Phát huy vai trò của trẻ em trong bảo vệ quyền trẻ em

Đó là chủ đề của chương trình tiếp xúc, đối thoại giữa đại biểu HĐND tỉnh Gia Lai với trẻ em tỉnh Gia Lai năm 2024 do HĐND tỉnh phối hợp cùng Tỉnh Đoàn, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức ngày 29-3 tại Hội trường 2-9 (TP. Pleiku).

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên tặng quà các đội viên, thiếu nhi tiêu biểu tham gia chương trình tiếp xúc, đối thoại. Ảnh: Đ.T

Đồng chủ trì chương trình đối thoại có các đồng chí: Hồ Văn Niên-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trương Văn Đạt-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Ayun H’Bút-Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Duy Định-Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo; Hà Thị Giang Thảo-Tỉnh ủy viên, Bí thư Tỉnh Đoàn.

Cùng dự chương trình có đồng chí: Trương Hải Long-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Huỳnh Quang Thái-Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy; Thái Thanh Bình-Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; Huỳnh Thế Mạnh-Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các sở, ban, ngành của tỉnh cùng Thường trực, cán bộ các Huyện Đoàn, Thị Đoàn, Thành Đoàn; các giáo viên làm Tổng phụ trách Đội cùng 265 em thiếu nhi tiêu biểu đến từ 17 huyện, thị xã, thành phố.

Lắng nghe trẻ em nói

Phát biểu khai mạc chương trình tiếp xúc, đối thoại, chị Hà Thị Giang Thảo-Bí thư Tỉnh Đoàn cho biết: Chương trình “Tiếp xúc, đối thoại giữa đại biểu HĐND tỉnh với trẻ em” là dịp để trẻ em được bày tỏ tâm tư, nguyện vọng về những vấn đề mình quan tâm đến lãnh đạo tỉnh, đại biểu HĐND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành, đoàn thể của tỉnh. Qua đó đảm bảo việc thực hiện Luật trẻ em 2016, phát huy vai trò của trẻ em trong tham gia bảo vệ quyền của trẻ em, nâng cao nhận thức, trách nhiệm và hành động của các cấp, các ngành, gia đình, nhà trường và toàn xã hội trong công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

Chương trình “Tiếp xúc, đối thoại giữa đại biểu HĐND tỉnh với trẻ em” có chủ đề “Phát huy vai trò của trẻ em trong bảo vệ quyền trẻ em”, các em thiếu nhi cần mạnh dạn chia sẻ, bày tỏ quan điểm, nguyện vọng, phát huy vai trò của chính các em trong việc tham gia bảo vệ các quyền của trẻ em. Đồng thời, các ý kiến, nguyện vọng của các em sẽ được lãnh đạo tỉnh, đại biểu HĐND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành, đoàn thể tiếp nhận, trao đổi và đề ra giải pháp thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em trong thời gian tới”.

Quang cảnh chương trình tiếp xúc, đối thoại. Ảnh: Đ.T

Tại chương trình, các đại biểu được xem tiểu phẩm tuyên truyền về phòng, chống bạo lực học đường với chủ đề “Đừng làm anh hùng bàn phím” do Liên đội Trường THCS Trưng Vương (TP. Pleiku) thực hiện. Đặt câu hỏi trùng với nội dung của tiểu phẩm, em Đỗ Nguyễn Ngọc Anh (lớp 8B, Trường THCS Nguyễn Văn Linh, xã Đak Rong, huyện Đak Đoa) nêu vấn đề: “Nhà trường đã áp dụng nhiều biện pháp, như: phê bình, kiểm điểm, cảnh cáo, răn đe, buộc thôi học có thời hạn…nhưng bạo lực học đường vẫn xảy ra. Để hạn chế tình trạng này, các cấp, các ngành đã có những biện pháp nào để loại bỏ bạo lực ra khỏi môi trường học đường”

Trả lời vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Trần Bá Công cho biết: Bạo lực học đường là một thực trạng đau lòng, đáng báo động về đạo đức, lối sống của học sinh hiện nay, xảy ra ở nhiều cấp học, lứa tuổi. Các trường học đã áp dụng nhiều biện pháp như phê bình, kiểm điểm, cảnh cáo, răn đe học sinh vi phạm. Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các trường học triển khai nhiều hình thức giáo dục đạo đức, lối sống cho các em nhưng bạo lực học đường vẫn xảy ra.

“Để loại bỏ bạo lực ra khỏi trường học cần sự chung tay của các cấp, ngành, nhà trường và cha mẹ học sinh. Quan trọng nhất vẫn là nhận thức của chính các em, biết bạo lực học đường là những hành vi xấu xa, đáng bị lên án. Đây còn là hành vi vi phạm pháp luật khi xúc phạm đến thân thể, tính mạng người khác. Muốn loại bỏ bạo lực học đường, các đội viên tiêu biểu phải trở thành tuyên truyền viên tích cực tại lớp, tại trường và với bạn bè của mình. Khi phát hiện xảy ra mâu thuẫn, các em phải báo ngay cho thầy cô, tổ tư vấn tâm lý trong trường học, tổ chức Đoàn-Đội để kịp thời giải quyết mâu thuẫn, hạn chế những trường hợp đáng tiếc xảy ra. Học sinh phải biết sử dụng mạng xã hội một cách an toàn, văn minh, lịch sự. Hy vọng các em sẽ luôn xây dựng được tình bạn đẹp, phòng-chống bạo lực học đường để cùng nhau xây dựng trường học thân thiện, an toàn, tích cực”-Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thông tin thêm.

Em Vũ Thị Thảo Nguyên (lớp 9A, Trường THCS Hùng Vương, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) đặt câu hỏi liên quan đến thuốc lá điện tử. Ảnh: P.L

Hiện nay, tình trạng hút thuốc lá điện tử ở học sinh ngày càng gia tăng bởi các em coi đây là một trào lưu thời thượng, muốn khẳng định bản thân. Em Vũ Thị Thảo Nguyên (lớp 9A, Trường THCS Hùng Vương, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) nêu vấn đề: “Thuốc lá điện tử có hại cho sức khỏe nhưng không phải là hàng cấm nên được mua bán rộng rãi. Các cấp, ngành đã có những định hướng nào để ngăn chặn tình trạng học sinh sử dụng, mua bán thuốc lá điện tử”.

Thiếu tá Trần Nam Phương-Phó Trưởng phòng Cảnh sát Giao thông (Công an tỉnh) giải đáp: “Thuốc lá điện tử có chứa chất độc hại gây tổn thương phổi cấp. Đặc biệt, thuốc lá điện tử sử dụng nhiều hương liệu, hóa chất với nguyên liệu phối trộn nhiều loại thành phần khác nhau nên rất có thể bị lợi dụng để sử dụng ma túy thông qua việc phối trộn. Người sử dụng có thể tự ý tăng tỷ lệ nicotine quá mức hoặc thêm ma túy và các chất gây nghiện khác vào để sử dụng mà khó bị phát hiện. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ ngộ độc thuốc lá điện tử với những hậu quả nghiêm trọng, thậm chí khiến người sử dụng có thể bị tử vong. Thực tế thời gian gần đây, thuốc lá điện tử hay thuốc lá thế hệ mới đã “xâm nhập” ngày càng nhiều hơn vào trường học, gây ảnh hưởng xấu tới hành vi, lối sống, sức khỏe của học sinh tuổi vị thành niên, lứa tuổi có tâm lý tò mò, hiếu kỳ, muốn khẳng định bản thân và thích khám phá.

Phó Trưởng phòng Cảnh sát Giao thông nêu giải pháp: “Để ngăn chặn tình trạng học sinh hút thuốc lá điện tử trong môi trường học đường, cần sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan, ban, ngành cùng với nhà trường và phụ huynh học sinh trong quản lý, giáo dục, ngăn ngừa việc học sinh bị dụ dỗ, lôi kéo, sử dụng thuốc lá điện tử. Các bậc phụ huynh cần quan tâm, kiểm tra, phát hiện kịp thời và răn đe nhắc nhở. Đồng thời nhà trường cần thường xuyên tổ chức hoạt động ngoại khóa để tuyên truyền tác hại của thuốc lá điện tử, khuyến khích các em tập luyện thể dục, thể thao, xây dựng lối sống lành mạnh để đẩy lùi nạn hút thuốc lá điện tử khỏi môi trường học đường. Phòng Cảnh sát Kinh tế đã tham mưu Công an tỉnh xây dựng kế hoạch chống buôn lậu, gian lận thương mại năm 2024, ban hành đến Công an các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện các giải pháp phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong đó có mặt hàng thuốc lá điện tử” .

Đối thoại để bảo vệ quyền trẻ em

Chương trình tiếp xúc, đối thoại giữa đại biểu HĐND tỉnh với trẻ em diễn ra trong không khí gần gũi, cởi mở. Vì thế, các em thiếu nhi đã mạnh dạn trao đổi, đặt 14 câu hỏi cho các đại biểu HĐND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành về các vấn đề: Quyền của trẻ em; Luật An ninh mạng 2018; giải pháp giảm thiểu tình trạng bạo hành trẻ em; an toàn giao thông trước cổng trường; an toàn thực phẩm trước cổng trường; hướng nghiệp cho học sinh khối THCS; giải pháp bảo tồn văn hóa, truyền thống dân tộc trong trường học; huấn luyện kỹ năng sống cho học sinh; tư vấn tâm lý học đường...

Ông Trần Bá Công-Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo trao đổi về các giải pháp kiềm chế bạo lực học đường. Ảnh: P.L

Các đại biểu HĐND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành đã nghiêm túc lắng nghe, trực tiếp giải đáp các ý kiến, kiến nghị của trẻ em; đồng thời tư vấn, đưa ra các giải pháp cụ thể giúp các em hiểu rõ hơn quyền của trẻ em, về công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Đồng thời, các đại biểu đã thông tin đến trẻ em những quy định của pháp luật, Luật Trẻ em, Luật Giao thông đường bộ, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình.

“Tiếp xúc, đối thoại giữa đại biểu HĐND tỉnh với trẻ em” là chương trình được tổ chức thường niên và lần đầu tiên tổ chức vào năm 2018 với mong muốn thúc đẩy thực hiện Luật trẻ em năm 2016, quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề của trẻ em tại địa phương, tạo điều kiện để các em được thể hiện tiếng nói của mình. Vì thế, khi được tham gia chương trình tiếp xúc, đối thoại, 265 thiếu nhi đã nghiêm túc lắng nghe, đề xuất nhiều ý kiến, những vấn đề mà các em thường gặp trong cuộc sống.

Dịp này, HĐND tỉnh đã tặng quà cho 265 đội viên, thiếu nhi tiêu biểu đến từ 17 huyện, thị xã, thành phố tham dự chương trình tiếp xúc, đối thoại. Ban Chấp hành Tỉnh Đoàn tặng bằng khen cho 83 gương đội viên, thiếu nhi tiêu biểu vượt khó học tốt, rèn luyện tốt trong năm 2022-2023. Quỹ Bảo trợ Trẻ em tỉnh tặng 83 suất học bổng (1 triệu đồng/suất) cho 83 đội viên, thiếu nhi vượt khó học tốt.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên (thứ 7 từ phải sang) cùng Bí thư Tỉnh Đoàn Hà Thị Giang Thảo (thứ 8 từ trái sang) tặng quà thiếu nhi tiêu biểu. Ảnh: Đ.T

Phát biểu kết luận chương trình, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên khẳng định: “Nội dung câu hỏi tại chương trình tiếp xúc, đối thoại liên quan đến nhiều lĩnh vực, thể hiện những vấn đề mà trẻ em quan tâm. Các đề xuất, kiến nghị liên quan đến tư vấn hướng nghiệp, kỹ năng sống…là những nhu cầu chính đáng của trẻ em. Các cấp, các ngành cần tăng cường các lớp bồi dưỡng cho trẻ em về kỹ năng sống, kỹ năng bơi, kỹ năng thích ứng với các vấn đề mất an toàn ngoài gia đình, ngoài nhà trường. Ngành giáo dục cần quan tâm đến vấn đề tư vấn tâm lý học đường để kịp thời động viên, chia sẻ, khuyến khích, tạo điều kiện cho trẻ em phát triển.

UBND tỉnh và các sở, ngành tiếp tục lắng nghe, tăng cường đối thoại, có trách nhiệm trong việc giải quyết những đề xuất, kiến nghị của trẻ em; giúp các em có định hướng tốt trong cuộc sống. Đề nghị các địa phương, các cấp, các ngành quan tâm bảo vệ an toàn cho trẻ em trong môi trường gia đình, học đường và ngoài trường học. Mong muốn trẻ em toàn tỉnh luôn nỗ lực trong học tập, rèn luyện, tiếp cận kỹ năng để đạt nhiều kết quả tốt hơn nữa trong thời gian tới.

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/phat-huy-vai-tro-cua-tre-em-trong-bao-ve-quyen-tre-em-post271338.html