Phát triển đường sắt đô thị gắn với quy hoạch chung TP.HCM

Cần cập nhật hướng tuyến đường sắt đô thị vào 'Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM' và 'Quy hoạch chung TP. Thủ Đức đến năm 2040' nhằm đảm bảo tính khả thi khi thực hiện quy hoạch…

Ảnh minh họa.

Tại cuộc họp nghe báo cáo về “Đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị TP.HCM theo Kết luận số 49-KL/TW của Bộ Chính trị (Kết luận 49)”, do UBND TP.HCM tổ chức ngày 09/5/2024, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông và Vận tải TP.HCM, cho biết đến nay sở đã cơ bản hoàn thiện đề án theo đề cương yêu cầu của Bộ Giao thông và Vận tải.

Theo Kết luận 49 (về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045), đề án xác định đến năm 2030, TP.HCM sẽ hoàn thành 31 km đường sắt đô thị, bao gồm: tuyến đường sắt đô thị số 1 (đoạn Bến Thành – Suối Tiên), tuyến đường sắt đô thị số 2 (đoạn Bến Thành - Tham Lương), 24 nhà ga và 2 depot.

Đến năm 2035, hoàn thành khoảng 183 km đường sắt đô thị; số lượng nhà ga là 148 ga.

Đến năm 2045, hoàn thành thêm 168,36 km (hoàn thiện 7 tuyến từ tuyến 1 đên tuyến 7), nâng tổng chiều dài đường sắt đô thị lên 351,08 km.

Đến năm 2060, hoàn thành các tuyến đường sắt đô thị số 8, số 9, số 10, nâng tổng chiều dài đường sắt đô thị lên khoảng 510,02 km.

Dự kiến tổng mức đầu tư khoảng 34,39 tỷ USD.

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM: "Đề án cần cập nhật đồng bộ các quy hoạch chung, quy hoạch TP.HCM; đưa TOD vào đề án này..." - Ảnh: NP

Sở Giao thông và Vận tải TP.HCM kiến nghị cần cập nhật hướng tuyến trong đề án vào “Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM” và “Quy hoạch chung TP. Thủ Đức đến năm 2040” nhằm đảm bảo tính khả thi khi thực hiện quy hoạch.

Đồng thời, sở này cũng kiến nghị sớm có kế hoạch đầu tư, nhu cầu phân bổ vốn (giai đoạn và hàng năm) để đề xuất phương án huy động nguồn vốn; đề xuất bổ sung và hoàn thiện các cơ chế, chính sách đảm bảo quá trình triển khai dự án đường sắt đô thị thuận lợi, đáp ứng mục tiêu yêu cầu của Bộ Chính trị.

Xác định các vị trí, khu đất có thể phát triển TOD xung quanh các nhà ga; sớm rà soát chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo phương án đầu tư đề xuất để cập nhật vào đề án…

Trên cơ sở xây dựng đề án, Sở Giao thông và Vận tải cũng đề xuất phân kỳ theo các nguyên tắc: ưu tiên các tuyến đường sắt phù hợp với phát triển TP.HCM, kết nối với các tuyến giao thông lớn như nhà ga, sân bay; tập trung nguồn lực ưu tiên đường sắt tại các khu trung tâm nhằm giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông nghiêm trọng; đầu tư đường sắt gắn với quá trình tiếp nhận chuyển giao công nghệ, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, kế thừa…

Tại cuộc họp, các chuyên gia cũng đề nghị phải xây dựng rõ mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng TOD. Cần làm rõ hình thức đầu tư, phương án nguồn vốn, huy động nguồn vốn và các cơ chế đột phá mới, chính sách đặc thù mới, cơ chế nào ngoài Nghị quyết 98 thì nên đề xuất cụ thể.

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, cho rằng đề án đường sắt đô thị là nội dung cụ thể hóa Kết luận 49, cũng là công cụ quan trọng để thành phố tái cấu trúc đô thị. Tức là phát triển mô hình đô thị theo hướng đa trung tâm, phân bố lại dân cư, phân bố lại các hoạt động kinh tế xã hội phù hợp với đô thị lớn.

Do đó, ông Mãi nêu một số nhiệm vụ tại cuộc họp: Đề án cần cập nhật đồng bộ các quy hoạch chung, quy hoạch TP.HCM; đưa TOD vào đề án này, không đặt vấn đề tăng tỷ lệ điều tiết, không xin ngân sách, mà xin cơ chế để tự cân đối ngân sách thành phố.

Sở Giao thông và Vận Tải tổng hợp trình báo cáo đề án cho Bộ Giao thông và Vận Tải chậm nhất đến ngày 15/5/2024. Sau đó, Sở Giao thông và Vận Tải tiếp tục rà soát, có mốc thời gian đề xuất để sớm trình cho thường trực, báo cáo Thường vụ, Ban Chấp hành, để kịp trình tại cuộc họp HĐND vào tháng 6/2024.

Để thực hiện được mục tiêu đến năm 2035, hoàn thành 183 km metro, TP.HCM sẽ kiến nghị Chính phủ, Quốc hội có nghị định, nghị quyết với tinh thần áp dụng những cơ chế mới, phân quyền, phân cấp để thành phố thực hiện.

"Các sở ngành, theo nội dung có liên quan, nghiên cứu kỹ góp ý bằng văn bản. Sở Tài nguyên và Môi trường có văn bản cụ thể các phương án giải phóng mặt bằng, thu hồi đất khi có quy hoạch… Sở Tài chính nêu ra vấn đề nguồn vốn dòng tiền cơ chế thanh toán để các cơ quan cùng nghiên cứu”, ông Mãi đề nghị.

Ban Mai

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/phat-trien-duong-sat-do-thi-gan-voi-quy-hoach-chung-tp-hcm.htm