Pháo Trung Quốc có cỡ nòng 122mm, không phải 105mm

Quân đội Trung Quốc hiện đang sở hữu pháo sử dụng nhiều cỡ nòng khác nhau, nhưng tại sao họ chọn pháo cỡ nòng 122m chứ không phải 105mm như của phương Tây?

Hiện tại, Trung Quốc đã lựa chọn cỡ nòng pháo chiến thuật là 122 mm và chiến dịch là 155 mm cho quân đội của họ. Một câu hỏi được đặt ra là tại sao Quân đội Trung Quốc không sử dụng cỡ nòng 105 mm, mà lại sử dụng cỡ nòng 122 mm?

Đầu tiên, hãy nói về sự phát triển của pháo binh trong Quân đội Trung Quốc. Do những hạn chế về mặt kỹ thuật, đầu những năm 1950, Trung Quốc chưa thể tự mình thiết kế, sản xuất các loại pháo. Nhưng từ giữa những năm 1950, với sự giúp đỡ của Liên Xô, Trung Quốc đã bắt đầu sao chép hàng loạt mẫu pháo Liên Xô.

Ví dụ như lựu pháo 122mm Type 54 từ 122mm M30, pháo nòng dài 130mm Type 59 từ 130 mm M46, lựu pháo 152mm Type 66 từ 152 D20,... Pháo binh là hỏa lực gần như tuyệt đối của Lục quân Trung Quốc. Trải qua một thời gian dài, cỡ nòng 122 và 152mm đã tạo thành một cặp đôi hoàn hảo.

Đến đầu thập niên 1980, Trung Quốc có được lựu pháo 122mm D30 của Liên Xô thông qua nhiều kênh khác nhau. Phải nói rằng, thiết kế của pháo D30 rất hoàn hảo về mọi mặt. Đến nay, nó vẫn giữ vai trò lớn trên chiến trường Đông Âu, cả Nga và Ukraine đều được trang bị số lượng lớn pháo D30.

Dựa trên pháo D30 của Liên Xô, Trung Quốc tiếp tục bắt chước và cải tiến, cuối cùng cho ra đời pháo tự hành 122mm Type 96. Nó được sản xuất hàng loạt và trang bị cho nhiều đơn vị khác nhau của lục quân và thủy quân lục chiến.

Pháo binh của Trung Quốc chủ yếu là pháo xe kéo, vận chuyển bằng đường sắt hoặc kéo bằng xe tải; nhưng do địa hình nhiều khu vực hiểm trở, pháo xe kéo hoàn toàn không thể tiếp cận được. Ngoài ra, sau khi pháo kéo đến trận địa, cần thời gian thiết bị xong mới bắn được, đòi hỏi thời gian chuẩn bị tương đối dài.

Trong chiến tranh hiện đại, chiến thuật của pháo binh là “bắn và chạy”, nếu không đối phương sẽ phản pháo. Với pháo xe kéo truyền thống, việc di chuyển trận địa cũng mất tương đối nhiều thời gian. Trong khoảng thời gian này, các cuộc phản công của pháo binh địch, hoặc UAV sẽ gây thiệt hại nặng.

Vì vậy, bước vào thế kỷ 21, Trung Quốc đã phát triển hàng loạt pháo tự hành cỡ 122 mm như PLC-09, PCL171, PLL09, PLZ-07,... Các loại pháo 122mm nêu trên về cơ bản được phát triển thêm trên cơ sở pháo Type 96 (D-30 của Liên Xô).

Tuy nhiên, các loại pháo trên đã sử dụng nhiều loại khung gầm khác nhau, chẳng hạn như khung gầm xe chiến đấu bộ binh Type 04, xe chiến đấu bộ binh bánh lốp Type 08, xe địa hình cơ động cao Warrior 3,...

So với pháo xe kéo truyền thống, nhiều loại pháo tự hành 122mm của Trung Quốc có lợi thế cơ động rất rõ ràng, đó là xe nhỏ, di chuyển nhanh và khả năng vượt địa hình mạnh. Thậm chí có thể phát huy tác dụng lớn khi chiến đấu ở các khu vực núi cao, như khu vực phía Tây Trung Quốc.

Các loại pháo cỡ nòng 122mm của Trung Quốc có tầm bắn rất giống nhau, trọng lượng toàn bộ viên đạn khoảng 21,7 kg. Khi bắn đạn pháo thông thường với tầm bắn tối đa 16 km, các loại đạn tăng tầm với tầm bắn tối đa 27 km và tốc độ bắn tối đa từ 6 đến 8 phát mỗi phút.

Trong những năm gần đây, pháo binh Trung Quốc có sự thay đổi lớn về cỡ nòng pháo hạng nặng. Quân đội Trung Quốc cũng chỉ tập trung vào một cỡ nòng 155mm và ngừng phát triển pháo cỡ nòng 152mm và các cỡ nòng khác. Điển hình là pháo tự hành 155mm Type 05 và 155mm PCL-181.

Tuy nhiên, khác với Quân đội Mỹ và các nước đồng minh của Mỹ, khi họ bỏ pháo chiến thuật, thì Quân đội Trung Quốc tiếp tục sử dụng pháo chiến thuật cỡ nòng 122 mm. Hiện nay, cỡ nòng 122mm và 155mm là cỡ nòng pháo chính của Quân đội Trung Quốc.

Pháo cỡ nòng 122mm được trang bị cho tiểu đoàn pháo binh hỗn hợp của trung đoàn/lữ đoàn bộ binh (bộ binh cơ giới) và pháo cỡ nòng 155mm trang bị cho trung đoàn (lữ đoàn) pháo binh của sư đoàn bộ binh (bộ binh cơ giới) và các đơn vị pháo binh dự bị trong Quân đội Trung Quốc.

Một câu hỏi được đặt ra là tại sao Quân đội Trung Quốc chuyển sang cỡ nòng pháo theo tiêu chuẩn phương Tây, nhưng tại sao họ tiếp tục sử dụng pháo cỡ nòng 122mm, chứ không phải sử dụng pháo cỡ nòng 105 mm theo chuẩn phương Tây?

Phải nói rằng pháo 105mm có lợi thế rõ ràng về tốc độ bắn và độ chính xác khi bắn. Đồng thời, trọng lượng của pháo tương đối nhẹ, thuận lợi cho việc cơ động và có thể vận chuyển nhanh chóng bằng đường hàng không,... Tuy nhiên, pháo 105mm cũng có nhược điểm riêng, do hạn chế về cỡ nòng nên pháo 105mm có tầm bắn hạn chế và sức mạnh đạn pháo không đủ.

Lấy nhiều loại pháo 105mm của Mỹ làm ví dụ, đạn pháo nặng khoảng 15 kg, tầm bắn tối đa với đạn pháo thông thường là 11,5 km; nếu dùng đạn tăng tầm, tầm bắn tối đa khoảng 15 km và tốc độ bắn tối đa 10-12 phát/phút. Có thể thấy có sự chênh lệch rõ ràng về tầm bắn và sức công phá giữa đạn 105 và 122mm. Pháo 105 mm chỉ có lợi thế về tốc độ bắn và tính linh hoạt.

Hiện các đối thủ tiềm tàng của Quân đội Trung Quốc đều xây dựng các công trình phòng thủ kiên cố. Đối mặt với những mục tiêu như vậy, đạn pháo 105mm rõ ràng có phần “bất lực”. So sánh thì cỡ đạn 122 phù hợp hơn để thực hiện các nhiệm vụ tấn công khác nhau.

Từ kinh nghiệm thực chiến của thế giới, Quân đội Trung Quốc vẫn sử dụng pháo cỡ nòng 122 mm thay cho pháo cỡ nòng 105 mm như của phương Tây. Xin lưu ý rằng, mặc dù quân đội Trung Quốc tiếp tục sử dụng pháo 122mm nhưng họ vẫn phát triển các mẫu pháo 105mm với mục đích để xuất khẩu.

Tiến Minh (Theo Sina)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/quan-su/phao-trung-quoc-co-co-nong-122mm-khong-phai-105mm-1945070.html