Phát triển bền vững nhờ vào nền tảng văn hóa doanh nghiệp

Xây dựng văn hóa doanh nghiệp và bộ quy tắc ứng xử là sứ mệnh và cũng là 1 nhiệm vụ quan trọng cần thực hiện tức thì để doanh nghiệp nhanh chóng đạt tới mục tiêu và kế hoạch của mình

Ngày 29/6 tại Hà Nội, Viện Phát triển doanh nghiệp trực thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Tổ chức TRAFFIC tại Việt Nam tổ chức hội thảo chủ đề: “Văn hóa doanh nghiệp và Bộ quy tắc ứng xử doanh nghiệp”. Sự kiện thu hút mối quan tâm của nhiều tổ chức quốc tế, các hiệp hội doanh nghiệp ngành hàng và đông đảo cộng đồng doanh nghiệp tham gia và đóng góp ý kiến.

Toàn cảnh hội thảo Văn hóa doanh nghiệp và Bộ quy tắc ứng xử doanh nghiệp. Ảnh: Ngọc Quỳnh/BNEWS/TTXVN

Khai mạc hội thảo, ông Lương Minh Huân, Viện trưởng Viện Phát triển doanh nghiệp (VCCI) cho hay, Việt Nam đang trong thời kỳ toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng; trong đó các nền kinh tế và doanh nghiệp trên thế giới đang đồng thời vừa hợp tác vừa cạnh tranh gay gắt. Doanh nghiệp Việt Nam đứng trước những cơ hội cũng như những thách thức to lớn, đòi hỏi phải nâng cao năng lực cạnh tranh không chỉ bằng nguồn vốn, chiến lược kinh doanh, công nghệ, năng suất chất lượng,… mà còn bằng uy tín, thương hiệu và đạo đức kinh doanh.

Quan niệm chung trên thế giới hiện nay đều khẳng định rằng, cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong môi trường toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế chính là cạnh tranh về văn hóa, trong đó đạo đức kinh doanh, văn hóa ứng xử có trách nhiệm, bao gồm trách nhiệm với môi trường nói chung và động thực vật hoang dã nói riêng ngày càng trở nên quan trọng đối với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Phát triển bền vững gắn với môi trường, xã hội và quản trị là xu hướng đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu.

Từ năm 2023, các doanh nghiệp muốn xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ sang thị trường châu Âu phải đáp ứng được khoảng 30 tiêu thức, tiêu chuẩn liên quan tới ba yếu tố trên, từ khâu nguyên liệu đầu vào. Ngược lại, các nhà đầu tư nước ngoài trước khi quyết định đầu tư, hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam, ngoài yếu tố tài chính, còn xem xét, đánh giá các yếu tố phi tài chính như môi trường, xã hội và quản trị của doanh nghiệp.

Theo ông Huân, hội thảo được tổ chức nhằm cung cấp những tư liệu, nội dung phân tích để làm sáng tỏ thêm ý nghĩa, sự cần thiết, cũng như vai trò quan trọng của việc thúc đẩy xây dựng văn hóa kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp, thực hiện đạo đức kinh doanh, quy tắc ứng xử doanh nghiệp có trách nhiệm; trong đó có ứng xử trách nhiệm với động vật hang dã,… và có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập toàn cầu của thời đại Cách mạng công nghệ lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ và sâu rộng như hiện nay.

Đại diện Tổ chức kết nối kinh doanh thế giới (BNI), Bà Bùi Nguyệt Anh, Giám đốc cấp cao BNI Việt Nam đánh giá cao tầm quan trọng của Bộ quy tắc ứng xử trong doanh nghiệp. Đó là bản hướng dẫn cho xây dựng văn hóa cho doanh nghiệp; đảm bảo tính kỷ luật, tuân thủ trong doanh nghiệp; giúp doanh nghiệp xây dựng uy tín và thương hiệu cũng như tạo chất xúc tác gắn kết nhân sự trong doanh nghiệp. Cũng thông qua bộ quy tắc ứng xử, sẽ giúp doanh nghiệp tạo dựng niềm tin tưởng, sự yên tâm nơi các khách hàng của mình; giúp giảm thiểu rủi ro, sai phạm cũng như thu hút các đối tác, nhà cung cấp sản phẩm dịch vụ uy tín, chuyên nghiệp.

Theo bà Nguyệt Anh, để xây dựng và triển khai bộ quy tắc ứng xử trong doanh nghiệp sẽ đòi hỏi 1 quá trình và sự đồng thuận của tập thể ban lãnh đạo. Theo đó, có nhiều sự thuận lợi như bối cảnh thị trường: đòi hỏi về sự khác biệt để doanh nghiệp vượt lên cạnh tranh, xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, đa dạng các phương pháp, phương tiện truyền thông.. dễ lan tỏa và hơn nữa chính là nhờ lực lượng lao động hiện đại như GenZ cũng đang tìm kiếm môi trường làm việc có ý nghĩa, mang lại giá trị ... Tuy nhiên, vẫn tồn tại không ít thách thức như sự không đồng nhất về nhận thức hiện tại của số đông doanh nghiệp; các cơ chế, chính sách hiện hữu; sự phản kháng của một số nhân sự không phù hợp; các thói quan, quan niệm và niềm tin cũ ở những cá nhân chưa có tinh thần đổi mới.

Ở Việt Nam và trên thế giới cũng đã có nhiều tấm gương, nhiều doanh nghiệp điển hình cho việc đi lên bằng xây dựng nền tảng văn hóa và triển khai thành công bộ quy tắc ứng xử như Apple, Amazon, FPT hay Vietnam Airlines..... Điều quan trọng nhất là họ có triển khai đồng thời với hệ thống đo lường, kiểm soát hiệu quả nhằm giúp cho việc điều chỉnh của doanh nghiệp luôn đúng hướng và linh hoạt, bà Nguyệt Anh chia sẻ.

Bà Bùi Nguyệt Anh, Giám đốc cấp cao Tổ chức kết nối kinh doanh quốc tế tại Việt Nam (BNI Việt Nam). Ảnh: Ngọc Quỳnh/BNEWS/TTXVN

Câu hỏi đặt ra là khi nào nên xây dựng Bộ quy tắc ứng xử, bà Nguyệt Anh nhấn mạnh, không phải ngày mai, tuần sau, tháng sau hay một ngày nào đó. Mà là ngay bây giờ. Điều đó có ý nghĩa quan trọng và gắn liền với sự phát triển bền vững, ổn định lâu dài của doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Xuân Hòa, Giám đốc kỹ thuật, Doanh nghiệp DTH - chuyên doanh sản phẩm thiết bị LED điện tử, công nghệ cao đồng thuận và ủng hộ chủ trương của Nhà nước và VCCI về việc khuyến khích doanh nghiệp thiết kế, xây dựng Bộ quy tắc ứng xử và văn hóa doanh nghiệp. Là định hướng quan trọng, giúp các doanh nghiệp hiểu thấu ngay từ đầu việc cần làm, đích hướng tới và cách thức triển khai hoạt động sao cho đúng trọng tâm, trọng điểm.

Thực tế, xây dựng văn hóa doanh nghiệp và bộ quy tắc ứng xử hiện chỉ mới dừng lại ở 1 chủ đề trong thảo luận và nhận được sự đồng tình, hướng ứng của một bộ phận doanh nghiệp, chưa phải là toàn bộ. Do đó, nâng cao nhận thức về vấn đề này của doanh nghiệp sẽ đòi hỏi nhiều nỗ lực chung tay và thống nhất trong triển khai của các cấp, ngành và địa phương.

Tuy nhiên, dù là doanh nghiệp nào, hoạt động trong lĩnh vực gì luôn cần xây dựng tầm nhìn, tôn chỉ để định hướng hoạt động. Chính phủ đã có cam kết hướng tới một nền kinh tế carbon thấp; đồng thời có tốc độ phát triển vượt bậc để góp phần thúc đẩy Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) về đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050.

Do đó, nhiệm vụ của cộng đồng doanh nghiệp là phải hưởng ứng và thúc đẩy mạnh mẽ chương trình này. Đó không chỉ là mục tiêu mà còn là sứ mệnh và muốn làm được chắc chắn không thể thiếu vai trò của văn hóa doanh nghiệp và bộ quy tắc ứng xử trong doanh nghiệp./.

Ngọc Quỳnh/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/phat-trien-ben-vung-nho-vao-nen-tang-van-hoa-doanh-nghiep/297405.html