Phát hiện hàm lượng nước cao trong các mẫu đất ở Mặt Trăng

Mặt trăng trên bầu trời nhìn từ Washington, DC, Mỹ, ngày 24/6/2021. Ảnh: AFP/ TTXVN

* Trung Quốc sẽ giúp UAE đưa tàu thám hiểm lên Mặt Trăng trong tương lai

Kết quả phân tích các mẫu Mặt Trăng, được tàu Thường Nga 5 (Chang'e-5) của Trung Quốc, đưa về Trái Đất, cho thấy các khoáng chất trên bề mặt Mặt Trăng có hàm lượng nước lớn.

Các nhà nghiên cứu của Viện Địa hóa thuộc Viện Khoa học Trung Quốc đã tìm thấy một lượng lớn nước trong các mẫu đất trên Mặt Trăng, với hàm lượng ước tính ít nhất là 170 phần triệu, tương đương 170 gam nước/1 tấn đất Mặt Trăng.

Phát hiện, được công bố trên tạp chí Nature Communications đầu tháng 9, khẳng định các khoáng chất trên Mặt Trăng là nguồn chứa nước quan trọng.

Tháng 1 vừa qua, một nhóm các nhà nghiên cứu Trung Quốc lần đầu xác nhận sự hiện diện của nước trong các mẫu lấy ở Mặt Trăng, được tàu Thường Nga 5 đưa về Trái Đất.

Sau đó, vào tháng 6, nhóm nghiên cứu khác của Trung Quốc tuyên bố tàu thăm dò Mặt Trăng đã phát hiện dấu hiệu của nước ở dạng hydroxyl tại bãi đáp, nhưng hàm lượng nước tổng thể của các mẫu tương đối thấp.

Tàu thăm dò Thường Nga 5 của Trung Quốc đã quay trở lại Trái Đất vào ngày 17/12/2020, sau khi lấy được tổng cộng 1.731 g mẫu vật Mặt Trăng từ khu vực Đông Bắc Oceanus Procellarum - ở vĩ độ cao hơn so với toàn bộ các tàu lấy mẫu trước đó.

Theo các nhà nghiên cứu, do thiếu bằng chứng trực tiếp từ việc phân tích mẫu, nên sự hình thành và phân bố của nước trên bề mặt Mặt Trăng vẫn chưa rõ ràng.

Tuy nhiên, nghiên cứu này đã cung cấp tài liệu tham khảo cho sự phân bố nước ở khu vực vĩ độ giữa của Mặt Trăng.

* Phóng viên TTXVN tại Trung Đông dẫn truyền thông Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE) ngày 16/9 đưa tin Trung Quốc sẽ giúp nước này đưa một tàu thám hiểm lên Mặt Trăng trong nỗ lực hợp tác đầu tiên giữa hai nước về lĩnh vực vũ trụ.

Để thực hiện mục tiêu này, Trung tâm Vũ trụ Mohammed bin Rashid (MBRSC) của UAE và Cơ quan Quản lý Không gian Quốc gia Trung Quốc (CNSA) đã ký Bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác trong lĩnh vực khám phá không gian.

CNSA sẽ giúp đưa tàu thám hiểm do MBRSC phát triển lên khám phá Mặt Trăng, đánh dấu bước khởi đầu của dự án không gian chung đầu tiên giữa Trung Quốc và UAE, cũng như đặt nền móng cho các cơ hội hợp tác tiếp theo trong tương lai.

Phía MBRSC nhận định việc hợp tác với Trung Quốc sẽ giúp UAE dễ dàng tiếp cận Mặt Trăng hơn trong khi không cần phải chế tạo tàu đổ bộ.

UAE là nước thành viên đầu tiên của Hiệp định Artemis, một hiệp ước quốc tế quy định các quy tắc về khám phá Mặt Trăng có trách nhiệm và thiết lập sự hiện diện bền vững của con người, tham gia dự án không gian với Trung Quốc.

Hiệp định Artemis do Mỹ đứng đầu và là điều kiện tiên quyết để hợp tác với Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA). Đây cũng là kênh hình thành liên minh toàn cầu về khám phá vũ trụ.

Theo kế hoạch, UAE sẽ triển khai sứ mệnh Mặt Trăng đầu tiên của mình vào tháng 11 tới bằng việc đưa tàu thăm dò Rashid nặng 10kg lên bề mặt Mặt Trăng.

Tuy nhiên, sứ mệnh lần này sẽ được thực hiện với sự giúp sức của tàu đổ bộ Hakuto-R Mission 1 của Nhật Bản.

T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/92/286079/phat-hien-ham-luong-nuoc-cao-trong-cac-mau-dat-o-mat-trang.html