Phát huy loại hình du lịch tâm linh - tín ngưỡng gắn với văn hóa lễ hội

Tỉnh Sóc Trăng có nhiều tiềm năng, thế mạnh, nhất là loại hình du lịch tâm linh - tín ngưỡng gắn với văn hóa lễ hội. Bởi nơi đây là vùng đất giàu bản sắc văn hóa của 3 dân tộc Kinh - Khmer - Hoa, với nhiều di tích tôn giáo, tín ngưỡng, nhiều lễ hội truyền thống, nghi thức sinh hoạt văn hóa dân gian được tổ chức thường niên.

Vùng đất giàu tiềm năng du lịch

Sóc Trăng là một trong những vùng đất hội tụ nét giao thoa văn hóa đặc sắc của các dân tộc. Toàn tỉnh có hơn 200 ngôi chùa, miếu của 3 dân tộc Kinh - Khmer - Hoa. Trong đó, có hơn 90 ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer. Mỗi ngôi chùa đều mang theo những lối kiến trúc độc đáo, thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan du lịch, tìm hiểu, nghiên cứu. Đặc biệt, nhiều điểm du lịch tiêu biểu đã được tỉnh quan tâm đầu tư, nâng cấp, mở rộng, nâng chất về cảnh quan, vệ sinh môi trường, an toàn trật tự và chất lượng các dịch vụ phục vụ cho du khách. Những điểm đến nổi tiếng, hấp dẫn như chùa: Mahatup, Kh’leang, Sro Lôn (Chén Kiểu), Bửu Sơn Tự (chùa Đất Sét), Prés Buône Prés Pheak (Bốn Mặt)…

Thượng tọa Lâm Tú Linh - Phó Trụ trì chùa Mahatup, thành phố Sóc Trăng chia sẻ: “Hằng ngày, nhà chùa cũng tiếp đón nhiều du khách đến tham quan, chiêm bái các hạng mục công trình kiến trúc, cũng như tham quan đàn dơi. Vào ngày thứ Bảy và Chủ Nhật hằng tuần, du khách trong và ngoài nước nhiều hơn mọi ngày”.

Đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan điểm du lịch chùa Som Rong, thành phố Sóc Trăng (Sóc Trăng). Ảnh: THẠCH PÍCH

Sóc Trăng cũng có nhiều điểm đến mới thu hút khách du lịch tham quan, chụp ảnh lưu niệm như: Khu Văn hóa Tín ngưỡng tỉnh Sóc Trăng (Thiền viện Trúc Lâm), chùa Som Rong, Quan Âm Linh Ứng, Peam Buôl Thmây (thành phố Sóc Trăng), Sêrây Ta Mơn (huyện Trần Đề), Hải Phước An, chùa Serey Kandal, Cổ miếu Thiên Hậu Thánh Mẫu (thị xã Vĩnh Châu). Ngoài ra, có một số dự án đang triển khai thực hiện như: Khu Văn hóa tín ngưỡng Giếng Tiên (huyện Châu Thành), chùa Quan Âm Đông Hải (thị xã Vĩnh Châu) và Tòa Liên Hoa Bảo tháp (tại điểm du lịch Tân Huê Viên)…

Đại đức Thích Thiện Lộc - Ủy viên Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Sóc Trăng mong rằng, ngành du lịch tuyên truyền, quảng bá hơn nữa để du khách hiểu rõ hơn về quá trình hình thành, phát triển của từng ngôi chùa, về giá trị lịch sử, kiến trúc, các lễ hội truyền thống, nghi lễ tôn giáo của Phật giáo Nam tông và Bắc tông, thông qua việc đến tham quan tìm hiểu các ngôi chùa. Nghiên cứu hình thành tour du lịch 10 chùa Bắc tông và Nam tông giúp cho du khách hiểu rõ hơn về giá trị chung của từng điểm đến, những nét độc đáo của từng ngôi chùa.

Đến với không gian văn hóa lễ hội hấp dẫn

Bên cạnh các điểm đến là các di tích, thắng tích tôn giáo, tín ngưỡng, khi đến với Sóc Trăng, du khách còn được tham gia, hòa mình vào không gian lễ hội truyền thống giàu bản sắc truyền thống văn hóa của 3 dân tộc Kinh - Khmer - Hoa, quy mô các lễ hội ngày càng được nâng lên như: Bânh Chrôy Rum Chêk (cúng Phước Biển - thị xã Vĩnh Châu), Thác Côn (lễ hội cúng Dừa - huyện Châu Thành). Đặc biệt là Lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe ngo truyền thống hằng năm đón khoảng 100.000 lượt khách xem trực tiếp, trên 400.000 lượt khách thông qua mạng xã hội, trong đó, khách ngoài tỉnh và quốc tế trên 20.000 lượt. Theo đó, Lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe ngo tỉnh Sóc Trăng và Lễ hội Nghinh Ông của huyện Trần Đề được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Đồng chí Trần Minh Lý - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng cho biết: “Hiện nay, tỉnh cũng đã xây dựng các dịch vụ du lịch đi kèm như: dịch vụ xe điện phục vụ đưa khách tham quan tại khu vực chùa Mahatup và một số tuyến đường trong nội ô thành phố Sóc Trăng. Ngoài ra, ngành đã, đang và sẽ tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển du lịch, tập trung khai thác tiềm năng du lịch văn hóa lễ hội, di tích lịch sử, du lịch sinh thái... Không chỉ các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản phẩm du lịch, mà các di tích lịch sử, chùa, các điểm đến thu hút khách du lịch có tầm di tích, được khách du lịch quan tâm còn được hỗ trợ 1 tỷ đồng để trang hoàng cảnh quan môi trường, đầu tư thêm các sản phẩm du lịch mới... Hiện nay, ngành cũng xây dựng trên 20 tiết mục văn nghệ tiêu biểu của 3 dân tộc Kinh - Khmer - Hoa phục vụ khách du lịch; thành lập các câu lạc bộ đờn ca tài tử, tụ điểm văn hóa tại các điểm chùa Khmer phục vụ chương trình văn nghệ hát với nhau, góp phần khai thác, phát triển các loại hình văn hóa phi vật thể tại địa phương. Nhiều điểm du lịch của tỉnh cũng đã được hình thành và trở thành điểm đến trong các chương trình tour, tuyến kết nối với các đơn vị lữ hành ngoài tỉnh, hiện tại có trên 45 công ty lữ hành đã đưa khách du lịch theo các tour chính”.

Thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo sát sao trong đầu tư nâng cấp hạ tầng du lịch, nâng tầm các sự kiện, lễ hội đặc trưng, xúc tiến kêu gọi đầu tư các dự án du lịch. Hy vọng, Sóc Trăng sẽ phát huy tiềm năng sẵn có và có thể phát triển thành một trung tâm du lịch tâm linh - tín ngưỡng gắn với văn hóa lễ hội lớn trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

THẠCH PÍCH

Nguồn Sóc Trăng: https://www.baosoctrang.org.vn/van-hoa-the-thao/phat-huy-loai-hinh-du-lich-tam-linh-tin-nguong-gan-voi-van-hoa-le-hoi-69321.html