Phạt nặng để răn đe trẻ vị thành niên phạm tội nghiêm trọng?

Thảo luận về việc sửa đổi Bộ luật Hình sự trong sáng 26-10, không ít ý kiến đại biểu Quốc hội băn khoăn về việc bỏ quy định xử lý hình sự người đủ 14 đến dưới 16 tuổi khi phạm một số tội.

Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết - Ảnh: Cổng Thông tin Quốc hội

Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Nguyễn Văn Tuyết đề nghị xem xét lại quy định “không xử lý hình sự đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134), tội hiếp dâm (Điều 139) và tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (Điều 169) thuộc loại tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng”.

“Như chúng ta biết thời gian qua hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong học đường, hiếp dâm, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản do người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện có xu hướng gia tăng…” - ông Tuyết cho biết, và đề nghị cần xử lý hình sự những tội trên “để giáo dục, cải tạo người phạm tội và nâng cao tính phòng ngừa, răn đe”.

Theo đó, ông Tuyết cho rằng cần giữ lại phạm vi các tội danh mà người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự đã được Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định là: “Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”, không nên liệt kê một số tội phạm cụ thể như BLHS năm 2015.

“Giữ lại quy định này sẽ bảo đảm tính công bằng trong xử lý tội phạm cũng như bảo đảm xử lý được hành vi của người đã thành niên đồng phạm với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội trong một số trường hợp cụ thể hoặc hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” - đại biểu Tuyết phân tích.

Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) lên tiếng: “Nếu nhân đạo với người phạm tội thì không nhân đạo với người bị hại. Thời gian qua có nhiều vụ gây thương tích rất nghiêm trọng, trong đó người vị thành niên phạm tội có xu hướng gia tăng, nhiều vụ có tính chất phức tạp, mức độ vô cùng nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp và lâu dài cho sức khỏe của người bị hại”.

Bà Phúc đề nghị quy định trong Bộ luật Hình sự phải đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm bởi tội phạm trong thanh thiếu niên đang ở mức báo động như hiện nay.

Chia sẻ về thực trạng người chưa thành niên có những hành vi thực hiện phạm tội rất nguy hiểm, gây hậu quả rất nghiêm trọng đến thân thể, tính mạng người khác, hoặc là các hành vi hiếp dâm, cướp tài sản…, gây bức xúc xã hội, nhưng đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) lại nghĩ khác.

Ông Tám cho rằng quan điểm nhân đạo trong xử lý tội phạm vị thành niên đã thể hiện nhất quán trong quá trình xây dựng pháp luật, phù hợp với thông lệ quốc tế và các công ước mà Việt Nam tham gia.

Vì vậy, đại biểu Tám “nhất trí với quy định không xử lý hình sự đối với người đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại đến người khác, tội hiếp dâm, tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản”.

“Chỉ quy định trách nhiệm hình sự của đối tượng này trong trường hợp một số tội rất nghiêm trọng do cố ý và phạm tội, tội đặc biệt nghiêm trọng. Đồng thời phải tăng cường các mức hình phạt khác, như đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục… để ngăn ngừa các hành vi phạm tội”.

Theo tuoitre.vn

Nguồn GTVT: http://www.tapchigiaothong.vn/phat-nang-de-ran-de-tre-vi-thanh-nien-pham-toi-nghiem-trong-d33895.html