Phát huy hiệu quả tổ truyền thông cộng đồng

Lễ ra mắt Tổ truyền thông cộng đồng thôn Xí Thoại, xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân. Ảnh: THÁI HÀ

40 tổ truyền thông cộng đồng được hội LHPN các cấp thành lập và duy trì hoạt động tại các xã vùng sâu, vùng xa được kỳ vọng sẽ giúp người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm; xóa bỏ định kiến về giới, tập tục, thói quen có hại cho phụ nữ, trẻ em; đồng thời góp phần hoàn thành các nhiệm vụ mà Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2030 đã đề ra.

Đa dạng hóa hình thức tuyên truyền

Hội LHPN tỉnh vừa tổ chức lễ ra mắt Tổ truyền thông cộng đồng thôn Xí Thoại, xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân. Đây là 1 trong 40 tổ truyền thông cộng đồng đã được thành lập trên địa bàn tỉnh thuộc Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030. Mục tiêu đến năm 2023 có 63 tổ truyền thông cộng đồng được thành lập và duy trì hoạt động.

Tổ truyền thông cộng đồng có 10 thành viên, gồm bí thư chi bộ, trưởng thôn, chi hội trưởng phụ nữ, mặt trận thôn và các đoàn thể ở địa phương. Hàng tháng, tổ truyền thông cộng đồng sẽ tổ chức ít nhất một hoạt động truyền thông như: Lồng ghép nội dung vào các buổi họp thôn, nói chuyện chuyên đề, phát tờ rơi, truyền thông qua loa phát thanh... Tuy thời gian hoạt động chưa lâu, song các tổ truyền thông luôn cố gắng đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, lựa chọn hình thức phù hợp với từng nội dung, đối tượng người dân, bước đầu thu được những kết quả tích cực.

Tổ truyền thông cộng đồng thôn Kỳ Đu (xã Xuân Quang 2) được thành lập cuối năm 2022 là tổ truyền thông đầu tiên trên địa bàn huyện Đồng Xuân. Tuy thời gian đầu gặp nhiều khó khăn, song nhờ tiếng nói của già làng, bí thư chi bộ thôn, những người có uy tín là thành viên của tổ truyền thông mà những nội dung như: Thay đổi khuôn mẫu giới trong việc nhà; hệ lụy của tảo hôn, hôn nhân cận huyết; tác hại việc nuôi vật thả rông; kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản đã được người dân nhận thức đầy đủ hơn.

Bà La O Thị Tím ở xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân cho biết: Thông qua các đợt truyền thông của tổ truyền thông cộng đồng, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đã biết chú trọng nhiều đến việc chăm sóc sức khỏe sinh sản; sàng lọc trước sinh, sơ sinh; nhiều hủ tục không phù hợp đã dần được người dân hiểu biết và mong muốn thay đổi, xóa bỏ.

Tại thôn Soi Nga (xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân), ông Mang Vát, Bí thư chi bộ, thành viên Tổ truyền thông cộng đồng thôn Soi Nga cho biết, thời gian qua, tổ truyền thông cộng đồng thường xuyên đến từng nhà dân để rà soát và nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con, sau đó sẽ lồng ghép nội dung tuyên truyền gắn liền với việc giải quyết các vướng mắc, khó khăn của người dân trong các cuộc họp thôn. Ngoài các nội dung như: Vận động, hướng dẫn bà con phát triển sản xuất, quan tâm trẻ em, tránh bạo lực gia đình và tảo hôn…, tổ còn nhấn mạnh việc bài trừ hủ tục cúng bái khi mắc bệnh và tuyên truyền người dân nên đến các cơ sở y tế để khám và điều trị.

Nâng cao vai trò

Việc các tổ truyền thông cộng đồng tập trung chủ yếu tại các xã vùng sâu, vùng xa của tỉnh, không chỉ giúp người dân thay đổi nhận thức và hành động về bình đẳng giới và quyền lợi trẻ em mà còn góp phần hoàn thành các nhiệm vụ mà Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 đã đề ra.

Tuy nhiên, các mô hình này cũng gặp một số khó khăn nhất định do kinh phí hạn hẹp, kiến thức và kỹ năng của các thành viên còn nhiều hạn chế dẫn đến một số hoạt động của các tổ chưa thật sự hiệu quả.

Theo bà Nguyễn Thị Bé, Chủ tịch Hội LHPN xã Xuân Quang 2, đa phần các tổ truyền thông cộng đồng được thành lập ở nơi đời sống người dân còn nhiều khó khăn, nhận thức chung vẫn còn những hạn chế nhất định. Do đó, để công tác tuyên truyền, vận động của các tổ phát huy hiệu quả, cần có sự kiên trì, nỗ lực của các thành viên trong tổ. Đặc biệt, khi các tổ truyền thông cộng đồng chưa nhận được nhiều sự hỗ trợ của hội LHPN huyện trong việc tổ chức tập huấn cho thành viên có đầy đủ kiến thức, mạnh dạn, tự tin khi tiếp xúc với người dân thì bản thân mỗi thành viên phải không ngừng học hỏi, tìm kiếm thông tin, nâng cao kiến thức, kỹ năng để có thể thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nguyễn Thị Phương Liên đề nghị, trong thời gian tới, các thành viên trong tổ bám sát vào quy chế và nhiệm vụ được giao, duy trì mô hình hoạt động hiệu quả, phát huy vai trò nòng cốt, tập trung tuyên truyền, vận động người dân tại cộng đồng. Đồng hành cùng các tổ truyền thông cộng đồng, Hội LHPN tỉnh sẽ tổ chức các lớp tập huấn trang bị kiến thức về bình đẳng giới và kỹ năng tuyên truyền cho cán bộ hội cũng như các thành viên trong tổ; đồng thời tăng cường phối hợp với các ban ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương đa dạng hóa và lồng ghép các nội dung nhằm tăng tính hiệu quả của mô hình.

Đến thời điểm hiện tại, các cấp hội trong tỉnh đã thành lập 40/63 tổ truyền thông cộng đồng với 391 thành viên. Việc thành lập các tổ truyền thông được kỳ vọng sẽ là cơ hội thúc đẩy mạnh mẽ, tạo sự chuyển biến nâng cao chất lượng cuộc sống, giải quyết một cách căn bản bất bình đẳng trong nhiều lĩnh vực đối với phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Bà Nguyễn Thị Phương Liên, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh

THÁI HÀ

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/141/299432/phat-huy-hieu-qua-to-truyen-thong-cong-dong.html