Phát huy giá trị các Khu dự trữ sinh quyển thế giới của Việt Nam

Ngày 3-11, tại Hà Nội, Ủy ban Quốc gia Chương trình Con người và Sinh quyển Việt Nam (MAB Việt Nam) phối hợp Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học (Bộ Tài nguyên và Môi trường) và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết Mạng lưới các Khu dự trữ sinh quyển Thế giới của Việt Nam và Hội thảo khoa học 'Phát huy giá trị các Khu dự trữ sinh quyển Thế giới của Việt Nam phục vụ phát triển bền vững'.

Tính đến nay, Việt Nam đã có 11 Khu dự trữ sinh quyển thế giới, chỉ đứng sau Indonesia về số lượng các khu dự trữ sinh quyển thế giới tại khu vực Đông Nam Á. Khu dự trữ sinh quyển là khái niệm được UNESCO đưa ra năm 1971, nhằm công nhận và thiết lập các khu vực rộng lớn có cảnh quan thiên nhiên, giá trị đa dạng sinh học, văn hóa cao bao gồm các hệ sinh thái quan trọng trên cạn, vùng đất ngập nước, biển, ven biển...

Phát biểu tại hội nghị, bà Hoàng Thị Thanh Nhàn, Phó cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học cho biết: Việc quản lý hiệu quả các khu dự trữ sinh quyển thế giới đóng vai trò quan trọng trong việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, thông qua việc thúc đẩy các sáng kiến mới để phát triển kinh tế, đồng thời đảm bảo tính bền vững về mặt xã hội, văn hóa và môi trường. Bộ Tài nguyên và Môi trường đang nỗ lực xây dựng các chính sách và khung pháp lý để tăng cường hơn nữa việc quản lý các khu dự trữ sinh quyển thế giới ở Việt Nam.

GS, TS Nguyễn Hoàng Trí, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Chương trình Con người và Sinh quyển Việt Nam cho biết: Hội nghị thường niên Mạng lưới các Khu Dự trữ sinh quyển thế giới của Việt Nam là dịp để 11 Khu dự trữ sinh quyển của Việt Nam nhìn lại một năm hoạt động, rút ra những bài học kinh nghiệm cũng như cùng nhau định hướng hoạt động cho giai đoạn tiếp theo.

Toàn cảnh hội nghị.

Trong những năm tới, Mạng lưới các Khu dự trữ sinh quyển thế giới của Việt Nam định hướng xây dựng khung cơ cấu quản lý thống nhất, phát triển nhãn sinh thái Khu dự trữ sinh quyển thế giới, thúc đẩy du lịch sinh thái, kinh tế xanh và phát triển sinh kế cho người dân địa phương nhằm góp phần giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Dự án Lồng ghép quản lý tài nguyên thiên nhiên và các mục tiêu về bảo tồn đa dạng sinh học vào quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội và quản lý các khu dự trữ sinh quyển ở Việt Nam, do Bộ Tài nguyên và Môi trường và UNDP thực hiện trong 5 năm (khởi động từ năm 2020), nhằm thúc đẩy việc quản lý tổng hợp các Khu dự trữ sinh quyển thế giới, cụ thể là ở các Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An, Cù Lao Chàm (Hội An) và Đồng Nai, đồng thời ưu tiên phục hồi 4.000 ha rừng bị suy thoái và quản lý bền vững 60.000 ha các khu vực dành riêng (là các khu vực nằm ngoài Khu bảo tồn, có giá trị cao về đa dạng sinh học). Đáng chú ý, dự án trực tiếp hỗ trợ để cải thiện sinh kế cho 2.500 hộ gia đình địa phương, đặc biệt chú trọng sự tham gia của phụ nữ, chiếm 40% số người hưởng lợi, vào các hoạt động của dự án.

Tin, ảnh: LA DUY

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/tin-tuc/phat-huy-gia-tri-cac-khu-du-tru-sinh-quyen-the-gioi-cua-viet-nam-749900