Phát triển gỗ nguyên liệu

Năm 2016, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của cả nước đạt gần 7,2 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay, mở ra triển vọng mới cho ngành gỗ. Tuy nhiên, để kim ngạch xuất khẩu gỗ đạt mục tiêu 10 tỷ USD vào năm 2020 thì nguồn cung gỗ nguyên liệu sẽ cần thêm khoảng 5 triệu m3/năm. Đây là thách thức lớn, đáp ứng tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu và tiêu dùng trong nước…

XÂY DỰNG NỀN NÔNG NGHIỆP THEO HƯỚNG SẢN XUẤT HÀNG HÓA LỚN

Sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ truyền thống tại làng nghề Đồng Kỵ, thị xã Từ Sơn (Bắc Ninh).

Sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ truyền thống tại làng nghề Đồng Kỵ, thị xã Từ Sơn (Bắc Ninh).

Thiếu gỗ nguyên liệu

Trao đổi với chúng tôi, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam Nguyễn Tôn Quyền cho biết, hiện nay, ngành chế biến gỗ Việt Nam cần từ 22 đến 24 triệu m3 gỗ quy tròn/năm. Trong khi đó, riêng nhu cầu tiêu dùng gỗ nội địa cũng cần bình quân bảy triệu m3/năm. Như vậy, nếu tính đủ thì tổng nhu cầu nguyên liệu gỗ từ nay đến năm 2020 cần khoảng 31 triệu m3/năm, để sản xuất các sản phẩm gỗ xuất khẩu và tiêu dùng nội địa.

Hiện đối với gỗ rừng trồng trong nước đang cung cấp được khoảng 17 triệu m3 gỗ quy tròn/năm, đối với gỗ cao-su cung cấp được 3,3 triệu m3/năm, đối với gỗ từ vườn nhà, cây phân tán cung cấp được 3,3 triệu m3/năm. Tuy nhiên, gỗ rừng trồng đủ điều kiện làm nguyên liệu cho chế biến sản phẩm đồ gỗ, nhất là đồ gỗ xuất khẩu cũng còn nhiều hạn chế, như đường kính nhỏ, gỗ nhiều mắt... Mặt khác, mới có khoảng 200.000 ha gỗ rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC, chiếm 8% diện tích rừng sản xuất của cả nước. Trong khi yêu cầu các năm tới phải có 100% gỗ có chứng chỉ FSC, và đặc biệt vấn đề nguồn gốc xuất xứ gỗ hợp pháp sẽ là một trở ngại lớn đối với các doanh nghiệp gỗ. Ngay cả việc Việt Nam hiện nay mua gỗ từ hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, để tìm nhà cung cấp gỗ có nguồn gốc hợp pháp cũng gặp nhiều khó khăn, nhất là nguồn gỗ nhập khẩu từ các thị trường truyền thống. Như Trung Quốc đã ban hành chính sách cấm một số công ty lâm nghiệp thuộc nhà nước quản lý khai thác gỗ thương mại. Do vậy, không những Việt Nam không nhập khẩu được gỗ nguyên liệu từ Trung Quốc mà các doanh nghiệp nước này còn có thể "chiếm bớt" nguồn cung gỗ của Việt Nam. Tại thị trường Lào, sau khi Chính phủ nước này ban hành quyết định về cấm khai thác và xuất khẩu gỗ, một số loại gỗ và sản phẩm gỗ đã bị cấm xuất khẩu, bao gồm gỗ cột nhà; tủ, bàn, ghế làm từ gỗ tự nhiên một mặt liền có kích thước lớn (dày hơn 5 cm, rộng hơn 30 cm, dài hơn 50 cm); gỗ rừng trồng có độ dày hơn 12 cm; gỗ lát nền, gỗ làm khung xẻ, gỗ tiêu, trụ,… Đây đều là những mặt hàng các doanh nghiệp gỗ trong nước cần sử dụng. Mi-an-ma cũng đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu gỗ tròn (có hiệu lực từ tháng 4-2014)...

Để bù đắp nguồn nguyên liệu gỗ thiếu hụt nhiều doanh nghiệp đã phải sử dụng cả gỗ lậu, không rõ nguồn gốc, vô tình đã khuyến khích các hoạt động vận chuyển, khai thác, kinh doanh gỗ bất hợp pháp. Theo báo cáo của Cục Kiểm lâm, năm 2016, các cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý 890 vụ vi phạm về quản lý cơ sở chế biến gỗ, tăng 359 vụ so với cùng kỳ năm 2015 (tương đương 40,3%), với các hành vi như: làm hồ sơ giả để mua bán lâm sản trái pháp luật; sử dụng hồ sơ lâm sản để hợp thức hóa việc mua, bán, kinh doanh lâm sản không có nguồn gốc hợp pháp; sử dụng hồ sơ quay vòng nhiều lần; lợi dụng quy định về phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ để vận chuyển gỗ trái pháp luật.

Cơ cấu lại rừng trồng

Để giải bài toán thiếu nguyên liệu gỗ ngành lâm nghiệp cần tập trung phát triển nhanh, hiệu quả việc trồng rừng sản xuất, trong đó khắc phục tốt việc trồng rừng thay thế do việc chuyển đất rừng sang phục vụ mục đích kinh tế khác. Các doanh nghiệp trong nước cần tiếp cận, ký hợp đồng với các nước có năng lực xuất khẩu gỗ ổn định, xác định chiến lược sản xuất, kinh doanh các sản phẩm gỗ phù hợp với thị trường. Về lâu dài, Chính phủ cần điều chỉnh cơ cấu rừng trồng phù hợp, ổn định khoảng 3,8 triệu ha rừng trồng sản xuất vào năm 2020, nâng cao chất lượng rừng để đạt sản lượng gỗ thương phẩm bằng 80% trữ lượng, trong đó có 40% là gỗ lớn. Xây dựng các vùng nguyên liệu gỗ tập trung ở vùng Đông Bắc, Bắc Trung Bộ và duyên hải Nam Trung Bộ để cung cấp nguyên liệu gỗ nhỏ cho các khu vực gần nhà máy và cung cấp nguyên liệu gỗ lớn cho ngành công nghiệp chế biến gỗ tại địa phương và khu vực lân cận. Bên cạnh đó, cần đầu tư giải pháp công nghệ để nghiên cứu, tuyển chọn các giống cây cho năng suất cao, chất lượng tốt, có đặc tính phù hợp với sản xuất công nghiệp, đáp ứng nhu cầu sử dụng nguyên liệu trong nước và xuất khẩu. Nhà nước cũng cần kiểm soát một cách chặt chẽ nguồn gỗ chuyển từ công ty mẹ ở nước ngoài vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam, nhằm ngăn ngừa việc trốn thuế và lẩn tránh xuất xứ. Cần tạo điều kiện cho các tổ chức kinh tế tham gia trồng rừng vay vốn dài hạn để duy trì rừng trồng hơn 10 năm tuổi nhằm đạt hiệu quả kinh tế cao hơn. Khuyến khích đầu tư các nhà máy sản xuất ván nhân tạo tại các trung tâm rừng trồng và tận dụng nguồn phế liệu để làm ván nhân tạo, viên nén. Dăm gỗ còn lại sau khi cung cấp cho các nhà máy sản xuất tại chỗ sẽ xuất khẩu. Đồng thời, khuyến cáo các doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam nên tập trung phát triển sản phẩm có ưu thế cạnh tranh cao như đồ gỗ nội thất, đồ gỗ ngoài trời, đồ mộc mỹ nghệ, sản phẩm mây tre và xây dựng hệ thống phân phối sản phẩm có hiệu quả đối với cả thị trường trong và ngoài nước...

Trong khi nguồn nguyên liệu gỗ cho các doanh nghiệp chế biến gỗ trong nước còn thiếu, đề nghị Chính phủ xem xét cấm xuất khẩu gỗ tròn, gỗ hộp, gỗ xẻ thô... Đồng thời, đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét giảm mức thuế xuất khẩu đối với một số mặt hàng gỗ xuất khẩu của các doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp gỗ.

Bài và ảnh: Vũ Thành

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/item/32437402-phat-trien-go-nguyen-lieu.html