Phát triển du lịch trở thành mũi nhọn, có thương hiệu

Nền văn hóa Mường đặc sắc, nhiều cảnh quan còn hoang sơ, hấp dẫn là nguồn tài nguyên quý giá để huyện Lạc Sơn phát triển du lịch. Ngày 27/7/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/HU với mục tiêu góp phần phát triển KT-XH, đưa du lịch trở thành mũi nhọn, có thương hiệu.

Your browser does not support the audio element.

Di tích đình Khói, xã Ân Nghĩa (Lạc Sơn) được đầu tư xây dựng nhằm bảo tồn các giá trị văn hóa, gắn với phát triển du lịch.

Địa hình hiểm trở, đồi núi cao là điều kiện thích hợp để các xã vùng cao của huyện như Miền Đồi, Quý Hòa, Ngọc Lâu, Ngọc Sơn, Tự Do phát triển du lịch khám phá, thể tham mạo hiểm. Vùng này thường có độ cao từ 500 m - 700 m so với mặt nước biển, có điểm độ cao trên 1.000 m như đỉnh Cốt Ca, xã Quý Hòa với khí hậu ôn hòa, lý tưởng để phát triển du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái. Huyện còn có các địa điểm nổi tiếng, như: thác Mu, Đồi Thung, Miền Đồi. Những tiềm năng khác có thể kể đến hồ Cánh Tạng - hồ trên núi với diện tích mặt hồ khoảng 600 ha, mó nước khoáng ở xã Quý Hòa, độ che phủ rừng của huyện cao (53%).

Bên cạnh nguồn tài nguyên thiên nhiên, Lạc Sơn còn là miền đất lịch sử, văn hóa với trên 91% dân số là người Mường, gắn với những địa danh nổi tiếng như: Mường Vang, Mường Vó, Mường Khói… Nhiều bản Mường còn giữ nét văn hóa đặc trưng. Trên địa bàn có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng tiêu biểu như: Chiến khu Mường Khói - xã Ân Nghĩa, đình Khênh - xã Văn Sơn, đình Cổi - xã Vũ Bình, đình Băng - xã Ngọc Lâu, di tích hạt thóc ngàn năm (hang Đá Trại - xã Tân Lập)… Cùng với đó là văn hóa ẩm thực Mường đặc trưng, các nông sản nổi tiếng, như: Gà Lạc Sơn, vịt cổ xanh, ớt Phú Lương, măng chua xã Quý Hòa, hạt dổi xã Chí Đạo…

Đồng chí Bùi Văn Kía, Phó Bí thư TT Huyện ủy nhận định: Do chưa được nhận thức, đánh giá đầy đủ; thiếu nguồn lực đầu tư; cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông còn hạn chế nên du lịch của địa phương chưa khai thác được tiềm năng. Để phát huy thế mạnh du lịch, tạo việc làm, thu nhập cho người dân, doanh nghiệp và thu ngân sách cho Nhà nước, huyện tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp lớn. Bao gồm, khảo sát, nghiên cứu lập danh mục các địa điểm, khu vực có tài nguyên, tiềm năng, quy hoạch thành các tuyến, điểm du lịch làm cơ sở quy hoạch chi tiết, đầu tư hạ tầng, kêu gọi thu hút đầu tư. Huy động, lồng ghép các nguồn vốn đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng phát triển KT-XH gắn với du lịch. Đẩy mạnh thu hút đầu tư, đặc biệt kêu gọi các nhà đầu tư chiến lược vào các điểm du lịch trọng điểm vùng cao, khu vực hồ Cánh Tạng. Xây dựng không gian văn hóa Mường và đề án thực hiện bảo tồn một số bản làng nguyên bản của người Mường. Bảo tồn, tôn tạo, nâng cấp các di tích lịch sử, văn hóa. Xây dựng đề án hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng dưới các hình thức như làng, bản Mường, homestay. Tạo điều kiện phát triển nông nghiệp công nghệ cao, phát triển, bảo tồn tài nguyên rừng để hấp dẫn du khách. Tăng cường xúc tiến quảng bá du lịch.

Huyện xác định phát triển du lịch gắn liền với gìn giữ, phát huy các giá trị tài nguyên, bản sắc văn hóa, lịch sử dân tộc. Phấn đấu đến năm 2025, các điểm du lịch Đồi Thung - xã Quý Hòa, thác Mu - xã Tự Do, bãi Bùi - xã Ngọc Lâu, không gian văn hóa Mường xã Yên Phú được đưa vào khai thác. Du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch gắn với nông nghiệp công nghệ cao bắt đầu có bước phát triển. Đến năm 2030 đưa vào khai thác các điểm du lịch hồ Cánh Tạng (Yên Phú, Văn Nghĩa, Bình Hẻm), thảo nguyên xanh xã Miền Đồi. Hình thành, phát triển các tuyến, điểm du lịch hoàn chỉnh và du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch gắn với nông nghiệp công nghệ cao phát triển mạnh.

Bùi Minh

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/276/164174/phat-trien-du-lich-tro-thanh-mui-nhon,-co-thuong-hieu.htm