Phát triển hydro Xanh: Mở cơ hội để doanh nghiệp xuất khẩu chứng chỉ carbon

Theo đại diện The Green Solutions, Việt Nam có nắng, gió, nước biển - 3 nguyên liệu chủ yếu để sản xuất hydro Xanh, đây là điều kiện giúp Việt Nam trở thành trung tâm phát triển Xanh của châu Á.

Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển điện gió. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Chiến lược năng lượng hydrogen được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã mở ra không gian phát triển mới cho ngành năng lượng Việt Nam theo hướng Xanh, sạch và bền vững, phù hợp với các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước cũng như xu thế phát triển chung của thế giới.

Mục tiêu đặt ra trong Chiến lược năng lượng hdrogen là phát triển hệ sinh thái năng lượng hydrogen của Việt Nam dựa trên năng lượng tái tạo, bao gồm sản xuất, lưu trữ, vận chuyển, phân phối, sử dụng trong nước và xuất khẩu với hạ tầng đồng bộ, hiện đại để góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, thực hiện mục tiêu quốc gia về biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh và mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 theo lộ trình và cam kết của Việt Nam trong chuyển đổi năng lượng bền vững, công bằng, công lý.

Trao đổi với phóng viên, bà Huỳnh Thị Kim Quyên, Tổng Giám đốc Tập đoàn The Green Solutions (Chủ đầu tư dự án Nhà máy sản xuất Hydro xanh Trà Vinh) cho rằng, khi nhu cầu của những tập đoàn công nghiệp nặng cần phải mua chứng chỉ carbon, việc phát triển nguồn năng lượng Xanh sẽ là một cơ hội vàng cho doanh nghiệp để thúc đẩy lĩnh vực này.

- Thưa bà, Việt Nam có những lợi thế gì để phát triển hydro Xanh?

Bà Huỳnh Thị Kim Quyên: Việt Nam có hơn 3.000 km bờ biển, là một lợi thế rất lớn để phát triển năng lượng tái tạo Việt Nam. Vì vậy, tại sao chúng ta có thể tự tin về việc trở thành trung tâm phát triển Xanh của châu Á, bởi Việt Nam có nắng có gió và có nước biển (đó là 3 nguyên liệu chủ yếu để sản xuất hydro Xanh) và Việt Nam hội tụ đầy đủ 3 yếu tố đó để sản xuất ra một nguồn hydro Xanh bền vững.

- Bà vừa nhấn mạnh đến những lợi thế để Việt Nam trở thành Trung tâm hydro Xanh của châu Á, vậy bà có thể làm rõ hơn về nhận định này?

Bà Huỳnh Thị Kim Quyên: Thực ra thì đây là một câu hỏi khá lớn mà Chính phủ, Bộ Công Thương và các bộ, ngành cũng nhận ra đây là một cơ hội lớn của Việt Nam mà không phải nhiều nước khác trên thế giới có điều kiện này.

Ví dụ, ở châu Âu thì nhiều tiềm năng về gió nhưng lại thiếu nắng, còn ở Trung Đông, dù có nắng nhưng lại không có đủ gió, nhưng riêng Việt Nam có nắng có gió và có cả nước biển, đó chính là nguồn nguyên liệu vô tận và không có chi phí để tạo ra nhiên liệu mới đó là hydro Xanh và trong tương lại hydro Xanh sẽ trở thành nguồn nhiên liệu cho nhân loại chứ không riêng của một đất nước nào.

Đây là một cơ hội khá lớn, song để chuyển cơ hội thành hiện thực thì cần một sự cam kết mạnh mẽ của Chính phủ, các bộ, ban, ngành thống nhất đưa ra một tiêu chuẩn, chính sách ủng hộ để phát triển hydro Xanh.

- Từ việc sản xuất hydro Xanh, theo bà các doanh nghiệp của Việt Nam sẽ tận dụng các cơ hội như thế nào về chứng chỉ carbon mà nhiều nước trên thế giới đang triển khai, áp dụng?

Bà Huỳnh Thị Kim Quyên: Giá trị lớn nhất của sản xuất hydro Xanh này không nằm ở việc nhà đầu tư hoặc một tổ chức tài chính họ đưa vào bao nhiêu và họ mong muốn lấy ra bao nhiêu như những dự án đầu tư tiêu chuẩn khác mà trong xu hướng chống biến đổi khí hậu toàn cầu, việc chứng chỉ carbon sẽ trở thành giá trị không thể kiểm đếm được của dự án, đó chính là một bảo trợ chắc chắn và bền vững cho tính khả thi của dự án.

Do đó, chứng chỉ carbon sắp tới từ năm 2027-2028, kể cả Việt Nam và các nước khác cũng đã tiến hành thực hiện chính sách này, làm sao để áp dụng rộng rãi với chứng chỉ carbon, đặc biệt là những tập đoàn công nghệ nặng, như hóa chất, thép… đều phải phải thực hiện việc hoặc là đóng thuế tác động môi trường hoặc là phải mua chứng chỉ carbon.

Bà Huỳnh Thị Kim Quyên, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần TGS Trà Vinh Green Hydrogen. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ước tính, mỗi một tấn amoniac đơn vị sản xuất ra thì đã giảm thải được một tấn CO2 và một tấn CO2 tương ứng một chứng chỉ carbon. Nếu so sánh hiện tại ở châu Âu, chứng chỉ carbon Xanh đang có giá trị khoảng 75-85 Euro thì trong những năm sắp tới khi nhu cầu của những tập đoàn công nghiệp nặng cần phải mua chứng chỉ carbon, đây là một cơ hội vàng cho doanh nghiệp.

- Là một đơn vị tiên phong đầu tư hydro Xanh, theo bà cần phải chuẩn bị công nghệ, thiết bị và con người như thế nào để triển khai thành công dự án này.

Bà Huỳnh Thị Kim Quyên: Tập đoàn Green Resolutions trước khi khởi động dự án đã có 2 năm để nghiên cứu về hydro Xanh và trong suốt 2 năm đó tập đoàn đã tham khảo rất nhiều công nghệ trên thế giới.

Hiện công nghệ ứng dụng phổ biến nhất để sản xuất hydro Xanh trên thế giới đó là công nghệ điện phân kiềm, doanh nghiệp đã liên kết cũng như làm việc rất chặt chẽ với các nhà cung cấp công nghệ điện phân hàng đầu trên thế giới của Đức, Bỉ và Đan Mạch... từ đó nghiên cứu và chọn lựa ra một công nghệ phù hợp để đưa về sản xuất và áp dụng trong nhà máy hydro Xanh Trà Vinh. Trong quá trình đó, song song với những cơ hội thì còn có cả những thử thách, trong đó là chính sách, tiêu chuẩn rồi con người, công nghệ…

Mặc dù công nghệ hiện tại có sẵn nhưng vẫn còn giá rất cao. Đó là hành trình mà cần sự đồng lòng để có thể đưa giá thành đó xuống một cách phù hợp trong quá trình sản xuất, từ đó có thể lan tỏa và chuyển thành một nền công nghiệp bền vững và phát triển hydro Xanh.

Con người, đây là một trình duyệt mới cho nên, không có nhiều người có kinh nghiệm, song như Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nói, cần có sự ủng hộ, hợp tác giữa các cơ quan, ban, ngành ở nước ngoài như: GIZ, USAID để hợp tác, kiến tạo ra một thế hệ mới về tri thức về hydro Xanh trong ngành này.

- Với dự án hydro Xanh tại Trà Vinh mà phía tập đoàn đầu tư, theo bà doanh nghiệp cần hỗ trợ như thế nào về mặt thủ tục đầu tư, nguồn vốn?

Bà Huỳnh Thị Kim Quyên: Hiện khuynh hướng mọi người đều nói đến chữ Xanh, nền kinh tế Xanh, giao thông Xanh, nhiên liệu Xanh, song song đó cũng là tài chính Xanh. Hiện tại, tất cả các ngân hàng đứng đầu trên thế giới và những quỹ tài chính đều nói về tài chính Xanh, thì dự án sản xuất hydro Xanh Trà Vinh là một cơ hội rất lớn để có thể thu hút các nguồn tài chính Xanh.

Trà Vinh khởi công xây dựng Nhà máy sản xuất hydro xanh đầu tiên tại Việt Nam. (Ảnh: TTXVN)

Thực tế, rất nhiều ngân hàng lớn đã tiếp cận dự án và họ sẵn sàng tài trợ cho dự án hydro Xanh Trà Vinh, đây là một cơ hội rất lớn, để trong con đường chuyển hóa về mức thải ròng bằng 0 thì nhiên liệu Xanh đi cùng với tài chính Xanh trong hành trình chuyển biến đến một nền kinh tế Xanh, đó là một việc rất lớn.

Hiện tại, các hạng mục xây dựng cơ bản nhà máy hydro Xanh Trà Vinh đã được cấp phép, trong năm 2014 sẽ khởi động xây dựng nhà máy chính thức và các bước về kỹ thuật chuyên môn đang được triển khai rất gấp rút để trong quý 3/2024 sẽ triển khai chính thức nhà máy. Theo lộ trình, cuối năm 2026 sẽ hoàn thành xây dựng nhà máy và đầu năm 2027 sẽ có sản phẩm đầu tiên.

- Xin cảm ơn bà./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/phat-trien-hydro-xanh-mo-co-hoi-de-doanh-nghiep-xuat-khau-chung-chi-carbon-post929041.vnp