Phát triển công nghiệp hỗ trợ: Vốn chưa phải là tất cả

Ông Kyoshiro Ichikawa, trưởng nhóm Công tác 4 - 1, Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản cho biết, phần lớn các DNNVV đều cho rằng, những rào cản lớn trong tiếp cận vốn của DN đó là kế hoạch kinh doanh yếu, thiếu thông tin về tài chính, thiếu tài sản đảm bảo. Trong khi đó, với điều kiện kinh tế vĩ mô của Việt Nam chưa thực sự ổn định nên các ngân hàng vẫn khá dè dặt cho vay để tránh nguy cơ rủi ro.

Đói vốn cho đầu tư

Được xem là "bệ đỡ" cho công nghiệp hóa, song đến nay công nghiệp hỗ trợ vẫn rất èo uột, mà một trong những nguyên nhân là thiếu vốn.

Theo các DN và chuyên gia, việc tháo gỡ nút thắt từ vốn - tín dụng chính là chìa khóa cho phát triển. Vì vậy, việc hỗ trợ các DNNVV hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, triển khai chương trình sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản, trong đó chính phủ Nhật Bản, mà cụ thể là Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) hỗ trợ cho DNNVV Việt Nam về vốn để đổi mới trang thiết bị và đầu tư, nguồn nhân lực và thu hút đầu tư nước ngoài, chính là mục đích của Hội thảo về cơ hội tài trợ DNNVV công nghiệp hỗ trợ do Ban quản lý các dự án tín dụng quốc tế ODA (NHNN Việt Nam) và JICA tổ chức hôm 12/4/2013 tại Hà Nội.

Thiếu công nghiệp hỗ trợ, nhiều lĩnh vực công nghiệp của Việt Nam chỉ là gia công, lắp ráp

Chỉ một năm sau thành lập, Công ty TNHH sản xuất và dịch vụ thương mại Kim Long đã trở thành nhà cung cấp cho một DN có vốn đầu tư nước ngoài của Nhật Bản. Tuy nhiên, với yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm, hàng năm DN phải bỏ số tiền lớn, tương đương với số vốn hiện có để đầu tư thêm máy móc, cải tiến thiết bị. Do vậy, nhu cầu vốn cho việc đổi mới trang thiết bị, đầu tư sản xuất luôn là áp lực lớn với DN này.

Ông Hà Quyết Thắng - Giám đốc Công ty Kim Long cho biết, với những thiết bị máy móc phải dùng vốn nhiều, DN đã huy động mọi nguồn lực kể cả đi vay. May mắn là năm 2008, DN đã tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi với chương trình cho vay hai bước của JICA với khoản vay 400.000 USD thông qua NHTMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Trong đó, 100.000 USD dành cho việc xây dựng nhà xưởng, 100.000 USD cho việc mua sắm, đổi mới trang thiết bị, máy móc và 200.000 USD đầu tư vào đất làm nhà xưởng.

Mặc dù đánh giá rất cao nguồn hỗ trợ này, song theo ông, cần có mức ưu đãi hơn nữa đối với các DNNVV. Vì DN phải đầu tư dài hạn nên lãi suất có thấp, thì việc hỗ trợ mới thực sự có hiệu quả. Bên cạnh đó, quy định về tài sản thế chấp cũng cần linh động hơn, bởi đây cũng là khó khăn cố hữu của các DNNVV.

Ông Lê Tuân, Giám đốc Điều hành Tập đoàn Le Group, thì cho rằng, DNNVV đang ở trong "vòng xoáy" không thoát ra được đó là thiếu vốn. Cũng bởi nhiều DN với nguồn lực hạn chế, không có tài sản thế chấp là đất đai theo yêu cầu của ngân hàng nên khó tiếp cận được vốn.

Chưa kể, thêm một hạn chế của DNNVV cũng được ông Tuân chỉ ra chính là thiếu kỹ năng quản lý, điều hành, nên hiệu quả làm việc thấp, không đáp ứng được yêu cầu của ngân hàng. Do đó, vị lãnh đạo này cho rằng, cùng với việc khơi thông nguồn vốn hỗ trợ với lãi suất phù hợp, cần có chương trình hỗ trợ về đào tạo kiến thức, chuyên gia tư vấn cho DN.

Tạo cơ chế thuận lợi

Theo một nghiên cứu khảo sát của JICA, việc mở rộng đầu tư, đặc biệt trong đổi mới trang thiết bị kỹ thuật và công nghệ có vai trò quan trọng trong góp phần tăng trưởng của DN. Theo đó, trong tổng số 365 dự án đầu tư trong 5 năm qua của các DN công nghiệp hỗ trợ, thì 75% dự án có mức tăng trưởng doanh thu hơn 30% hoặc cao hơn sau khi thực hiện.

Tuy nhiên, điều đáng chú ý là nhiều DNNVV công nghiệp hỗ trợ có dự định mở rộng đầu tư dự án bằng chính nguồn vốn vay ngân hàng, nhưng phần lớn DN (chiếm đến 79%) lại đều gặp khó khăn và trở ngại trong tiếp cận vốn kinh doanh.

Bởi vậy, ông Ichikawa cho rằng, DNNVV công nghiệp hỗ trợ đang trong "vòng luẩn quẩn" trong việc tiếp cận vốn với lãi suất ưu đãi để mở rộng đầu tư.

Tuy nhiên, một tin vui với các DNNVV công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam, là theo chương trình Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản giai đoạn 4 (kế hoạch hành động) được triển khai sắp tới sẽ tập trung vào việc hỗ trợ tài chính cho DN với các khoản vay hai bước, nhằm giúp các DN mở rộng đầu tư; hỗ trợ cải thiện năng lực thẩm định tài chính của ngân hàng và thành lập quỹ bảo lãnh tín dụng.

Bên cạnh đó, chương trình cũng sẽ tập trung vào việc phát triển nguồn nhân lực và thu hút các DN có vốn đầu tư nước ngoài vào công nghiệp hỗ trợ. Đáng chú ý, giai đoạn này cũng sẽ tập trung vào việc hỗ trợ tài chính cho các DN sản xuất khuôn mẫu, nhằm giúp DN sử dụng vốn để nâng cao chất lượng và độ chính xác cho sản phẩm, thông qua việc mua sắm trang thiết bị.

Theo cam kết của ông Ichikawa, những bất cập liên quan đến mức lãi suất, thời hạn cho vay vốn cũng sẽ được các bên nỗ lực khắc phục để DNNVV có thể tiếp cận và sử dụng nguồn vốn thuận lợi, hiệu quả.

Trường Nguyễn

Thời báo ngân hàng

Nguồn VietStock: http://vietstock.vn/2013/04/phat-trien-cong-nghiep-ho-tro-von-chua-phai-la-tat-ca-768-292653.htm