới nước, phòng trừ sâu bệnh hại, thu hái, bảo quản và có sổ ghi chép nhật ký chăm sóc hằng ngày. Nhờ áp dụng theo quy trình VietGAP mà mẫu mã, chất lượng quả na ngày càng đẹp hơn, giá bán cũng cao hơn so với canh tác theo hướng truyền thống. Nếu trung bình 1 cây na đạt 1 triệu đồng/cây/2 vụ thì sau khi áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP cũng đạt 1,2 triệu đồng/cây/2 vụ.

Nhờ sự cần cù và chịu khó, đến nay, ông đã có 3 ha na (tương đương 3.000 gốc na) cho thu hoạch. Trung bình mỗi năm, vụ chính, gia đình ông thu được 30 tấn quả, vụ na gối thu hoạch 7 tấn đến 8 tấn quả, thu nhập đạt từ 700 triệu đến 800 triệu đồng/năm. Mô hình trồng na theo tiêu chuẩn VietGAP của ông Dân tạo việc làm cho 10 lao động thời vụ tại địa phương với thu nhập 250.000 đồng/người/ ngày.

Ông Nguyễn Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội CCB xã Cai Kinh cho biết: Ông Nguyễn Văn Dân là một hội viên rất tích cực, năng động đi đầu trong phát triển kinh tế gia đình. Nhờ sự cần cù, sáng tạo, không ngừng học hỏi, ông đã thành cồng với mô hình sản xuất na theo tiêu chuẩn VietGAP. Không những vậy, ông là người gương mẫu, tích cực thực hiện tốt các nhiệm vụ, phong trào của Hội CCB xã như: đóng góp ngày công lao động trong phong trào cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới, gia đình ông là gia đình văn hóa tiêu biểu tại địa phương.

Với những cố gắng, nỗ lực đó, ông Nguyễn Văn Dân đã nhận được nhiều giấy khen, bằng khen của các cấp. Đặc biệt, tháng 8/2021, ông được Chủ tịch Hội CCB tỉnh Lạng Sơn tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi, giai đoạn 2016 – 2021.

HỒ DUNG

HOÀNG TÙNG

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/nguoi-tot-viec-tot-2/453566-phat-trien-kinh-te-tu-mo-hinh-trong-na-vietgap.html