Phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới

Những năm qua, trình độ, năng lực sản xuất và đời sống của nông dân Hà Tĩnh ngày càng được nâng cao. Hội viên Hội Nông dân tỉnh còn tích cực tham gia và có những đóng góp quan trọng, phát huy được vai trò chủ thể, trung tâm trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt trong xây dựng NTM.

Xây dựng tổ chức hội và giai cấp nông dân vững mạnh

Hội Nông dân tỉnh Hà Tĩnh tổ chức dâng hương tại Khu lưu niệm Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh (TP Hà Tĩnh).

Trong mỗi giai đoạn, công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, văn hóa, lối sống cho hội viên luôn được hội nông dân các cấp chú trọng. Nhiệm kỳ 2018 - 2023, các cấp hội đã tập trung tuyên truyền nghị quyết đại hội Đảng các cấp, nhiệm vụ chính trị của tỉnh; các chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng NTM cho 1.516.300 lượt người.

Công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng thường xuyên được đổi mới và đi vào chiều sâu; hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú, dễ tiếp cận; nội dung tuyên truyền ngắn gọn, súc tích, dễ nghe, dễ hiểu bằng nhiều hình thức, phù hợp với hội viên, nông dân. Riêng Hội thi “Nhà Nông đua tài” lần thứ V, năm 2022 được tổ chức từ cơ sở đến tỉnh đảm bảo tiến độ và chất lượng, tham gia hội thi toàn quốc đạt kết quả tốt.

Công tác tổ chức, xây dựng hội được quan tâm cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Trong nhiệm kỳ, hội đã kết nạp 23.171 hội viên, nâng số hội viên trong toàn tỉnh lên 227.479 người, chiếm tỷ lệ 86,7% so với hộ nông dân; thành lập 653 tổ hội, 29 chi hội nghề nghiệp hoạt động hiệu quả.

Công tác giúp đỡ hộ nghèo cũng được các cấp hội quan tâm chỉ đạo, hằng năm vận động các nguồn lực hỗ trợ sửa chữa, xây nhà mới, tặng quà cho gia đình chính sách, hộ đặc biệt khó khăn.

Nhìn chung, công tác tuyên truyền, vận động đã giúp cán bộ, hội viên, nông dân nhận thức và chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nhất là đã tiếp cận, thụ hưởng được các cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh về khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng NTM. Công tác xây dựng, củng cố tổ chức hội đã góp phần phát triển, nâng cao chất lượng hội viên, số cơ sở hội vững mạnh, xuất sắc tăng cao; có nhiều cán bộ hội các cấp được trưởng thành. Hội Nông dân tỉnh ngày càng khẳng định được vị trí trong hệ thống chính trị, phát huy được vai trò đại diện cho giai cấp nông dân.

Vận động, hỗ trợ nông dân phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM

Trong nhiệm kỳ qua, hội viên, nông dân đã hiến 16.322 m2 đất, đóng góp 199,450 tỷ đồng, trên 1.588.200 ngày công xây dựng NTM.

Thời gian qua, các cấp hội tiếp tục phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động Quỹ Hỗ trợ nông dân, tăng trưởng bình quân đạt 49,6%/năm (tổng dư nợ quỹ toàn tỉnh đạt 55,841 tỷ đồng). Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình phối hợp với các tổ chức tín dụng cung ứng vốn cho nông dân. Tính đến tháng 9/2023, tổng dư nợ các ngân hàng đạt 4.990 tỷ đồng. Trực tiếp và phối hợp tổ chức đào tạo nghề cho 16.702 lao động; gắn đào tạo với cung ứng dịch vụ vật tư đầu vào phục vụ sản xuất, hỗ trợ thành lập tổ nhóm sản xuất, HTX... giúp nông dân có thêm nghề mới, củng cố các nghề truyền thống, đẩy mạnh phát triển SXKD hiệu quả.

Cùng đó, cung ứng dịch vụ phân bón, giống cây, con và các loại vật tư, thiết bị máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp cho bà con theo phương thức trả chậm đảm bảo chất lượng. Hội Nông dân tỉnh cũng ban hành đề án “Xây dựng chuỗi cửa hàng nông sản an toàn trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2019-2023”. Đến nay, toàn tỉnh có 27 cửa hàng nông sản an toàn gắn với phong trào chống rác thải nhựa. Nhờ đó, hội viên, nông dân tích cực thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, sản xuất theo hướng tập trung, ứng dụng công nghệ cao.

Nhiều hội viên, nông dân tích cực thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, sản xuất theo hướng tập trung, ứng dụng công nghệ cao.

Tại các địa phương, nhiều mô hình có quy mô lớn đã cho thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm. Bình quân hằng năm có 87.422 hộ đạt danh hiệu SXKD giỏi các cấp; nhiều nông dân tiêu biểu được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động; Thủ tướng Chính phủ, Hội Nông dân Việt Nam, UBND tỉnh tặng bằng khen; 6 nông dân được Trung ương Hội trao tặng danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc”.

Đặc biệt, hội viên, nông dân đã ý thức cao vai trò, trách nhiệm, tự nguyện hiến đất, hiến cây, đóng góp tiền, ngày công xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, các công trình phúc lợi, công trình giao thông; tập trung xây dựng vườn mẫu, chỉnh trang vườn hộ, xây dựng nhà vườn sinh thái, cụm dân cư sinh thái, làng sinh thái văn minh, khu dân cư mẫu, tổ dân phố mẫu; thực hiện hiệu quả chương trình OCOP.

Trong nhiệm kỳ, các cấp hội đã vận động nông dân hiến 16.322 m2 đất, đóng góp hơn 199,4 tỷ đồng, trên 1.588.200 ngày công, tu sửa và làm mới 1.257 km đường giao thông nông thôn; kiên cố hóa 2.432 km kênh mương, 3.543 cầu cống; chỉnh trang 56.950 vườn hộ; hỗ trợ xây dựng 6.375 vườn mẫu; cắt tỉa, trồng mới 410,8 km hàng rào xanh, 713,2 km bồn hoa; xây dựng 2.065 tuyến đường “sáng, xanh, sạch, đẹp” và đoạn đường tự quản; tham gia xây dựng 1.296 khu dân cư kiểu mẫu...; hỗ trợ các gia đình xây 12.500 hố xử lý nước thải sinh hoạt; 1.398 điểm thu gom, xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng, 4.728 hố ủ phân vi sinh...

Chuyển biến tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp

Lãnh đạo Trung ương Hội Nông dân, lãnh đạo tỉnh đánh giá cao chuỗi cửa hàng nông sản an toàn của Hội Nông dân Hà Tĩnh.

Nhiệm kỳ 2023 - 2028, với tinh thần “Đoàn kết - sáng tạo - hợp tác - phát triển”, nông dân Hà Tĩnh tiếp tục phát huy tinh thần đổi mới sáng tạo, khát vọng vươn lên làm giàu; đoàn kết, tương thân tương ái, hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng NTM.

Phát huy vai trò của tổ chức, Hội Nông dân Hà Tĩnh sẽ xây dựng chương trình, kế hoạch, tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng cho hội viên, nông dân các kiến thức về nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, thông minh, bảo vệ môi trường, sử dụng máy móc cơ giới, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đúng cách trong sản xuất; ứng dụng KHKT, kinh tế, thị trường, pháp luật, chuyển đổi số, kinh tế số; trang bị cho nông dân các kỹ năng sản xuất, marketing, bán hàng, sử dụng công nghệ thông tin, dịch vụ công; nâng cao trình độ, năng lực tham gia thị trường và quản trị cho hội viên nông dân, các chủ trang trại, HTX của hội viên nông dân.

Nhiệm kỳ tới, các cấp hội nông dân sẽ tập trung đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, nâng cao trình độ, kỹ năng cho các nông dân SXKD giỏi, nông dân xuất sắc có đủ năng lực phấn đấu trở thành chủ tịch HĐQT, giám đốc HTX.

Tập trung đào tạo, bồi dưỡng kiến thức nâng cao trình độ, kỹ năng cho các nông dân SXKD giỏi, nông dân xuất sắc có đủ năng lực phấn đấu trở thành chủ tịch HĐQT, giám đốc HTX, doanh nghiệp, trở thành hạt nhân thúc đẩy quá trình “tri thức hóa nông dân”, tạo bước đột phá trong xây dựng lực lượng nông dân chuyên nghiệp, tay nghề cao.

Tuyên truyền, vận động nông dân chuyển biến sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp; vận động nông dân tập trung tích tụ ruộng đất, xây dựng cánh đồng lớn, sản xuất theo chuỗi giá trị của sản phẩm; chuyển dịch cơ cấu kinh tế, mở rộng sản xuất, ứng dụng tiến bộ KHKT tiên tiến vào SXKD; chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, giá trị lợi nhuận cao; từ sản xuất cá thể đơn lẻ sang liên kết, hợp tác mở rộng quy mô sản xuất. Nâng cao trách nhiệm với cộng đồng; sản xuất nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường và đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm.

Đặc biệt, tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức và vận động hội viên, nông dân tham gia thực hiện các chương trình hành động, kế hoạch thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, Đề án thí điểm xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn NTM giai đoạn 2021-2025.

Ngô Văn Huỳnh

Chủ tịch Hội Nông dân Hà Tĩnh

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/doan-the/phat-huy-vai-tro-chu-the-cua-nong-dan-trong-phat-trien-nong-nghiep-kinh-te-nong-thon-xay-dung-nong-thon-moi/254527.htm