Phát triển Doanh nghiệp nhỏ và vừa: Liên kết để tạo sức mạnh

Với khoảng 62.000 hội viên là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) khắp 63 tỉnh, thành trên cả nước, Hiệp hội DNNVV Việt Nam (Vinasme) góp phần không nhỏ vào sự phát triển chung của nền kinh tế đất nước.

DNNVV chiếm khoảng 62% tổng số lao động cả nước. (Ảnh minh họa)

Ngày 3/12/2016 tới đây, Vinasme sẽ tổ chức hội nghị báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ 2011 - 2015 và phương hướng hoạt động nhiệm kỳ 2016 - 2021. PV đã có cuộc trao đổi với ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Vinasme về vai trò cũng như định hướng phát triển Hiệp hội này trong thời gian tới.

Đóng góp hơn 43% GDP

Ông đánh giá thế nào về vai trò của DNNVV trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước?

- Hội viên của Vinasme có mặt ở khắp các tỉnh, thành trên cả nước, với 62.000 hội viên trực tiếp là các DN đại diện cho nửa triệu DNNVV trong cả nước; là hiệp hội có số lượng hội viên đông nhất. Theo số liệu báo cáo, trong số các DN đăng ký kinh doanh, có đến khoảng 97% là DNNVV. Thống kê của Tổng cục Thống kê cho thấy vai trò của DNNVV với nền kinh tế là rất lớn, đóng góp 43,2% GDP; 31% giá trị xuất khẩu, 29% các khoản nộp ngân sách, tạo việc làm cho khoảng 62% tổng số lao động cả nước...

Đây được coi là thành tích xuất sắc, bởi đặt trong bối cảnh có nhiều tổ chức xã hội được thành lập nhưng rất khó phát triển và hoạt động rất khó khăn, nhiều tổ chức hoạt động mang tính hình thức, thậm chí vi phạm pháp luật thì Hiệp hội DNNVV Việt Nam không ngừng lớn mạnh, đóng góp lớn cho sự phát triển chung của đất nước. Điều đó chứng tỏ vai trò, uy tín của Hiệp hội ngày càng cao.

Theo ông thì các DNNVV phải làm gì để sản phẩm tăng sức cạnh tranh với các sản phẩm tương tự của DN lớn trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng?

- DN lớn mạnh về tài chính, sản phẩm của họ đã quá quen thuộc với người tiêu dùng. Trong khi đó, cái thiệt của DNNVV là sản phẩm của họ chưa được nhiều người tiêu dùng biết đến, chưa có chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Do đó, để các sản phẩm này cạnh tranh với các sản phẩm tương tự của DN lớn là khó khăn.

Chúng tôi luôn khuyến khích các DNNVV đi theo hướng riêng bằng cách tiếp cận những thị trường mà DN lớn chưa thể tiếp cận, như ở các vùng nông thôn hay phát triển các sản phẩm đặc thù mang tính sáng tạo cao, cung cấp cho từng nhóm đối tượng người tiêu dùng. Ngoài ra còn phải tăng cường liên kết giữa các DNNVV để tạo thêm sức mạnh. Đặc biệt, các DN phải nâng cao chất lượng sản phẩm, giá cả hợp lý để trực tiếp tăng sức cạnh tranh với các sản phẩm của DN lớn. Cạnh tranh sản phẩm tuân theo quy luật thị trường, do đó các DN phải luôn tự đổi mới, sáng tạo để tồn tại và phát triển.

Ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Vinasme

Hỗ trợ doanh nghiệp một cách tối đa

Một trong những khó khăn của DNNVV là việc thiếu vốn để mở rộng sản xuất. Vậy làm thế nào để các DN này có thể tiếp cận vốn vay một cách hiệu quả?

- Với vai trò là hiệp hội cùng chung gánh vác và chia sẻ khó khăn với các DN thành viên, chúng tôi giúp các DN tiếp cận những nguồn vốn ưu đãi, giúp cải cách TTHC, có những phương án điều chỉnh hợp lý để DN tiếp cận nguồn vốn một cách thuận lợi và nhanh chóng nhất.

Thời gian qua được sự quan tâm của Chính phủ, nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách hỗ trợ DNNVV tiếp cận vốn tín dụng bước đầu đã có những kết quả tích cực. Điển hình là lạm phát được kiềm chế, lãi suất cho vay liên tục được điều chỉnh giảm. Tuy nhiên, lãi suất cho vay vẫn còn cao, thủ tục vẫn phức tạp, nhất là những vấn đề liên quan đến tài sản thế chấp; vấn đề xử lý nợ xấu...

Việc tiếp cận nguồn vốn khác như Ngân hàng Chính sách xã hội, quỹ bình ổn giá... cũng gặp khó khăn. Sơ bộ thống kê năm 2015 cho thấy, chỉ có 48,65% số DN có khả năng tiếp cận, 30,43% số DN khó tiếp cận và 20,92% số DN không tiếp cận được.

Ngoài vấn đề vốn, các DNNVV còn khó khăn trong việc tiếp cận thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu; khó khăn do thiếu mặt bằng sản xuất; công nghệ kỹ thuật lạc hậu... Hiệp hội luôn đứng cùng các DN thành viên để từng bước tháo gỡ những khó khăn này.

Vinasme có những giải pháp gì để DNNVV phát triển trong thời gian tới?

- Phương hướng hoạt động trong nhiệm kỳ 3, giai đoạn 2016-2021, chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển hội viên, chú trọng công tác đào tạo; tăng cường tư vấn, hỗ trợ DN thành viên, nhất là trong vay vốn ngân hàng. Ngoài ra chúng tôi sẽ tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, giúp các hội viên phát triển và mở rộng thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu.

Đặc biệt, chúng tôi sẽ tăng cường công tác phản biện và giám sát chính sách, pháp luật và bảo vệ quyền lợi hội viên. Mới đây, Chính phủ đã trình Quốc hội Dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV nhằm hỗ trợ đối tượng DN này phát triển. Hiệp hội chúng tôi có đóng góp lớn trong việc ra đời Dự thảo Luật này. Cụ thể, ngay từ giai đoạn xây dựng Dự thảo, chúng tôi đã tổ chức gần trăm hội thảo, đến hầu khắp các tỉnh, thành trong cả nước lấy ý kiến hội viên đóng góp cho Dự thảo. Sau đó chúng tôi tổng hợp ý kiến rồi gửi lên ban soạn thảo Dự Luật.

Những nỗ lực, cố gắng này của chúng tôi nhằm đóng góp cho sự hình thành một khung pháp lý tiến bộ, hỗ trợ tối đa DNNVV ngày càng phát triển trong thời gian tới.

Xin cảm ơn ông!

Minh Hữu (thực hiện)

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/chinh-sach/phat-trien-doanh-nghiep-nho-va-vua-lien-ket-de-tao-suc-manh-308149.html