Phát huy vai trò then chốt của khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo

'Đã có 120 đại biểu Quốc hội đăng ký chất vấn, vượt mốc kỷ lục của phiên chất vấn đối với Bộ trưởng Đào Ngọc Dung...' - Chủ tịch Quốc Vương Đình Huệ thông tin với Quốc hội như vậy trước khi bắt đầu phần trả lời chất vấn trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt.

Không chỉ “vượt mốc kỷ lục” của phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội với 99 đại biểu đăng ký, mà con số 120 đại biểu đăng ký chất vấn với Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cũng chiếm lĩnh vị trí “dẫn đầu” trong số 4 Bộ trưởng tham gia trả lời chất vấn lần này, gần gấp đôi con số 62 đại biểu đăng ký chất vấn với Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh, cao hơn con số 110 đại biểu đăng ký chất vấn với Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt trả lời chất vấn tại hội trường. Ảnh: Lâm Hiển

Điều này cho thấy sự quan tâm, kỳ vọng rất lớn của đại biểu Quốc hội cũng như cử tri và Nhân dân cả nước đối với lĩnh vực Bộ trưởng được giao quản lý. Cũng dễ hiểu, bởi, Đảng và Nhà nước đã xác định: Cùng với giáo dục - đào tạo, khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực phát triển kinh tế - xã hội, là điều kiện cần thiết để giữ vững độc lập dân tộc và xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội...

Vậy nên, ngay từ những câu hỏi đầu tiên cũng như xuyên suốt gần 3 giờ đồng hồ sau đó, nội dung các chất vấn đại biểu đặt ra với Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt đều trực diện thẳng vào những bất cập, vướng mắc, “điểm nghẽn”... đang kéo chậm việc triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra cho lĩnh vực Bộ trưởng đang được giao trọng trách “tư lệnh”. Như khẳng định của Bộ trưởng khi bắt đầu phiên chất vấn, đó là “các nội dung chất vấn do Quốc hội đặt ra đều là các vấn đề căn cốt, trọng tâm của ngành khoa học và công nghệ”.

Là những vấn đề căn cốt và trọng tâm, nhưng quá trình triển khai thực hiện, như đánh giá của các đại biểu, hoặc “bị chậm”, hoặc “vẫn còn hạn chế”, hay “chưa được phổ biến rộng khắp”...

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Ninh Bình) chất vấn tại hội trường. Ảnh: Lâm Hiển

Và, sự chậm trễ trong phát triển thị trường khoa học và công nghệ - một trong những yếu tố quan trọng tạo nên thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN của nước ta, được ĐBQH Trần Thị Hồng Thanh (Ninh Bình) đặt ra ngay trong câu hỏi mở đầu phiên chất vấn.

Để phát triển thị trường khoa học và công nghệ, từ năm 2011 tới nay, bộ máy quản lý nhà nước về thị trường này đã được kiện toàn từ Trung ương đến địa phương, nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đã được ban hành (4 luật, 6 nghị định và 12 thông tư). Chính phủ cũng đã ban hành Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ quốc gia đến năm 2030. Mặc dù vậy, thị trường khoa học và công nghệ nước ta hiện nay vẫn còn hạn chế. Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân vì sao thị trường khoa học và công nghệ Việt Nam vẫn chưa phát triển? Cần tập trung thực hiện giải pháp căn cơ gì để phát triển thị trường này?

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt trả lời chất vấn tại hội trường. Ảnh: Lâm Hiển

Khẳng định vấn đề đại biểu nêu là chính xác, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt thừa nhận, bên cạnh những thành tựu và kết quả đạt được, thì việc thực hiện nhiệm vụ này “cũng có những hạn chế”, nhất là về cơ chế, chính sách chưa thực sự phát huy và khó tiếp cận với các doanh nghiệp, các hoạt động kết nối và dịch vụ hỗ trợ đi kèm chưa hiệu quả. Nguồn lực từ ngân sách, từ doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động này còn khiêm tốn. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật hạn chế, đặc biệt là đối với các công nghệ tiên tiến... Do đó, trong thời gian tới, trước tiên về cơ chế, chính sách, Bộ sẽ kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh các cơ chế, chính sách và trực tiếp Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ điều chỉnh những quy định cho phù hợp với thực tiễn. Đồng thời, Bộ sẽ thúc đẩy chương trình về tìm kiếm, chuyển giao, làm chủ, phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam và xác định đây là “giải pháp căn cơ nhất”, Bộ trưởng nêu rõ.

Không né tránh tồn tại, hạn chế, đưa ra được giải pháp, định hướng, phương án để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đồng thời rất cầu thị lắng nghe các gợi mở, đề xuất của Chủ tọa điều hành phiên chất vấn cũng như các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt đã trả lời đầy đủ và khá thẳng thắn các câu hỏi của đại biểu. Như nhận định của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, là Bộ trưởng “càng trả lời càng thấy tự tin”, “càng thấy hay hơn”.

Đặc biệt, trước một số vướng mắc và chậm trễ trong triển khai một số nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của Bộ, Bộ trưởng đã chân thành nhận trách nhiệm.

Đại biểu Trần Chí Cường (TP. Đà Nẵng) chất vấn tại hội trường. Ảnh: Lâm Hiển

Trả lời chất vấn của ĐBQH Trần Chí Cường (TP. Đà Nẵng) về việc sau gần 4 năm có Nghị quyết của Bộ Chính trị (về chủ trương đẩy nhanh việc thành lập các Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo quốc gia, trước mắt là tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh), qua nhiều lần làm việc trực tiếp và trao đổi bằng văn bản giữa UBND TP. Đà Nẵng với Bộ Khoa học và Công nghệ, đến nay Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo quốc gia ở Đà Nẵng vẫn chưa ra đời, Bộ trưởng “xin nhận trách nhiệm về sự chậm trễ này, mặc dù đã có chủ trương, đã có chỉ đạo”.

Tuy nhiên, với tinh thần cầu thị, trách nhiệm, Bộ trưởng “cũng rất mong đại biểu và Quốc hội chia sẻ”. Bởi, trung tâm khởi nghiệp sáng tạo là “vấn đề rất mới, Việt Nam chưa có tiền lệ”, đòi hỏi “phải có thời gian nghiên cứu cẩn trọng”, “bảo đảm đúng quy định và hiệu quả”. Đồng thời, đưa ra phương án giải quyết vấn đề này, theo đó, “cuối tháng 6, đầu tháng 7 này, Bộ sẽ phối hợp với Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh để hình thành các trung tâm này một cách chính thức, trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, và là đơn vị sự nghiệp khoa học, công nghệ công lập tự chủ hoàn toàn”, Bộ trưởng nêu rõ.

Khoa học và công nghệ được xác định là công cụ then chốt trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ Tổ quốc, giải quyết các thách thức trên mọi mặt của đời sống. Bên cạnh những thành tựu, kết quả đạt được đóng góp cho sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, qua các chất vấn của đại biểu và trả lời của Bộ trưởng, thì vẫn còn đó không ít khó khăn, vướng mắc. Việc phát triển và phát huy vai trò then chốt của khoa học và công nghệ còn không ít hạn chế.

Một trong số những hạn chế được đại biểu nêu ra tại phiên chất vấn, đồng thời cũng là mối quan tâm của cử tri và các nhà khoa học hiện nay, đó là vấn đề chấp nhận rủi ro, thất bại trong nghiên cứu khoa học như thế nào và dỡ bỏ các rào cản hành chính trong quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học ra sao? Giải pháp nào của Bộ Khoa học và Công nghệ để việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp được phổ biến rộng khắp ruộng vườn, nương rẫy, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống của người nông dân? Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ thành lập đã gần 10 năm nay, nhưng gần như chưa phát huy hiệu quả, dẫn đến tình trạng “thiếu tiền, thừa quỹ, tồn quỹ” đến hàng chục nghìn tỷ đồng, trong khi nguồn lực dành cho khoa học và công nghệ còn nhiều khó khăn?...

Tất cả những tồn tại, hạn chế này đang chờ câu trả lời cũng như các giải pháp căn cơ, quyết liệt từ Chính phủ và “tư lệnh” lĩnh vực khoa học và công nghệ.

Như yêu cầu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trong phát biểu kết luận phiên chất vấn, đó là “đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, các Bộ trưởng có liên quan tiếp thu tối đa ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội, chỉ đạo quyết liệt thực hiện các giải pháp đề ra nhằm khắc phục tồn tại, hạn chế”. Trong đó, tập trung vào một số vấn đề chính, như rà soát, sửa đổi, bổ sung, tháo gỡ các rào cản về hệ thống pháp luật, chính sách kinh tế, tài chính, đầu tư, thủ tục hành chính theo hướng phù hợp với cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế, tôn trọng đặc thù của lao động sáng tạo, chấp nhận rủi ro, mạo hiểm và độ trễ trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, dỡ bỏ các rào cản duy ý chí và hành chính hóa hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện các quy định về giao nhiệm vụ, vấn đề đặt hàng hoặc đấu thầu, đặc biệt là thủ tục thanh, quyết toán các khoản chi về khoa học và công nghệ. Nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội để khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự là đột phá chiến lược, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế...

Lam Giang

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quoc-hoi-va-cu-tri/phat-huy-vai-tro-then-chot-cua-khoa-hoc-cong-nghe-thuc-day-doi-moi-sang-tao-i331771/