Phát huy truyền thống yêu nước, gắn bó đồng hành cùng dân tộc, Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam tiếp tục sứ mệnh tốt đẹp trong giai đoạn mới

Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam là một tổ chức xã hội, đại diện cho phong trào thi đua yêu nước của đồng bào Công giáo, tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Từ khi ra đời năm 1955 đến nay, Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam đã có nhiều đóng góp quan trọng vào việc tập hợp, đoàn kết đồng bào Công giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thúc đẩy sự gắn bó, đồng hành cùng dân tộc của Giáo hội và đồng bào Công giáo Việt Nam, qua đó góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ngược dòng lịch sử, chúng ta đều thấy rằng, ngay từ những năm đầu thế kỷ XX, với sự hun đúc của chủ nghĩa yêu nước chân chính, nhiều linh mục, tu sĩ, tín đồ Công giáo Việt Nam đã tham gia các phong trào yêu nước chống ngoại xâm.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công đã tạo ra những điều kiện thuận lợi mới cho phong trào thi đua "kính Chúa yêu Nước" của đồng bào Công giáo Việt Nam phát triển với nhiều hình thức hoạt động phong phú nhằm hoan nghênh, ủng hộ và bảo vệ chính quyền cách mạng mới được thành lập.

Trên cơ sở của sự phát triển đa dạng phong phú trong phong trào thi đua yêu nước của giới Công giáo, nhiều hình thức tổ chức yêu nước của người Công giáo Việt Nam đã ra đời, góp phần quy tụ, lan tỏa và phát triển phong trào thi đua yêu nước của người Công giáo rộng khắp trong nhiều vùng giáo.

Cách mạng Tháng Tám thành công tiếp tục thổi bùng lên ngọn lửa yêu nước trong đồng bào Công giáo. Một số giám mục người Việt ngay năm 1945 đã gửi thư cho Tòa thánh và cộng đoàn Công giáo thế giới xin ủng hộ Chính phủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hưởng ứng Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong "Tuần lễ vàng" ngày 6/1/1946, giám mục Hồ Ngọc Cẩn đã hiến dây chuyền vàng cho Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa để giúp cách mạng.

Sức hấp dẫn tự thân của Cách mạng Tháng Tám và gắn liền với đó là hình ảnh cao đẹp, vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong không khí của cuộc Cách mạng Tháng Tám đã làm cho đồng bào Công giáo và Giáo hội Công giáo Việt Nam sôi sục, rạo rực trước yêu cầu đấu tranh giành độc lập thống nhất Tổ quốc, bởi có hòa mình trong sự nghiệp cách mạng chung của dân tộc thì đồng bào Công giáo và Giáo hội Công giáo Việt Nam mới có vị trí vẻ vang.

Do vậy, chỉ ít ngày sau khi nước Việt Nam tuyên bố độc lập (2/9/1945), khi thực dân Pháp tiếp tục trở lại xâm lược nước ta một lần nữa thì nhân dân ta, trong đó có nhiều đồng bào Công giáo, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và lãnh tụ Hồ Chí Minh lại bước vào cuộc trường kỳ kháng chiến chống Pháp với quyết tâm sắt đá "Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ".

Hội nghị Đoàn Chủ tịch Trung ương Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2018 - 2023. ẢNH: MẠNH CƯỜNG

Từ trong kháng chiến, phong trào yêu nước và các tổ chức kháng chiến của người Công giáo Việt Nam như: Hội Công giáo kháng chiến Nam Bộ mà nòng cốt là các linh mục Hồ Thành Biên, Võ Thành Trinh..., Ủy ban Liên lạc Công giáo kháng chiến Khu Ba, Khu Tả ngạn, mà nòng cốt là các linh mục Vũ Xuân Kỷ, Nguyễn Thế Vịnh, Phạm Quang Phước... được thành lập, tự nguyện đứng trong hàng ngũ Mặt trận Việt Minh và có những đóng góp quan trọng trong việc đoàn kết, tập hợp đồng bào Công giáo tham gia kháng chiến kiến quốc, góp phần làm nên một chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".

Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng và tiến lên xây dựng Chủ nghĩa xã hội. Nhân dân cả nước và đồng bào miền Nam vẫn tiếp tục cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Lúc này để thực hiện âm mưu chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, chia rẽ tôn giáo phục vụ cho mục tiêu xâm lược nước ta, Đế quốc Mỹ và Ngô Đình Diệm đã kích động, tổ chức một cuộc di cư lớn của hơn nửa triệu người Công giáo từ Bắc vào Nam, gây ra thảm cảnh chia ly và hậu quả xã hội nặng nề mà đất nước, nhiều gia đình Công giáo và Giáo hội Công giáo Việt Nam phải gánh chịu.

Trước tình hình đó, đòi hỏi cần phải có một tổ chức toàn quốc đại diện cho phong trào thi đua yêu nước của đồng bào Công giáo để hướng dẫn đồng bào tiến mạnh trên con đường củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập, dân chủ trong cả nước theo đúng "mẫu mực khôn ngoan của giáo lý". Trên cơ sở đó, tháng 3/1955 Ủy ban Liên lạc những người Công giáo yêu Tổ quốc, yêu hòa bình (gọi tắt là Ủy ban Liên lạc Công giáo toàn quốc) đã ra đời, là một thành viên của Mặt trận Liên Việt nhằm đoàn kết, tập hợp mọi người Công giáo “Kính Chúa yêu Nước” cùng nhân dân cả nước hoàn thành cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Sau đại thắng mùa Xuân năm 1975, đất nước ta được hoàn toàn độc lập thống nhất, dân tộc ta bước sang thời kỳ phát triển mới, tập trung thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phong trào thi đua yêu nước của người Công giáo cũng có bước chuyển biến mới tích cực.

Để thống nhất hoạt động của các phong trào thi đua của giới Công giáo ở các địa phương trong cả nước, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo người Công giáo Việt Nam, tháng 11/1983 Ủy ban Đoàn kết Công giáo yêu nước Việt Nam (sau đổi tên thành Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam) đã ra đời kế tục các tổ chức tiền thân trong phong trào thi đua yêu nước của đồng bào Công giáo Việt Nam, là tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với tôn chỉ, mục đích đoàn kết rộng rãi người Công giáo Việt Nam để thực hiện các nhiệm vụ:

Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; góp sức thực hiện đường hướng: Giáo hội gắn bó với dân tộc, tăng cường xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân trên nền tảng truyền thống đạo đức, văn hóa dân tộc, cảnh giác trước âm mưu chia rẽ của các thế lực thù địch, giữ gìn sự trong sáng của Đạo Thánh Chúa; quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần của mọi người Công giáo; phản ánh tâm tư, nguyện vọng của tín hữu với Nhà nước; cùng toàn dân và Kitô hữu trên thế giới xây dựng và bảo vệ hòa bình, dân chủ, tiến bộ xã hội.

Từ đó đến nay, Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam đã qua 7 kỳ Đại hội và có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp chung của đất nước. Tiếp nối truyền thống tốt đẹp đó, trong những năm qua, nhất là trong nhiệm kỳ 2018 - 2023, Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam đã tích cực tập hợp ý kiến của chức sắc, nam nữ tu sĩ, đồng bào Công giáo tham gia góp ý xây dựng, hoàn thiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, trong đó có chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo (Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định số 162 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo…); tích cực tham gia đóng góp ý kiến xây dựng các dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, Văn kiện Đại hội IX Mặt trận Tổ quốc Việt Nam…

Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam đã tích cực, chủ động trong việc tập hợp tâm tư, nguyện vọng hợp pháp chính đáng của đồng bào Công giáo để phản ánh, đề xuất, kiến nghị với Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quan tâm, kịp thời giải quyết. Định kỳ, Trung ương Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam đều có văn bản tập hợp các ý kiến của đồng bào Công giáo gửi Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổng hợp đưa vào Báo cáo của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân cả nước trình bày tại các kỳ họp Khai mạc Quốc hội.

Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam nhiều tỉnh, thành phố đã quan tâm tập hợp tâm tư, nguyện vọng của đồng bào Công giáo để kiến nghị với cấp ủy, chính quyền, Mặt trận kịp thời giải quyết nhiều nhu cầu hợp pháp, chính đáng của đồng bào và giáo hội, góp phần tăng cường sự đồng thuận xã hội, đoàn kết đồng bào Công giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam các cấp trong nhiệm kỳ qua tiếp tục phát huy truyền thống tương thân, tương ái, đẩy mạnh các hoạt động an sinh xã hội, từ thiện nhân đạo, đền ơn đáp nghĩa, giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, người bị bệnh hiểm nghèo, trẻ em mồ côi, khuyết tật...; đồng thời tuyên truyền, vận động đồng bào Công giáo phát huy quyền làm chủ, thực hiện tốt nghĩa vụ công dân, tuân thủ pháp luật, tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa.

Trong 5 năm qua, phong trào thi đua yêu nước của giới Công giáo cả nước tiếp tục phát triển rộng khắp, trên nhiều lĩnh vực hoạt động xã hội như: Phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo; xã hội hóa y tế, giáo dục, bảo trợ xã hội, dạy nghề, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống đại dịch Covid-191... Đặc biệt là trong thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam phát động, nhất là phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, sống tốt đời đẹp đạo" do Trung ương Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam phát động, đã xuất hiện nhiều tấm gương thi đua yêu nước của các tập thể, cá nhân người Công giáo ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước.

Nhiều nam nữ tu sĩ và giáo dân đã gắn bó hàng chục năm để khám bệnh cho người nghèo, chăm sóc, nuôi dưỡng người già cô đơn, trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, bệnh nhân phong; có nữ tu đã được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới...

Đa số người Công giáo không chỉ chăm chỉ, năng động làm ăn mà còn giàu lòng nhân ái sẻ chia với người nghèo. Những tấm lòng và việc làm thiện nguyện giàu tình bác ái ấy đã và đang làm đẹp hơn lối sống đạo của người Công giáo và góp phần tích cực thực hiện phương châm “Hiệp hành - Chia sẻ - Phục vụ” cũng như đường hướng Thư chung năm 1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam "Sống Phúc âm trong lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào”.

Hướng tới Đại hội đại biểu toàn quốc Người Công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tổ quốc lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023 - 2028, chúng ta đều vui mừng thấy rằng, trong giai đoạn mới, Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam đang có nhiều thuận lợi mới trong đường hướng hoạt động để khẳng định vị trí, vai trò của mình đối với đất nước, với xã hội và Giáo hội.

Một là, đó là sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các chủ trương, chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo để đồng bào các tôn giáo nói chung và đồng bào Công giáo Việt Nam nói riêng thực hiện tốt hơn quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mình và phát huy tốt nhất các giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp cũng như nguồn lực của đồng bào Công giáo cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hai là, phong trào thi đua của đồng bào Công giáo ngày càng phát triển rộng khắp, đa dạng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, từ: Phát triển kinh tế, xóa đói giám nghèo, xây dựng nông thôn mới, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, xã hội hóa y tế, giáo dục, trợ giúp xã hội, dạy nghề… Đây là môi trường xã hội, là cơ sở thực tiễn quan trọng để Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam thực hiện tốt hơn vai trò của mình, vì Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam là tổ chức xã hội đại diện cho phong trào thi đua yêu nước của đồng bào Công giáo.

Ba là, quan hệ giữa Nhà nước ta với Tòa thánh Vatican ngày càng phát triển tốt đẹp. Các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từ đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ… đều đã có các chuyến thăm, hội kiến, trao đổi với Giáo hoàng và Thủ tướng Tòa thánh Vatican và mới đây nhất là chuyến thăm của đồng chí Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tới Tòa thánh, hai bên đã nhất trí nâng cấp quan hệ từ Đại diện không thường trú lên Đại diện Thường trú, thông qua Quy chế hoạt động của Đại diện Thường trú và mớ Văn phòng Đại diện Thường trú Tòa thánh tại Việt Nam.

Các huấn từ, sứ điệp, huấn dụ của Giáo hoàng đã nhìn nhận thẳng thắn về quá khứ, hướng tới tương lai và nhấn mạnh người Công giáo Việt Nam phải là công dân tốt, người Công giáo Việt Nam phải là người yêu nước, đồng hành cùng dân tộc xây dựng đất nước ấm no, hạnh phúc. Đây là những cơ sở quan trọng tạo điều kiện thuận lợi để đồng bào Công giáo Việt Nam ngày càng đoàn kết, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, là tiền đề tốt đẹp cho việc xây dựng tổ chức và hoạt động của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam các cấp.

Bốn là, nhu cầu cuộc sống và thực tiễn phong trào thi đua yêu nước của đồng bào Công giáo ở các địa phương đòi hỏi bản thân tổ chức Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam phải không ngừng đổi mới về tổ chức, nội dung và phương thức hoạt động của mình, qua đó nâng cao vị thế, vai trò xã hội để làm tốt trách nhiệm của tổ chức đại diện cho phong trào thi đua yêu nước của đồng bào Công giáo, cầu nối giữa giáo hội với xã hội, với Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Trong thời gian tới, để tiếp tục thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước trong đồng bào Công giáo, nâng cao vai trò, vị trí của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam đối với xã hội và Giáo hội, trước hết Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam cần chuẩn bị chu đáo các nội dung và tổ chức tốt Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023-2028.

Trong đó, cần quan tâm phát hiện, lựa chọn, giới thiệu nhân sự là các vị linh mục, nam nữ tu sĩ, giáo dân tiêu biểu trên các lĩnh vực hoạt động xã hội của người Công giáo tham gia Trung ương Ủy ban và tham gia Đoàn Chủ tịch Trung ương Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam nhiệm kỳ mới, tạo sự kế thừa và tăng cường các nhân tố mới cho hoạt động của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam thiết thực, sinh động, hiệu quả, có khả năng hiện thực hóa phương châm: "Hiệp hành - Chia sẻ - Phục vụ". Đại hội cũng là dịp để tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung Điều lệ Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam theo hướng thiết thực, hiệu quả, tuân thủ các quy định hiện hành để tạo thuận lợi cho tổ chức và hoạt động của Ủy ban Đoàn kết Công giáo.

Sau Đại hội cần sớm tổ chức triển khai thực hiện tốt các phương hướng, mục tiêu, Chương trình hành động và các giải pháp thiết thực, hiệu quả để đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc người Công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tổ quốc lần thứ VIII đi vào cuộc sống. Qua đó lan tỏa tinh thần, nội dung, chủ đề Đại hội về: Hiệp hành - Chia sẻ - Phục vụ đến với mọi người Công giáo Việt Nam, đến với cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể các cấp và Nhân dân.

Bên cạnh đó, Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam cần tăng cường đổi mới về tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động, bám sát cơ sở, bám sát phong trào, tăng cường ký kết các chương trình, kế hoạch phối hợp công tác với các cơ quan nhà nước, Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội…, phối hợp với các Ủy ban liên quan của Hội đồng Giám mục Việt Nam để triển khai thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội, nhất là trong triển khai phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, sống tốt đời đẹp đạo” và các chương trình an sinh xã hội, từ thiện nhân đạo khác…

Định kỳ tổ chức tập hợp ý kiến của các vị giáo phẩm và đồng bào Công giáo; nắm bắt và phản ánh kịp thời những tâm tư nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của tín đồ, chức sắc, nhà tu hành Công giáo với Đảng, Nhà nước và Mặt trận để xem xét giải quyết, góp phần phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa và tăng cường sự gắn bó, đồng hành cùng dân tộc của người Công giáo Việt Nam.

Phát huy vai trò Ban Thường trực, Đoàn Chủ tịch Trung ương Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam trong hướng dẫn, tổ chức triển khai hoạt động của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam các cấp; tăng cường kiểm tra, đôn đốc, hỗ trợ việc thực hiện các phong trào thi đua yêu nước của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam các tỉnh, thành phố.

Phát huy thế mạnh của người Công giáo trong các hoạt động an sinh xã hội, nhân đạo từ thiện, hoạt động đền ơn đáp nghĩa, phòng, chống tệ nạn xã hội, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu... Góp phần nâng cao vị thế, vai trò của tổ chức Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam với đất nước, với Giáo hội và xã hội.

Đổi mới mạnh mẽ công tác thông tin tuyên truyền; đổi mới về nội dung, hình thức, nâng cao chất lượng Báo Người Công giáo Việt Nam, Trang thông tin điện tử của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam và xem xét tạo lập Trang Fanpage của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam phù hợp với yêu cầu hiện nay và quy định của pháp luật, nhằm đảm bảo sự truyền tải, thông tin nhanh nhạy, kịp thời các hoạt động thi đua yêu nước tiêu biểu, sống “Tốt đời, đẹp đạo” của đồng bào Công giáo, của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam, của Giáo hội đến đồng bào Công giáo và Nhân dân cả nước.

Các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội cần thường xuyên quan tâm lãnh đạo, phối hợp, hỗ trợ để Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam các cấp thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ của mình trong vận động, tập hợp chức sắc, nam nữ tu sĩ và đồng bào Công giáo tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, các hoạt động xã hội. Qua đó tăng cường, củng cố niềm tin của đồng bào Công giáo đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa, khơi dậy khát vọng xây dựng, phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong đồng bào Công giáo.

Thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là những người trực tiếp liên quan đến công tác tôn giáo trong hệ thống chính trị nắm vững các chủ trương, chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước; nắm chắc về nội dung, đường hướng của các tôn giáo để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện tốt công tác tôn giáo, trong đó có công tác đối với Công giáo và Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam. Phát huy tốt các giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và nguồn lực của Công giáo trong xây dựng và phát triển đất nước bền vững.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của mình đối với các thành viên trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trong đó có tổ chức Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam cần luôn quan tâm phối hợp, hỗ trợ, tạo điều kiện để Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam hoàn thành tốt nhiệm vụ với đất nước, với xã hội và với Giáo hội. Phối hợp, hỗ trợ để Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan chuyên môn như: Văn phòng Ủy ban, Báo Người Công giáo Việt Nam, các Ban tư vấn, đồng thời phối hợp, hỗ trợ Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam đổi mới, nâng cao chất lượng các phong trào thi đua yêu nước trong đồng bào Công giáo, nhất là phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, sống tốt đời đẹp đạo” do Trung ương Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam phát động.

Chú thích:

1. Trong phòng, chống đại dịch Covid-19, chỉ riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh các vị chức sắc, chức việc, nam nữ tu sĩ và đồng bào Công giáo Thành phố đã quyên góp ủng hộ tiền, hàng hóa, trang thiết bị y tế, các phần quà trị giá trên 20 tỷ đồng; đã có hơn 1000 lượt các vị linh mục, tu sĩ và giáo dân tình nguyện phục vụ tại các bệnh viện hồi sức, bệnh viện dã chiến thu dung trên địa bàn, hỗ trợ, giúp đỡ việc điều trị cho hàng chục nghìn bệnh nhân nhiễm Covid-19...

Nguyễn Văn Thanh - Tiến sĩ, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam,

Trưởng ban Tôn giáo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Nguồn Mặt Trận: http://tapchimattran.vn/dai-doan-ket/phat-huy-truyen-thong-yeu-nuoc-gan-bo-dong-hanh-cung-dan-toc-uy-ban-doan-ket-cong-giao-viet-nam-tiep-tuc-su-menh-tot-dep-trong-giai-doan-moi-55034.html