Phận người – truyện ngắn của LÊ TRƯƠNG THÚY DIỄM

Minh họa: PV

Chín giờ đêm, mưa vẫn lất phất. Bực dọc gạt chân chống chiếc xe cà tàng, Thương ghé vào quán cà phê cóc lụp xụp thường ngày. Đôi mắt thâm quầng, đờ đẫn là minh chứng cho những ngày tháng lao lực, tăng ca quên cả giờ giấc, đêm ngày.

- Một ly đen, không đường!

Thương kéo vội ghế, ném chiếc túi xách đã đứt lưng chừng một bên vai lên bàn. Cái ghế trớ trêu vướng vào chân Thương làm nó loạng choạng, chực ngã nhào. Đang khó ở trong người, Thương lại càng thêm bực bội. Dạo gần đây công ty gặp chút khó khăn, nhân sự buộc phải cắt giảm dần. Những lao động phổ thông như Thương cứ như đứng trên bờ vực của sự sống và cái chết.

Nước mưa thấm ướt áo hòa với mùi mồ hôi và đủ thứ mùi trên bộ đồng phục công nhân mặc từ sáng. Thương rút điện thoại từ túi xách, cuộc gọi nhỡ của má. Cuộc gọi lần thứ 15 trong ngày, nhưng cô chẳng buồn gọi lại. Rồi như thói quen cô bấm ngay vào biểu tượng màu xanh hình chữ F (Facebook).

Đầu tiên trên bảng tin, con Nga cưới được ông chồng già, xấu quắc nhưng được cái đại gia, vừa tậu cho nó chiếc SH bóng loáng. Nga ngày trước cũng xấu chẳng thua ông chồng, trong lớp toàn gọi nó là Thị Nở vậy mà lên Sài Gòn mấy năm đã đổi đời. Chẳng như Thương, quần quật bao năm không dám hy vọng chi nhiều, mỗi khi nhìn chiếc xe cà tàng chỉ muốn ném thẳng nó vào bãi rác.

Thương thích uống cà phê đen đơn giản vì nó đắng như cuộc đời cô. Thế nhưng cà phê đen nhâm nhi lâu vẫn thấy ngọt, còn đời Thương càng “nhâm nhi” toàn thấy đắng cay, mặn chát. Màn hình điện thoại tắt, Thương vu vơ nghĩ về phận mình. Cô người miền Trung, năm nay 25 tuổi, hết 8 năm thanh xuân chôn vùi nơi đất khách.

Ở quê, đồng lứa với Thương người ta đã tay bồng tay bế. Còn cô nghèo kiết xác, thân mình lo chưa xong dám mơ gì đến túp lều tranh hai quả tim vàng. Thương có dáng người mảnh khảnh, thanh thoát. Đôi mắt sâu như ẩn chứa điều gì. Đẹp nhất là mái tóc ngang lưng.

Luôn phải búi chặt, gọn gàng mỗi ngày vì công việc ở phân xưởng, nhưng mỗi lần buông ra, những sợi tóc vẫn cứ mượt mà, chắc khỏe. Nhất là những lúc vừa gội xong, mái tóc như đính những viên kim cương lấp lánh.

Trước Thương cũng được học hành nhưng vì cái nghèo cứ đeo đẳng cộng thêm tính mê đỏ đen của má nên cô đành bỏ quê, những mong cuộc sống mưu sinh đổi thay phần nào. Cũng vì đỏ đen, má Thương cứ lén lút xén bớt, rồi giấu giếm bán dần bán mòn đến những thứ nhỏ nhặt nhất trong nhà.

Nhà dần dà trống không, còn duy nhất cái bàn thờ lạnh ngắt, nơi cha Thương chỉ biết u buồn nhìn vợ con từng ngày. Khômg còn gì để bán, má bế tắc đành làm liều. Vay nóng. Lãi mẹ đẻ lãi con, lãi cháu, chắt… cho đến khi chủ nợ siết cả ngôi nhà. Cả mảnh đất cuối cùng còn lại bên rìa làng mà lúc còn sống cha hứa cho Thương làm vốn lấy chồng cũng đi theo “đàn lãi”.

Thương chẳng nhớ rõ bao lần những tay xã hội đen đến nhà tìm má, chúng lục lạo, xới tung mọi ngóc ngách. Rồi những lần chúng đánh má, khi má lạy lục, van xin khất nợ. Nếu không ngồi đây bây giờ, có khi Thương đã thành “món hàng” tiếp theo để má mang đi trả nợ. Nghĩ đến lại càng giận, nghĩ đến nước mắt lại chực trào ra.

Điện thoại lại sáng đèn. Con Mưa hồi xưa học dở nhất lớp vậy mà giờ làm chủ doanh nghiệp. Nghe đâu nó vớ được chồng nhà mặt phố, bố làm sếp. Chao ôi! Sao phận người ta đầy những phước phần, còn đời mình chán chường ra thế. Càng lướt, nỗi bực dọc trong người càng sôi lên, Thương ném cái điện thoại vào túi xách.

* * *

Giọt cà phê đắng cuối cùng đã cạn. Định gọi tính tiền thì một bà già lưng còng sát đất, trên lưng tấm bao nilon bạc màu, một phần rách toang, choàng sợi dây thun qua cổ, tay run run chìa tờ vé số trước mặt.

- Cô mua giùm tui một tờ. Tiếng mưa át cả giọng bà lão yếu ớt nên Thương chẳng nghe rõ.

- Con không mua đâu ngoại ơi!

Bà lão tần ngần. Thương nghĩ bụng chắc bà lão không nghe thấy lời mình nên giơ tay phất phất, ra hiệu không mua. Bà lão cúi đầu như thay lời cảm ơn. Cái lưng khòm khó khăn, buồn bã quay đi. Trời vẫn mưa như đổ nước.

- Nay bán ế hay sao giờ còn ở đây vậy bà già? Tiếng mụ chủ quán chan chát.

- Trời mưa người ta không mua, còn cả xấp.

- Đưa tui phụ cho 2 tờ. Lấy chai nước về uống nghen bà! Vẫn tiếng chan chát ấy nhưng đâu đó kèm thêm chút tình người.

Bóng lưng khom khom buồn hiu ngồi ở một góc tối, giở những tấm vé số âm ẩm vì mưa chậm chạp đếm từng tờ. Thương dõi theo bà lão từ khi nãy. Chẳng phải vì cái giọng miền Trung của bà giống Thương, cũng chẳng vì cái lưng còng sát đất mà vì tự dưng nhìn bà lão, Thương thấy nhớ đến má mình, người đàn bà mà bấy lâu cô chẳng thèm hỏi han dù một phút. Thương đi biền biệt 8 năm nay.

Với Thương, ngày lễ, ngày tết cũng như một ngày bình thường vì về quê chẳng biết chốn nào nương thân. Không biết bao năm nay má vẫn khổ sở thua hết ván này đến ván kia chỉ vì khát khao gỡ gạc, hay đang lầm lũi một góc nào để trốn những tay chủ nợ mình đầy xăm trổ.

Thương đến gửi tiền cho chủ quán.

- Bà lão thường đến đây bán vé số hả chị?

- Cách bữa bỏ bữa, mấy bữa nắng thì đến sớm, nay mưa bán ế nên đến tận giờ. Tội. Tui với bả đồng hương. Chồng chết sớm, đi thêm bước nữa rồi đẻ độc nhất một thằng quý tử, có bao nhiêu gom đưa nó hết. Thằng con vô công rỗi nghề, đánh bạc cả ngày lẫn đêm.

Con vợ sáng đến tối bán dưa lê, buôn dưa cà hết nhà này tới nhà khác. Già rồi không còn đồng bạc, nó chửi bới, cơm chan nước mắt nên phải đi. Vậy mà bán được vài đồng cũng gói ghém đem về đưa nó nữa cho coi. Tối bả ở dưới chân cầu kia kìa. Tám mươi tuổi rồi. Con cái ở nhà đâu hay biết, tưởng vô trong đây bán vé số sung sướng!

Thương nghe mà lòng như thắt lại.

Tiếng mưa sụt sùi, xót xa, đau đáu.

- Thằng con trai với đứa con dâu hà khắc lắm. Nhiều khi tui thấy bả chết mà sướng hơn. Hôm trước về, được đâu 5 triệu. Nó giả đò nói con nó bệnh, má đưa tui mượn mấy đồng vài bữa tui trả. Mẹ nào đặng bỏ con, bà sao chẳng thương cháu. Ở chưa được nửa tháng mà con nó bệnh hết năm lần. Vậy là khô cái túi rách.

Mấy bữa có tiền nó cho ăn được nửa chén cơm, hết tiền rồi đi ra đi vô thấy ngứa mắt là nó chửi, nó đuổi. Mấy lần bả nói muốn ở nhà luôn, già rồi ăn uống cũng chẳng mấy, có rau ăn rau, có cháo húp cháo mà thấy con thấy cháu. Vậy mà đâu có được. Hễ về nó lại bảo má đi đi. Đời chi khổ quá chừng. Hôm nào có ghé, cô ủng hộ cho bả vài tờ nghen.

Thương nghẹn ngào chỉ “dạ” một tiếng. Khung cảnh chỉ còn tiếng mưa, tiếng nước réo rắt trong từng cống rãnh.

* * *

Mưa ngớt dần. Thương chào bà chủ quán rồi đạp chiếc xe cà tàng cho nổ. Cô lần đôi mắt tìm bà lão, nhưng bóng lưng còng đã khuất xa trong mưa. Tâm trí Thương vẫn thấm thía lời bà chủ quán. Người ta già cả vẫn còn ráng sức mưu sinh giữa cuộc sống cơ hàn, bức bách.

Vậy mà mấy người còn trẻ suốt ngày than ngắn, thở dài nằm ườn ra, rồi trách trả số phận. Thương lại nghe văng vẳng bên tai “Con cò lặn lội bờ sông/ Cò ơi sao lại quên công mẹ già/ Hỏi rằng ai đẻ cò ra/ Mà cò lại bỏ mẹ già không nuôi?”.

Cả ngày hôm nay bao nhiêu chuyện chẳng lành xảy đến, mới vừa đây cô còn bực tức trước phận mình, còn kèn cựa với những người bạn cũ, còn tức giận lúc nhìn thấy cuộc gọi của má. Vậy mà sau điệu sụt sùi của cơn mưa nơi đất khách, lòng Thương như được rửa trôi tất cả.

Thương chỉ trách mình sao chẳng thể giúp bà dù chỉ một tờ vé số. Lòng Thương hối hả, muốn về dãy trọ thật nhanh để gọi lại cho má. Để nghe tiếng má, để nhắn với má những khuyên can mong bà sớm quay đầu, để hứa với bà năm nay sẽ về ăn tết. Lần đầu tiên, Thương cảm thấy quý cái công việc mà mỗi sáng trên đường đến công ty luôn khiến Thương bực dọc.

Những ánh đèn đỏ trên cung đường mỗi ngày như sưởi ấm những bóng hình đơn độc, Thương đếm theo nhịp từng con số và nghe rõ những phút giây yên ắng trong lòng.

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/93/311747/phan-nguoi-%E2%80%93-truyen-ngan-cua-le-truong-thuy-diem.html