Phát huy bản sắc 'ngoại giao cây tre' trong đối ngoại nhân dân

Nhân dịp đón Xuân Giáp Thìn 2024, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (VUFO) Phan Anh Sơn đã trả lời phỏng vấn báo chí về những thành tựu nổi bật trong công tác đối ngoại nhân dân (ĐNND) của VUFO năm vừa qua, đồng thời chia sẻ góc nhìn về việc phát huy bản sắc 'ngoại giao cây tre' trong ĐNND.

Phóng viên (PV): Xin ông cho biết những thành tựu nổi bật trong công tác ĐNND của VUFO năm vừa qua?

Chủ tịch VUFO Phan Anh Sơn: Năm 2023 là năm bận rộn của đối ngoại Việt Nam, trong đó nổi bật là ngoại giao cấp cao. Các đồng chí lãnh đạo chủ chốt đã thực hiện 45 chuyến thăm tới các nước láng giềng, các đối tác quan trọng, bạn bè truyền thống và đón gần 50 đoàn lãnh đạo các nước, tổ chức quốc tế tới thăm Việt Nam, tạo nên bước phát triển mới về chất trong cục diện đối ngoại và hội nhập quốc tế của nước ta.

Trong tổng thể một năm bận rộn và thành công của đối ngoại Việt Nam, VUFO đã làm tốt vai trò trụ cột, nòng cốt trong công tác ĐNND và có những đóng góp nổi bật trên nhiều lĩnh vực. Trong năm qua, việc duy trì quan hệ với các đối tác hiện có được VUFO củng cố thêm một bước. Đặc biệt, chúng tôi đã thực hiện rà soát toàn bộ hệ thống đối tác ở tất cả các châu lục, từ đó củng cố và mở rộng mạng lưới đối tác của VUFO.

Năm 2023, nhân kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với các nước, chúng tôi đã triển khai rất nhiều hoạt động ĐNND dưới những hình thức mới, nội dung và cách tiếp cận mới. Các hoạt động kỷ niệm được lồng ghép trong chuỗi hoạt động nhân chuyến thăm của đoàn lãnh đạo cấp cao các nước đến Việt Nam. Ví dụ Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản (21-9-1973 / 21-9-2023) được tổ chức nhân dịp Hoàng thái tử Akishino và Công nương Kiko tới thăm Việt Nam. Đây có thể nói là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa ngoại giao Nhà nước và ĐNND, có lồng ghép truyền tải rất nhiều giá trị về quan hệ hữu nghị hợp tác nhân dân hai nước, về văn hóa, chính sách và những điểm đáng chú ý trong chủ trương, đường lối đối ngoại của Việt Nam.

Các đại biểu tại buổi Gặp gỡ hữu nghị chào Xuân Giáp Thìn 2024 do VUFO tổ chức. Ảnh: THU ANH

Năm qua có rất nhiều hoạt động đối ngoại cấp cao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Trong khuôn khổ các hoạt động đối ngoại cấp cao đó, VUFO đã phối hợp và hậu thuẫn đắc lực cho đối ngoại Đảng và ngoại giao Nhà nước, triển khai các hoạt động đối ngoại trên kênh nhân dân với hình thức và nội dung đa dạng, đi vào chiều sâu, hiệu quả. Một ví dụ điển hình là cuộc gặp gỡ nhân sĩ hữu nghị và thế hệ trẻ hai nước Việt Nam-Trung Quốc, nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Đây là cuộc gặp vô cùng đặc biệt bởi có sự tham dự của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và phu nhân, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân, cùng lãnh đạo cấp cao của hai nước và gần 400 nhân sĩ hữu nghị, thanh niên Việt Nam và Trung Quốc. Quan trọng hơn, trong bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đều nhấn mạnh quan hệ hữu nghị nhân dân là nền tảng, là động lực, là yếu tố rất quan trọng để thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc. Thông qua các hoạt động như thế, trên kênh nhân dân chúng tôi muốn truyền tải thông điệp: Việt Nam trước sau như một luôn thủy chung, nghĩa tình, mãi mãi ghi nhớ, biết ơn sâu sắc sự ủng hộ mạnh mẽ và sự giúp đỡ chí tình của bạn bè quốc tế. Việt Nam luôn là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Đây là phương châm xuyên suốt của đối ngoại Việt Nam.

Bên cạnh đó, mảng công tác phi chính phủ nước ngoài, công tác nghiên cứu, tham mưu và thông tin tuyên truyền đối ngoại đều được VUFO thực hiện theo phương châm “chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả”, qua đó đóng góp thiết thực vào việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; huy động các nguồn lực bên ngoài, nâng cao hơn nữa vị thế và uy tín của đất nước, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích quốc gia-dân tộc.

PV: “Ngoại giao cây tre Việt Nam” là khái niệm được nhắc đến nhiều trong những năm trở lại đây mỗi khi đề cập chính sách đối ngoại của Việt Nam. Ông có thể làm rõ hơn khái niệm “ngoại giao cây tre” trong công tác ĐNND?

Chủ tịch VUFO Phan Anh Sơn: Thời gian qua, công tác đối ngoại của Việt Nam nói chung và ĐNND nói riêng diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến động sâu sắc. Xung đột và tranh chấp có xu hướng gia tăng. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt. Bên cạnh đó là những thách thức như dịch bệnh, biến đổi khí hậu, thiên tai... Tình hình đó tác động sâu sắc, nhiều chiều tới Việt Nam, đòi hỏi mặt trận đối ngoại nói chung, công tác ĐNND nói riêng phải không ngừng nỗ lực, củng cố và đưa các mối quan hệ đối ngoại thêm chặt chẽ, đi vào chiều sâu, nâng cao chất lượng, hiệu quả hội nhập quốc tế, góp phần tạo thế và lực mới cho đất nước.

Do vậy chúng ta cần kế tục và phát huy sức mạnh của trường phái đối ngoại và ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh, mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam", mềm mại, khôn khéo, nhưng rất kiên cường.

Khái niệm về ngoại giao cây tre được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cập lần đầu tiên vào năm 2016. Và gần đây nhất, cuốn sách của Tổng Bí thư về “Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam" cũng đề cập rất kỹ về trường phái đối ngoại, ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh, mang đậm bản sắc dân tộc của Việt Nam, thể hiện được tâm hồn, cốt cách, khí phách của con người Việt Nam, của dân tộc Việt Nam với 3 cụm từ quan trọng, đó là: Gốc vững, thân chắc và cành uyển chuyển.

Từ góc độ của VUFO, chúng tôi cho rằng gốc vững chỉ những mục tiêu, đường lối đối ngoại của Việt Nam. Đó là thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Lấy lợi ích quốc gia-dân tộc làm gốc. Gốc vững cũng chính là sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngoài ra, cũng có thể hiểu gốc vững là tinh thần, ý chí, cốt cách của con người, dân tộc Việt Nam tự lực, tự cường, độc lập, tự chủ.

Trong khi đó, thân chắc là sự phối hợp. Dưới góc nhìn của những người làm công tác ĐNND, điều này ám chỉ sự phối hợp giữa 3 trụ cột: Đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và ĐNND. Tại Hội nghị tổng kết công tác đối ngoại năm 2023 diễn ra ngày 8-1-2024, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương đã nhấn mạnh nhiệm vụ quan trọng của 3 trụ cột đối ngoại là công tác phối hợp. Nếu phối hợp đồng bộ, toàn diện, chặt chẽ, hiệu quả, 3 trụ cột sẽ tạo ra sức mạnh tổng hợp cho nền ngoại giao, đối ngoại Việt Nam.

Cành uyển chuyển chính là chủ động, linh hoạt, sáng tạo và hiệu quả. Điều này cũng phù hợp với phương châm trong công tác ĐNND của VUFO. Bản chất của công tác ĐNND là công tác vận động bạn bè quốc tế, nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam; cung cấp thông tin để nhân dân thế giới hiểu rõ hơn về chính sách của Đảng và Nhà nước ta, xây dựng tình cảm hữu nghị giữa nhân dân ta và nhân dân các nước.

Trong môi trường quốc tế phức tạp, đối tượng, đối tác đan xen, vừa đấu tranh, vừa hợp tác trên cơ sở lợi ích, ĐNND với lợi thế riêng, linh hoạt, mềm dẻo, có khả năng tiếp cận và thiết lập quan hệ rộng rãi với các đối tượng, có thể hỗ trợ hiệu quả cho đối ngoại Đảng và ngoại giao Nhà nước. Đây có thể hiểu là sự uyển chuyển dưới góc nhìn của ĐNND.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

NGỌC THƯ (ghi)

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/phat-huy-ban-sac-ngoai-giao-cay-tre-trong-doi-ngoai-nhan-dan-764574