Phát huy giá trị văn hóa truyền thống, nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số

UBND tỉnh vừa triển khai Kế hoạch thực hiện dự án Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Phú Yên, giai đoạn 2023-2025 (Dự án 6). Dự án này nhằm bảo tồn và phát huy hiệu quả các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc miền núi Phú Yên. Báo Phú Yên phỏng vấn ông Đào Mỹ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh về việc triển khai dự án này.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đào Mỹ

* Việc triển khai thực hiện Dự án 6 nhằm hướng đến những mục tiêu cụ thể nào, thưa ông?

- Dự án 6 là một trong những dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS-MN). Tại Phú Yên Dự án 6 được triển khai tại các địa bàn có người đồng bào DTTS-MN gồm: Sơn Hòa, Sông Hinh, Đồng Xuân, một số xã của huyện Phú Hòa và Tây Hòa.

Triển khai dự án này Phú Yên mong muốn bảo tồn và phát huy hiệu quả các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc; từng bước xây dựng sản phẩm văn hóa đặc trưng gắn với phát triển du lịch, thu hút và đáp ứng nhu cầu du khách trong nước và quốc tế. Qua việc triển khai dự án này nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, đặc biệt là người dân sinh sống ở vùng đồng bào các DTTS-MN, qua đó giúp thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển KT-XH của tỉnh.

Cụ thể, Phú Yên đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ bảo tồn và phát triển hiệu quả các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc; phấn đấu đạt từ 80-100% thôn, buôn có nhà sinh hoạt cộng đồng; 50% thôn, buôn có đội văn hóa, văn nghệ, câu lạc bộ văn hóa truyền thống hoạt động thường xuyên, có chất lượng để phục vụ đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân các huyện miền núi.

* Để đạt được mục tiêu đề ra, Phú Yên sẽ tập trung vào những nội dung, nhiệm vụ cụ thể nào, thưa ông?

- Trong giai đoạn 2021-2025, Phú Yên sẽ triển khai 14 nội dung thuộc Dự án 6, tập trung vào các hoạt động hỗ trợ nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn, phát huy văn hóa phi vật thể các DTTS có nguy cơ mai một; bảo tồn, phát huy lễ hội truyền thống tiêu biểu các DTTS. Tỉnh cũng hỗ trợ đầu tư, bảo tồn buôn văn hóa truyền thống tiêu biểu của các DTTS; xây dựng chính sách hỗ trợ nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú người DTTS trong việc lưu truyền, phổ biến hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống; tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, truyền dạy văn hóa phi vật thể cho những người kế cận…

Tiêu biểu, với nội dung hỗ trợ nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn, phát huy văn hóa phi vật thể các DTTS có nguy cơ mai một, tỉnh sẽ triển khai 3 chương trình truyền dạy cồng chiêng tại huyện Sơn Hòa, Sông Hinh và tập huấn dệt thổ cẩm tại huyện Đồng Xuân; xây dựng 3 mô hình văn hóa truyền thống các DTTS huyện Sơn Hòa, Sông Hinh và Đồng Xuân; xây dựng 6 câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian tại các thôn vùng đồng bào DTTS-MN, vùng di dân tái định cư.

Về nội dung tổ chức bảo tồn, phát huy lễ hội truyền thống tiêu biểu các DTTS, tỉnh sẽ bảo tồn, phục dựng lễ hội xuống đồng (lễ Lồng Toòng) của người Tày, Nùng tại xã Ea Ly (huyện Sông Hinh) và lễ cúng mừng sức khỏe của người Chăm tại thôn Hà Rai, xã Xuân Lãnh (huyện Đồng Xuân).

Tái hiện lễ cúng lúa mới của người dân thôn Kỳ Đu, xã Xuân Quang 2, huyện Đồng Xuân. Ảnh: NGÔ XUÂN

Nhằm tuyên truyền, quảng bá rộng rãi giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu của các DTTS, Phú Yên sẽ triển khai mô hình tuyên truyền quảng bá du lịch tại điểm văn hóa cộng đồng buôn Lê Diêm, thị trấn Hai Riêng (huyện Sông Hinh); tổ chức cuộc thi sáng tạo nghệ thuật về văn hóa DTTS; các cuộc trưng bày triển lãm đề tài về DTTS. Để gìn giữ, bảo tồn văn hóa truyền thống tiêu biểu của các DTTS, Phú Yên triển khai hỗ trợ bảo tồn buôn văn hóa truyền thống tiêu biểu của các DTTS tại buôn Bầu, xã Ea Trol (huyện Sông Hinh), nơi có tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng. Việc bảo tồn các giá trị truyền thống tiêu biểu của các DTTS cũng sẽ là một thế mạnh để quảng bá, thu hút du lịch cho tỉnh nhà.

Trong khuôn khổ Dự án 6, Phú Yên cũng đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao và trang thiết bị tại các thôn vùng đồng bào DTTS-MN cho 73 nhà văn hóa, trung tâm văn hóa các thôn, buôn; hỗ trợ hoạt động cho 84 đội văn nghệ truyền thống tại các thôn vùng đồng bào DTTS-MN; hỗ trợ xây dựng 17 tủ sách cộng đồng cho các xã vùng đồng bào DTTS; hỗ trợ 16 bộ trang thiết bị hoạt động cho thiết chế văn hóa, thể thao và trang thiết bị tại các thôn vùng đồng bào DTTS-MN…

Cùng với đó là các hoạt động tu bổ, tôn tạo cấp di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia có giá trị tiêu biểu của các DTTS; khảo sát, kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa di sản văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS; tổ chức hoạt động thi đấu thể thao truyền thống các DTTS trong các ngày hội, liên hoan, giao lưu nhằm bảo tồn các môn thể thao truyền thống, các trò chơi dân gian của các DTTS…

Người đồng bào DTTS xã Suối Trai, huyện Sơn Hòa luôn quan tâm giữ gìn và truyền dạy nghề dệt thổ cẩm cho các thế hệ sau. Ảnh: NGÔ XUÂN

* Ông có thể chia sẻ thêm về các giải pháp mà UBND tỉnh định hướng cho các sở ngành, địa phương liên quan cần tập trung để đảm bảo thực hiện hiệu quả Dự án 6?

- Để thực hiện hiệu quả Dự án 6, UBND tỉnh yêu cầu các sở ngành, địa phương thuộc vùng đồng bào DTTS-MN tăng cường công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách về công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch. Tăng cường hoạt động tập huấn, bồi dưỡng nhân lực nòng cốt cho công tác bảo tồn, phát huy văn hóa các DTTS từ cấp tỉnh đến cơ sở; gắn bảo tồn, phát triển văn hóa các DTTS với phát triển KT-XH, đảm bảo quan hệ hài hòa giữa phát triển kinh tế và văn hóa, giữa bảo tồn, phát huy và phát triển.

Các địa phương có người đồng bào DTTS cần chủ động nghiên cứu, lồng ghép các chương trình, dự án về phát triển văn hóa các DTTS với các chương trình, dự án phát triển KT-XH, chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS-MN. Huy động nguồn tài chính từ ngân sách nhà nước, từ xã hội hóa; khuyến khích và tạo điều kiện để tổ chức cá nhân đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa và tổ chức các hoạt động văn hóa, khôi phục các loại hình di sản văn hóa phi vật thể của các DTTS trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, tăng cường nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ; xây dựng cơ sở dữ liệu đồng bộ vùng đồng bào DTTS-MN để từng bước tiến hành số hóa các di sản văn hóa dân tộc, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đạt hiệu quả cao.

Về kinh phí, tại Kế hoạch 199/KH-UBND về triển khai thực hiện Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS-MN, trong giai đoạn 2021-2025, Phú Yên sẽ dành hơn 48 tỉ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện Dự án 6. Trong đó, nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ trên 42 tỉ đồng; ngân sách địa phương hơn 6,3 tỉ đồng. Ngoài ra, tùy theo nhu cầu thực tế, tỉnh sẽ huy động thêm các nguồn vốn tín dụng từ Ngân hàng Chính sách xã hội và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác để triển khai thực hiện dự án này.

* Xin cảm ơn ông!

Vùng đồng bào DTTS-MN Phú Yên là địa bàn cư trú lâu đời của 3 dân tộc chính là Ê Đê, Chăm, Ba Na. Đến nay, cộng đồng các dân tộc phát triển đa dạng và phong phú với 33 dân tộc anh em, trong đó có 32 DTTS với 60.128 người, chiếm 6,9% dân số toàn tỉnh. Mỗi dân tộc có sắc thái văn hóa riêng, góp phần tạo nên sự đa dạng, phong phú của nền văn hóa tỉnh nhà.

NGÔ XUÂN (thực hiện)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/420/297122/phat-huy-gia-tri-van-hoa-truyen-thong-nang-cao-doi-song-dong-bao-cac-dan-toc-thieu-so.html