Phát hiện vi phạm về luật Sở hữu trí tuệ tại Công ty TNHH Máy tính Hà Nội

(Xã hội) - Hành vi cài đặt phần mềm Microsoft không bản quyền cho các máy tính mới để bán cho khách hàng là vi phạm bản quyền...

Công ty TNHH Máy tính Hà Nội

Mới đây, trong đợt kiểm tra vào ngày 10 tháng 12 năm 2013, đoàn Thanh tra liên ngành thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội phối hợp với lực lượng cảnh sát Hà Nội đã phát hiện các máy tính thương hiệu ASUS, LENOVO và ACER cùng các sản phẩm ổ cứng tại công ty TNHH Máy tính Hà Nội tại 43 Láng Hạ, Hà Nội có cài đặt trái phép các phần mềm Microsoft không bản quyền gồm Windows 8 pro, Window 7 Ultimate và Microsoft Enterprise 2007.

Công ty TNHH Máy tính Hà Nội là một trong những doanh nghiệp dẫn đầu trong lĩnh vực bán lẻ các sản phẩm CNTT, nhưng đây không phải là lần đầu tiên doanh nghiệp này bị phát hiện vi phạm về luật Sở hữu trí tuệ. Trước đó, vào ngày 8 tháng 5 năm 2013, các cơ quan chức năng cũng đã phát hiện hành vi cài đặt phần mềm Microsoft không bản quyền cho các máy tính mới để bán cho khách hàng tại một cửa hàng khác của doanh nghiệp tại 131 Lê Thanh Nghị, Hà Nội.

Sau khi bị phát hiện, Công ty TNHH Máy tính Hà Nội đã ký vào biên bản vi phạm, thừa nhận hành vi sử dụng phần mềm không có bản quyền phục vụ các hoạt động kinh doanh tại đơn vị và cam kết sẽ tuân thủ các quy định hiện hành, đồng thời khắc phục các lỗi vi phạm trong thời gian ngắn nhất. Ngoài ra, công ty TNHH Máy tính Hà Nội cũng sẽ phải chịu các mức xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật.

Trên thực tế, sử dụng các chương trình máy tính bất hợp pháp có thể khiến máy tính vị nhiễm virus và các phần mềm nguy hiểm, dẫn đến việc bị ăn cắp thông tin ổ cứng hoặc mất toàn bộ dữ liệu. Bên cạnh đó, người sử dụng các phần mềm máy tính bất hợp pháp, dù là vô tình, cũng có nguy cơ bị khởi kiện.

Vì vậy, chính các nhà cung cấp máy tính như công ty TNHH Máy tính Hà Nội phải đóng một vai trò quan trọng trong việc giảm tỷ lệ vi phạm bản quyền tại Việt Nam, vì do tương tác trực tiếp với người tiêu dùng, các doanh nghiệp này là những người thích hợp nhất để thay đổi nhận thức cho người mua máy tính về việc sử dụng các phần mềm có bản quyền để tránh các nguy cơ liên quan đến an ninh và pháp lý. Do đó, nếu các đơn vị này nghiêm túc tuân thủ luật Sở hữu trí tuệ và cam kết không tự ý hoặc hỗ trợ khách hàng cài đặt các phần mềm không bản quyền khi bán máy tính, thì dần dần nhận thức của người tiêu dùng cũng sẽ được thay đổi góp phần giảm tỷ lệ vi phạm bản quyền tại Việt Nam.

Trong những năm gần đây, rất nhiều chương trình vận động, giáo dục và kêu gọi chống vi phạm bản quyền đã được triển khai với sự phối hợp của Cục Bản quyền Việt nam, Thanh tra Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch cùng Liên minh Phần mềm doanh nghiệp, nhằm giúp thay đổi nhận thức và thói quen sử dụng phần mềm hợp pháp của người dân, đồng thời nâng cao ý thức tôn trọng luật Sở hữu trí tuệ, góp phần hướng tới những tác động tích cực cho sự phát triển ngành CNTT cũng như sự thịnh vượng của cả nền kinh tế quốc gia.

Vi phạm bản quyền không chỉ kìm hãm sự phát triển của nền công nghiệp phần mềm, mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế và làm tổn hại đến hình ảnh quốc gia trong quá trình hội nhập kinh tế thế giới. Vì vậy, theo chính sách của chính phủ, các hoạt động thanh tra này sẽ gửi đi một thông điệp cảnh cáo hữu hiệu nhằm giảm thiểu tỉ lệ vi phạm bản quyền phần mềm trong nước xuống ngang với tiêu chuẩn thế giới .

Nguồn Xã Hội: http://xahoi.com.vn/kinh-doanh/kinh-doanh/thi-truong-tieu-dung/phat-hien-vi-pham-ve-luat-so-huu-tri-tue-tai-cong-ty-tnhh-may-tinh-ha-noi-156239.html