Phát động mạnh mẽ các phong trào thi đua yêu nước, góp phần thực hiện thắng lợi phát triển kinh tế - xã hội

Nhân dịp Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Đắk Nông lần thứ IV, giai đoạn 2020-2025, đồng chí Trần Xuân Hải, UVTVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Đắk Nông về những kết quả nổi bật của công tác thi đua - khen thưởng thời gian qua và những định hướng lớn trong thời gian tới.

Đồng chí Trần Xuân Hải, UVTVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh

PV: Đồng chí có thể khái quát về tác động tích cực của phong trào thi đua yêu nước của tỉnh những năm gần đây?

Đ/c Trần Xuân Hải: Trong giai đoạn 2016-2020, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã triển khai, thực hiện các phong trào thi đua yêu nước gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Các phong trào thi đua đều tập trung bám sát vào chương trình trọng tâm của tỉnh, lấy các ngày kỷ niệm lớn trong năm làm trọng điểm. Việc phát động và tổ chức các phong trào thi đua yêu nước đã tác động tích cực đến kết quả và chất lượng trên từng lĩnh vực.

Trên lĩnh vực kinh tế, các phong trào thi đua được tổ chức bảo đảm thiết thực, hiệu quả, gắn với nhiệm vụ chính trị được giao. Qua đó, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tăng thu ngân sách Nhà nước hàng năm, bảo đảm an sinh xã hội, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đầu người năm sau cao hơn năm trước, huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống giao thông, năng lượng, thủy lợi, đô thị… Nhiều công trình trọng yếu, thiết yếu được đưa vào sử dụng, tạo diện mạo mới, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Lĩnh vực văn hóa-xã hội đã có nhiều chuyển biến tích cực, các phong trào ngày càng phát triển và đi vào chiều sâu, góp phần xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, khơi dậy sức sáng tạo trong các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, giữ gìn và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Các phong trào thi đua trên lĩnh vực an ninh - quốc phòng được duy trì và thực hiện có hiệu quả, trở thành động lực thúc đẩy mỗi cán bộ, chiến sĩ phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đạt được nhiều thành tích trong bảo vệ an ninh Tổ quốc. Các phong trào thi đua góp phần giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng và bảo vệ pháp luật.

Trong công tác xây dựng Đảng, các phong trào thi đua gắn liền đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Các cơ quan Đảng từ tỉnh đến cơ sở tổ chức nhiều phong trào thi đua sôi nổi, thiết thực, có sức lan tỏa rộng, góp phần nâng cao chất lượng trong công tác nghiên cứu, tham mưu, xây dựng các đề án, đề xuất các chủ trương, chính sách, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng, tăng cường sự gắn kết giữa Đảng với Nhân dân.

Qua các phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân xuất sắc, các tấm gương điển hình tiên tiến, tiêu biểu trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, được các ngành, các cấp tặng thưởng nhiều danh hiệu và hình thức khen thưởng xứng đáng. Với sức lan tỏa mạnh mẽ, các phong trào thi đua yêu nước góp phần hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

PV: Đồng chí cho biết những đổi mới về tổ chức phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng trong giai đoạn vừa qua?

Đ/c Trần Xuân Hải: Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã quán triệt và triển khai sâu rộng các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng; phát động mạnh mẽ các phong trào thi đua yêu nước, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội và nhiệm vụ chính trị được giao.

Các phong trào thi đua đã bám sát các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá, đi vào chiều sâu, gắn với xây dựng các gương điển hình, tiên tiến, đề cao tính phối hợp trong thực hiện, có phát động, tổng kết, tạo đòn bẩy về lâu dài.

Toàn tỉnh đã thực hiện có hiệu quả kế hoạch tổ chức phong trào thi đua “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới”, đẩy mạnh phong trào “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển” và phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” gắn với "đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Các cấp chính quyền ngày càng phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong việc động viên các tầng lớp Nhân dân tích cực hưởng ứng, tham gia phong trào thi đua, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy phong trào thi đua chung của tỉnh phát triển sâu rộng, bền vững và đạt hiệu quả cao.
Các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị đã trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về chất lượng, hiệu quả công tác thi đua, khen thưởng; tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, ngăn ngừa tiêu cực trong công tác thi đua, khen thưởng; làm tốt công tác phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết, nhân rộng điển hình tiên tiến, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ.

Trong quá trình khen thưởng có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ từ trên xuống dưới, bảo đảm đúng nguyên tắc và đạt được các yêu cầu: Chính xác, dân chủ, kịp thời, công khai, xây dựng được tinh thần đoàn kết phấn khởi, nêu cao tính tự phê bình và phê bình, đánh giá đúng người, đúng việc, đáp ứng đầy đủ hồ sơ, thủ tục. Đặc biệt lưu ý đến các nhân tố mới, khen thưởng đột xuất và khen thưởng cho các tập thể nhỏ và người trực tiếp lao động.

Người dân xã Buôn Choáh (Krông Nô) thu hoạch lúa vụ hè thu. Ảnh: Lê Phước

PV: Xin đồng chí cho biết những nội dung, biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thi đua, khen thưởng của tỉnh thời gian tới?

Đ/c Trần Xuân Hải: Trong thời gian tới, để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thi đua, khen thưởng, tỉnh Đắk Nông cần tập trung thực hiện các nội dung, giải pháp, cụ thể.

Trước hết, tỉnh tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 7/4/2014 của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 20-CT/TU ngày 7/11/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “Về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng”; tiếp tục tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước.

Cùng với tập trung tuyên truyền, phát huy hơn nữa những kết quả đạt được, những cách làm hay, sáng tạo, các cấp, các ngành khắc phục nhanh những hạn chế mà đại hội thi đua yêu nước các cấp đã đề ra.

Thứ hai, để đổi mới việc tổ chức các phong trào thi đua yêu nước, thì cần tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua đã phát động. Việc tổ chức các phong trào thi đua yêu nước thiết thực, hiệu quả, đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức và bảo đảm tiêu chí, nội dung cụ thể; thực hiện sơ kết, tổng kết các phong trào thi đua để đánh giá, rút kinh nghiệm.

Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong việc vận động đoàn viên, hội viên, các tầng lớp Nhân dân và cả hệ thống chính trị tham gia vào phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng. Cùng với các phong trào thi đua thường xuyên, hàng năm, kết hợp tổ chức, phát động các phong trào thi đua theo đợt, chuyên đề.

Toàn tỉnh tiếp tục đẩy mạnh, tổ chức tốt, hiệu quả các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh và các đơn vị, địa phương phát động, trọng tâm là các phong trào: “Đắk Nông chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Doanh nghiệp Đắk Nông hội nhập và phát triển”, “Đắk Nông chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Đắk Nông thực hiện văn hóa công sở”, “Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính tỉnh Đắk Nông”… gắn với “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Thứ ba, các cơ quan chuyên môn các cấp tiếp tục phối hợp, tổ chức thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nhân rộng điển hình tiên tiến; đẩy mạnh việc phát hiện, bồi dưỡng điển hình từ cơ sở; thực hiện tốt, đồng bộ 4 khâu “phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết, nhân điển hình tiên tiến”.

Các cơ quan truyền thông phát huy hết vai trò, chức năng, mở chuyên trang, chuyên mục, tăng thời lượng phát sóng để tuyên truyền, nhân rộng điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua yêu nước, tuyên truyền tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng.

Thứ tư, việc thực hiện công tác khen thưởng bảo đảm kịp thời, chính xác, công khai, minh bạch và đúng quy định; chủ động khen thưởng theo thẩm quyền các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua và thành tích cứu người, cứu tài sản… Quan tâm khen thưởng nhiều hơn các đối tượng là tập thể nhỏ, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng khó khăn, cá nhân là người trực tiếp lao động, sản xuất, công tác.

Nâng cao chất lượng khen thưởng, tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trong Nhân dân trước khi đề nghị các cấp có thẩm quyền khen thưởng. Công khai, minh bạch trong việc xét duyệt khen thưởng, bảo đảm yêu cầu nêu gương, giáo dục, động viên.

Cuối cùng, cần củng cố, kiện toàn Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp, không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động và phát huy vai trò, trách nhiệm của các thành viên. Công chức làm công tác thi đua, khen thưởng phát huy vai trò, trách nhiệm, chủ động tham mưu. Tổ chức bộ máy làm công tác thi đua, khen thưởng các cấp cần được ổn định, thống nhất, được đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ.

Thành viên Hội đồng Thi đua-Khen thưởng các cấp phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác kiểm tra, giám sát. Thủ trưởng các cơ quan Đảng, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, kịp thời đối với công tác thi đua, khen thưởng.

PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí.

Thanh Bình thực hiện

Nguồn Đắk Nông: http://baodaknong.org.vn/dai-hoi-thi-dua-yeu-nuoc-tinh-dak-nong-lan-thu-iv/phat-dong-manh-me-cac-phong-trao-thi-dua-yeu-nuoc-gop-phan-thuc-hien-thang-loi-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-82205.html