Phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu

Từ đầu nhiệm kỳ 2015 - 2020, Tỉnh ủy Hòa Bình đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng cường kiểm tra, giám sát cán bộ lãnh đạo, quản lý, đồng thời ban hành nhiều văn bản xác định rõ trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu, làm cơ sở xem xét, đánh giá tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đây là một giải pháp nhằm nâng cao vai trò, hiệu lực lãnh đạo của các tổ chức đảng trong Đảng bộ.

Từ đầu nhiệm kỳ 2015 - 2020, Tỉnh ủy Hòa Bình đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng cường kiểm tra, giám sát cán bộ lãnh đạo, quản lý, đồng thời ban hành nhiều văn bản xác định rõ trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu, làm cơ sở xem xét, đánh giá tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đây là một giải pháp nhằm nâng cao vai trò, hiệu lực lãnh đạo của các tổ chức đảng trong Đảng bộ.

Kỷ cương và trách nhiệm

Trước Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, xã Hạ Bì (huyện Kim Bôi) đã thực hiện hiệu quả việc giải tỏa, tháo dỡ các công trình xây dựng trái phép của 38 hộ dân, vốn đã tồn tại qua nhiều đời bí thư, chủ tịch xã. Từ những lều lán tạm, có những hộ đã xây dựng công trình khá kiên cố để sản xuất, kinh doanh, trong khi một số điểm vi phạm nằm cạnh các ngã ba, ngã tư đường, che khuất tầm nhìn, gây nguy cơ tai nạn giao thông. Nhiệm kỳ trước, Đảng ủy xã đã chỉ đạo tuyên truyền, vận động, nhưng chuyển biến rất chậm. Sang nhiệm kỳ này, Đảng ủy xã họp chuyên đề về lãnh đạo xử lý các hộ lấn chiếm, xây dựng trái phép, có kết luận nhưng vẫn chưa thực hiện được. Trước tình hình đó, Ban Thường vụ Huyện ủy Kim Bôi làm việc với Ban Thường vụ Đảng ủy xã Hạ Bì, phân tích rõ những hạn chế của địa phương, như phương hướng chỉ đạo của xã đúng đắn, nhưng vai trò, cách tổ chức thực hiện của Đảng ủy, của bí thư cấp ủy từ xã đến thôn đều yếu. Đồng chí Bí thư Huyện ủy yêu cầu Bí thư Đảng ủy xã - với tư cách là người lãnh đạo cao nhất của xã, chịu trách nhiệm trước lãnh đạo Huyện ủy về công tác xử lý các hộ dân lấn chiếm, xây dựng trái phép. Huyện sẽ tập trung chỉ đạo, hỗ trợ xã.

Nhận thức rõ hơn trách nhiệm của mình, tháng 7-2016, Đảng ủy xã Hạ Bì họp, ra nghị quyết chuyên đề về công tác quản lý đất đai, phân công nhiệm vụ cho các tổ chức trong hệ thống chính trị. Từng chi bộ, đảng viên được quán triệt nghị quyết của Đảng ủy. Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy xã xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát các tổ chức đảng và đảng viên vi phạm để xử lý. Sau khi xem xét trách nhiệm của từng đảng viên, một đảng viên lâu năm bị cảnh cáo trước toàn Đảng bộ và chín đồng chí bị khiển trách trước chi bộ. Bí thư chi bộ sáu khu dân cư có các hộ dân vi phạm hằng tuần phải báo cáo công việc với Thường trực Đảng ủy xã, làm cơ sở để lãnh đạo xã báo cáo thường xuyên với Huyện ủy. Từ cấp huyện, xã, thôn, bằng các biện pháp tạo điều kiện tối đa cho người dân có nơi sinh sống ổn định, cuối cùng chỉ còn ba hộ phải tổ chức cưỡng chế. Qua việc này, Bí thư Đảng ủy xã Quách Đình Thu rút ra kinh nghiệm:

Bí thư cấp ủy phải “đứng mũi chịu sào”, từ đó làm gương để phát huy trách nhiệm của người đứng đầu các tổ chức đoàn thể, phải giao việc và kiểm điểm hằng ngày thì công việc mới chuyển biến tích cực.

Vai trò của người đứng đầu tổ chức đảng thể hiện rõ ở sự quy tụ trí tuệ, ý chí của tập thể cấp ủy. Tại Đại hội Đảng bộ xã Yên Bồng (huyện Lạc Thủy) nhiệm kỳ 2015 - 2020, đồng chí Bí thư Đảng ủy xã không trúng cử Ban Chấp hành, huyện điều động đồng chí Lê Thanh Thỏa, Phó trưởng phòng Nội vụ về giữ chức Bí thư Đảng ủy xã. Từ đó, các chủ trương bố trí, sắp xếp, điều chuyển cán bộ, cử cán bộ đi học, cho đến các quy định về chi tiêu, đều được tập thể Đảng ủy bàn bạc công khai, dân chủ. Cán bộ, công chức xã được đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ theo tháng. Nhờ đó, Đảng ủy xã Yên Bồng củng cố được đoàn kết, tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội.

Đối với cấp huyện, Bí thư Huyện ủy Lạc Thủy Phạm Tiến Dũng nhấn mạnh: Người đứng đầu các ban đảng của huyện ủy ngoài việc chịu trách nhiệm về lĩnh vực được giao, còn phải chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Huyện ủy về các xã, đơn vị được phân công theo dõi, chỉ đạo. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy thường xuyên gắn bó với cơ sở, giúp cấp cơ sở hoàn thiện quy chế làm việc, nắm bắt việc thực thi công vụ của cán bộ xã. Những địa phương mà bí thư đảng ủy lấn át, làm thay việc của chủ tịch UBND xã, hoặc ngược lại bí thư đảng ủy đứng ngoài cuộc, phó mặc công việc cho chính quyền, đều được chấn chỉnh. Nhờ đó, nhiều vụ việc sai phạm được ngăn chặn trước khi diễn biến phức tạp như việc thực hiện quy trình giới thiệu ứng cử ở xã Phú Thành, việc khai thác đất đồi ở xã Thanh Nông, việc khai thác cát vàng trên sông Bôi…

Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hòa Bình Nguyễn Hữu Đạt cho biết: Năm 2016, ủy ban kiểm tra các cấp đã hoàn thành khối lượng công việc lớn, số đảng viên được kiểm tra tăng gần hai lần so với năm trước. Cấp ủy các cấp đã thi hành kỷ luật ba tổ chức đảng và 129 đảng viên, trong đó có những đảng viên là lãnh đạo đầu ngành của tỉnh, địa phương. Đồng chí Tỉnh ủy viên, Bí thư Ban Cán sự đảng, Viện trưởng Kiểm sát nhân dân tỉnh bị kỷ luật với hình thức cảnh cáo.

Thực tiễn ở tỉnh Hòa Bình và nhiều địa phương cho thấy, bí thư cấp ủy phải chủ động gánh vác những việc khó, việc mới, phải chịu trách nhiệm trước cấp ủy cấp trên về những vụ việc, vấn đề xảy ra ở địa phương, cơ quan, đơn vị. Công tác chỉ đạo cần tránh chung chung, “chỉ tay năm ngón”, mà hơn ai hết, bí thư cấp ủy cần xông xáo, xắn tay cùng chịu trách nhiệm với tập thể cấp ủy ở địa phương, cơ quan, đơn vị.

Đòi hỏi từ thực tiễn

Năm 2016, Huyện ủy Kim Bôi luân chuyển ba cán bộ từ huyện về xã và ba cán bộ từ xã lên huyện. Luân chuyển xuống không có vấn đề gì, nhưng thủ tục để luân chuyển cán bộ từ xã lên huyện rất gian nan, qua rất nhiều khâu phải xin ý kiến của tỉnh. Bí thư Huyện ủy Kim Bôi Nguyễn Mạnh Cương cho rằng: Người đứng đầu chịu trách nhiệm về uy tín, năng lực cán bộ luân chuyển, do đó, luân chuyển cán bộ trong huyện thì nên giao toàn bộ thẩm quyền cho Bí thư Huyện ủy là đủ. Đồng chí cũng nêu một thực tế phát sinh trong công tác luân chuyển cán bộ, đó là nhiều xã miền núi còn bàn giao miệng với nhau. Khi huyện Kim Bôi luân chuyển hai cán bộ huyện về xã và được giao làm chủ tài khoản, huyện phải yêu cầu các xã đó hoàn thiện hồ sơ tài chính trước khi bàn giao. Nhờ tăng cường kiểm tra tài chính, huyện đã phát hiện một số sai phạm của người đứng đầu. Có trường hợp nghiêm trọng như chủ tịch UBND và kế toán xã Nuông Dăm bị khai trừ Đảng và bị truy tố do sai phạm trong quản lý tài chính. Quá trình kiểm điểm, xử lý các vụ việc thực tế phát sinh không ít khó khăn trong việc xác định trách nhiệm của cán bộ quản lý, lãnh đạo, người đứng đầu do chưa phân định rõ quyền hạn, dẫn tới khó xác định trách nhiệm.

Quá trình thực hiện Nghị quyết T.Ư 4, khóa XI và Nghị quyết T.Ư 4, khóa XII, nhiều cấp ủy đã chỉ rõ việc thực hiện kỷ cương, kỷ luật của Đảng chưa nghiêm, nguyên tắc tập trung dân chủ ở nhiều nơi bị buông lỏng. Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng nhiều lúc, nhiều nơi chưa phát huy hiệu lực, có biểu hiện “nhẹ trên, nặng dưới”… Từ đó, Tỉnh ủy Hòa Bình đã chấn chỉnh công tác đánh giá cán bộ, đổi mới việc xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ đối với bí thư cấp ủy. Tình trạng cơ quan, đơn vị không hoàn thành nhiệm vụ mà bí thư cấp ủy, người đứng đầu lại hoàn thành tốt nhiệm vụ ở nhiều tổ chức đảng được khắc phục. Tại huyện Kim Bôi, cấp cơ sở trình lên hơn 40 tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh, Ban Thường vụ Huyện ủy xét và hạ mức xuống còn 29 tổ chức cơ sở đảng; người đứng đầu cấp ủy, chính quyền được xếp loại không cao hơn mức xếp loại của tổ chức cơ sở đảng đó.

Trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, để có cơ sở đánh giá cán bộ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình đã chủ động ban hành một số quy định làm rõ quyền hạn, trách nhiệm của cán bộ lãnh đạo, quản lý. Trong đó có quy định về luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý giai đoạn 2016 - 2020; quy định về đánh giá, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, giới thiệu ứng cử, thôi giữ chức vụ, từ chức, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý. Nghị quyết của Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, quy định, mỗi khóa, cấp ủy các cấp tiến hành kiểm tra, giám sát 90% số cấp ủy trực thuộc gắn với kiểm tra, giám sát người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu; định kỳ 3 đến 5 năm, thực hiện phân công luân phiên cán bộ ủy ban kiểm tra các cấp phụ trách, theo dõi, giám sát thường xuyên các lĩnh vực, địa bàn. Triển khai thực hiện Nghị quyết T.Ư 4, khóa XII, Tỉnh ủy Hòa Bình đã đề ra các giải pháp cụ thể, trong đó có việc quy định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Tỉnh ủy cũng chỉ đạo các cấp ủy đảng tháo gỡ những “điểm nghẽn” trong đánh giá, xử lý kỷ luật cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

Thực tế cho thấy, một số nghị quyết về xây dựng Đảng có nội dung chưa sát thực tiễn, thiếu tính khả thi và chế tài xử lý cán bộ. Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Bùi Văn Tỉnh chia sẻ băn khoăn, trăn trở về vấn đề này. Đồng chí phân tích: Quyền hạn đi đôi với trách nhiệm, nếu trách nhiệm chung chung như hiện nay thì khó tìm được người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Ở những nơi có chuyển biến tốt, bí thư cấp ủy và người đứng đầu cơ quan hành chính chủ yếu dùng ý chí, tâm huyết của mình để làm việc. Tỉnh Hòa Bình cũng như nhiều địa phương đang có tình trạng: khi xảy ra vụ việc vi phạm, thiếu các quy định để xác định trách nhiệm người đứng đầu tổ chức đảng. Việc khó quy trách nhiệm cá nhân còn dẫn đến cách làm việc tùy hứng, vượt quyền hoặc lạm quyền. Nếu giao quyền hạn rõ ràng, người đứng đầu được quyết định nhân sự, quyết định các vấn đề theo thẩm quyền, thì điều đó đồng nghĩa với việc họ phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Đại diện lãnh đạo một số cấp ủy ở Đảng bộ tỉnh Hòa Bình bày tỏ tâm tư, nguyện vọng: Đồng thời với thực hiện tốt nguyên tắc tập trung, dân chủ, kiểm soát quyền lực người đứng đầu, cần tăng thêm quyền hạn và đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc quản lý cán bộ dưới quyền. Trong thi đua - khen thưởng, chúng ta cần chuyển nhanh từ đánh giá định tính sang định lượng và hạn chế bệnh hình thức. Cần có các quy định cụ thể để việc xem xét, đánh giá trách nhiệm của cấp ủy và người đứng đầu được khách quan, chính xác hơn.

HÀ LÂM HẢO

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/chinhtri/item/32369702-phat-huy-vai-tro-trach-nhiem-nguoi-dung-dau.html