Phát triển kinh tế tập thể là xu thế tất yếu khách quan

Sáng 19-9, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng DGRV (Tổ chức Liên đoàn Hợp tác xã Raiffeisen CHLB Đức) tổ chức hội thảo quốc tế 'Luật Hợp tác xã năm 2023 và những định hướng chính sách hỗ trợ phát triển khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã'.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung cho biết, phát triển khu vực kinh tế tập thể là chủ trương xuyên suốt và nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Tại Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 đều khẳng định, trong thời gian tới, Việt Nam tiếp tục phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó: “Kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác không ngừng được củng cố, phát triển”.

Gần đây nhất, ngày 16-6-2022, tại Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả của khu vực kinh tế tập thể trong giai đoạn mới, khẳng định kinh tế tập thể là một thành phần kinh tế quan trọng cùng với kinh tế nhà nước ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân; phát triển kinh tế tập thể là xu thế tất yếu khách quan, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị.

Thứ trưởng Đỗ Thành Trung phát biểu tại hội thảo.

Thứ trưởng Đỗ Thành Trung phát biểu tại hội thảo.

Thông tin tại hội thảo cho biết, nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế và đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của sự phát triển, ngày 20-6-2023, tại Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Hợp tác xã số 17/2023/QH15 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2024 thay thế Luật Hợp tác xã số 23/2012/QH13.

Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao chủ trì xây dựng 3 trong số 4 văn bản hướng dẫn thi hành Luật Hợp tác xã năm 2023, trong đó có Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hợp tác xã về các nội dung cơ bản liên quan trực tiếp đến các chính sách hỗ trợ cho các tổ chức kinh tế tập thể.

Chia sẻ tại hội thảo, các ý kiến cho biết, trong bối cảnh mới, phong trào hợp tác xã vẫn còn phải đối mặt với rất nhiều thách thức, từ sự phát triển bùng nổ của cách mạng công nghiệp lần thứ tư; từ áp lực cạnh tranh ngày càng khốc liệt trong nền kinh tế thị trường; biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp; quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa diễn ra với tốc độ rất nhanh trên khắp cả nước; hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng… Các thách thức này đặt ra yêu cầu, đòi hỏi bức thiết đối với khu vực kinh tế tập thể để thay đổi, phát huy các lợi thế liên kết, cùng nhau hợp tác lại của mỗi thành viên theo mô hình hợp tác xã, qua đó tăng quy mô, mở rộng và nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh, phát triển bền vững trong giai đoạn tới.

Quang cảnh hội thảo.

Quang cảnh hội thảo.

Dựa trên kinh nghiệm phát triển của khu vực hợp tác xã Đức, có thể nói rằng việc hỗ trợ hợp tác xã ở giai đoạn đầu mới thành lập đóng vai trò tương đối quan trọng để cho các hợp tác xã phát triển. Việc tạo ra khuôn khổ pháp lý phù hợp để hợp tác xã có thể tiếp cận tín dụng cũng có thể coi là biện pháp hỗ trợ quan trọng cho hợp tác xã.

Tin, ảnh: VŨ DUNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/phat-trien-kinh-te-tap-the-la-xu-the-tat-yeu-khach-quan-743350